According to the Organisation for Economic Co-operation and Development (OECD), HCM City, Việt Nam, is one of the 10 cities most threatened by climate change.
Thành phố HCM ứng phó biến đổi khí hậu
Bài và ảnh: LÊ THẨM, QUANG QUÝ / Nhân Dân Điện tử
Biến đổi khí hậu (BÐKH) là hiện tượng tự nhiên mang tính toàn cầu. Dự báo TP HCM là một trong những địa phương sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Ðể ứng phó, thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch và đưa ra nhiều giải pháp phù hợp nhằm giảm thiệt hại ở mức thấp nhất và thích nghi với tình trạng BÐKH.
154/333 xã, phường thường xuyên bị ngập úng
Theo Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), thì TP HCM là một trong mười thành phố bị đe dọa nhiều nhất bởi BÐKH. Dự báo về nguy cơ BÐKH và nước biển dâng của Việt Nam do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố mới đây cho thấy: đến năm 2050, mực nước biển có thể dâng khoảng 30 cm và đến cuối thế kỷ 21 sẽ là 75 cm. Khi đó, 204 km2 chiếm 10% diện tích của TP HCM bị ngập và năm 2100 sẽ có 472 km2 chiếm 23% diện tích thành phố sẽ bị ngập chìm trong nước biển. Ðây là cảnh báo về những nguy cơ từ BÐKH mà TP HCM phải đối mặt vào cuối thế kỷ 21.
Là đô thị vùng sông nước, TP HCM nằm trên vùng đất lầy và thấp. Sông Sài Gòn, Nhà Bè, Ðồng Nai hình thành hệ thống sông ngòi và kênh rạch dày đặc với gần 8.000 km chiều dài, bao phủ 16% diện tích thành phố. Thủy triều lên xuống thường xuyên đang gây ngập úng trên diện rộng. Thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM cho thấy, trên địa bàn hiện có 154/333 phường, xã thường xuyên bị ngập úng và dự báo con số này sẽ là 177 phường, xã vào năm 2050. Thực tế cho thấy, mười năm trở lại đây, tình trạng ngập úng do triều cường diễn ra ngày một trầm trọng và lan rộng. Nhiều khu vực của thành phố không chỉ ngập úng trong mùa mưa mà còn xảy ra quanh năm, nhất là mỗi khi triều cường. Nếu mưa và thủy triều lên cùng một lúc thì tình trạng còn nghiêm trọng hơn. Ðáng báo động là tình trạng lượng mưa lớn, trái mùa, nắng nóng, triều cường gây ngập lụt kéo dài, luôn năm sau cao hơn năm trước. Tình trạng nước mặn ngày càng lấn sâu vào đất liền; nguồn nước ngọt ngày càng khan hiếm và cạn kiệt, ảnh hưởng đời sống người dân. Trong khi đó, việc quản lý, bảo vệ và khai thác nguồn tài nguyên này còn nhiều yếu kém. Một số dự án chống ngập đang triển khai chưa phát huy hết tác dụng hoặc đang kéo dài thời gian thi công gây lãng phí và chậm trễ trong việc ứng phó BÐKH.
TP HCM là trung tâm kinh tế lớn của khu vực phía nam, do đó, tác động của BÐKH không những tác động sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố mà còn ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh, thành phố trong khu vực và cả nước. Ứng phó và thích nghi với BÐKH thế nào để thành phố phát triển nhanh, bền vững là bài toán cần sớm có lời giải.
Cần quan tâm các giải pháp thích nghi
Ðể ứng phó, thích nghi với BÐKH, thành phố đã và đang triển khai nhiều giải pháp để chủ động ứng phó và tiến tới thích nghi với hiện tượng này. Nguyễn Trung Tín, Phó Chủ tịch UBND thành phố HCM cho biết: Ðể bảo đảm sự phát triển ổn định của thành phố và cuộc sống của người dân khi có tác động của BÐKH, thành phố đã xây dựng xong chiến lược dài hạn về ứng phó, thích nghi với BÐKH. Trước hết, thành phố đã thực hiện xong quy hoạch tổng thể đô thị, đồng thời liên kết các dự án phòng, chống lũ lụt, triều cường, ô nhiễm môi trường, trong đó có sự tham gia của các tỉnh lân cận. Dự án Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP HCM được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 10-2008 (Dự án 1547) bao gồm: xây dựng tuyến đê bao dài 172 km kéo từ bờ hữu sông Sài Gòn, sông Xoài Rạp, bờ tả sông Vàm Cỏ Ðông đến thị trấn Ðức Hòa, tỉnh Long An; xây dựng 13 cống kiểm soát triều ở các sông đang được triển khai. Khi hoàn thành, dự án sẽ giúp 209.500 ha đất ở TP HCM thoát khỏi cảnh ngập úng nghiêm trọng như hiện nay. Ngoài ra, Trung tâm Ðiều hành các Chương trình Chống ngập nước TP HCM cũng đã lập quy hoạch xây dựng hệ thống hồ điều tiết cho chương trình giảm các điểm ngập trên địa bàn. Khi xây dựng và bê-tông hóa cốt nền phải trừ lại một diện tích nhất định để khi mưa lớn, nước sẽ thoát theo dạng ngấm dần theo cơ chế tự nhiên.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra đồng thời với quá trình đô thị hóa một cách mạnh mẽ thì thành phố cần chú ý quy hoạch một cách khoa học hệ thống thoát nước, chống ngập do mưa và triều cường vì TP HCM là một đô thị bán ngập triều. Trong quy hoạch nền cần cân đối, tránh việc phát triển đô thị về hướng biển làm mất đi vùng trũng chứa nước của thành phố. Ðể giải quyết vấn đề ngập tại các quận, huyện ngoại thành một cách căn cơ cần xây dựng các hồ điều tiết để chứa nước mưa, diện tích này có thể vận dụng để làm công viên, giải trí cho người dân. Ðồng thời đẩy nhanh tiến độ cải tạo hệ thống thoát nước; quyết liệt trong việc san lấp các kênh rạch và hệ thống thoát nước tự nhiên, đồng thời tiến hành thường xuyên công tác nạo vét để khơi thông dòng chảy và lấy chỗ trữ nước.
Bên cạnh đó, thành phố đã chỉ đạo các sở: Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Khoa học - Công nghệ... lập kế hoạch sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên đất, nước, năng lượng, chất thải; phát triển vận tải hành khách công cộng, sử dụng công nghệ mới giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, không gây ô nhiễm môi trường; xây dựng các công trình với tiêu chí thân thiện với môi trường; tăng mảng xanh của thành phố... Tuyên truyền, hướng dẫn giúp người dân có cuộc sống thân thiện với môi trường.
Theo PGS, TS Nguyễn Văn Phước, Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên (Ðại học Quốc gia TP HCM: TP HCM cần đặc biệt quan tâm các giải pháp cho việc thích nghi. Bởi chỉ có thích nghi mới tạo nên sự tồn tại và phát triển bền vững trong môi trường sống liên tục. Các giải pháp hiện nay cũng chỉ mới ở tầm ngắn và trung hạn nên cần tiến hành nghiên cứu, xây dựng quy hoạch tổng thể. Các sở, ngành phối hợp giải quyết từng vấn đề một cách tốt nhất, nhằm giảm thấp nhất thiệt hại do BÐKH gây ra. Thành phố cần hợp tác với các nước phát triển, tranh thủ sự hỗ trợ nguồn lực và kỹ thuật từ quốc tế để đối phó BÐKH.
Mới đây, UBND thành phố cùng với thành phố Am-xtéc-đam của Hà Lan ký biên bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác thực hiện dự án 'Thành phố HCM phát triển về hướng Biển Ðông thích ứng BÐKH' là một thí dụ điển hình. Theo đó, Hà Lan sẽ hỗ trợ TP HCM xây dựng các chiến lược về quản lý nguồn nước và phát triển các hoạt động cảng biển thích ứng BÐKH.
Ngoài ra, việc tăng cường hợp tác với các thành viên C40 nhằm trao đổi kinh nghiệm quản lý, đào tạo nhân lực và tìm kiếm sự hỗ trợ về công nghệ và nguồn tài chính tài trợ quốc tế cho việc xây dựng và thực hiện kế hoạch hành động ứng phó BÐKH của thành phố cũng cần được quan tâm. Thành phố nên chú trọng phát triển các công nghệ xanh như: quan tâm phát triển công nghiệp xanh, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, gió, mặt trời...
http://www.nhandan.com.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/doi-song/i-s-ng-tin-chung/thanh-ph-h-chi-minh-ng-pho-bi-n-i-khi-h-u-1.291948#3gf6w4koXbri