On March 24, 2011, Tuổi Trẻ (Youth) Online conducted an informative and lively electronically transmitted question-and-answer session for its readers about greening the environment. Invited guests were Mr. Huỳnh Huy Tuệ of the non-profit Bridge Asia Japan, Mr. Huỳnh Kim Tước of the Energy Conservation Center in HCM City, and two very accomplished university students: Ms. Nguyễn thị Thanh Thảo and Mr. Lê Minh Quốc. It seems that, being thoughtful and nature-loving, Vietnamese people do care about the environment but need more systemic support and environmental programs to be in place. "If you build it, they will come."
Sống khiêm tốn, tiết kiệm để bảo vệ môi trường
TTO - Như thế nào là sống thân thiện với môi trường? Sự đóng góp nhỏ bé của chúng ta có hy vọng cứu được thế giới? Những câu hỏi đó có dễ trả lời không? Bạn đọc đã có dịp tranh luận và hy vọng thỏa mãn với những câu trả lời đầy tâm huyết của các khách mời trong buổi trao đổi trực tuyến "Sống thân thiện với môi trường" do Tuổi Trẻ Online tổ chức sáng 24-3-2011.
KHÁCH MỜI CỦA CHƯƠNG TRÌNH:
- Ông Huỳnh Huy Tuệ - điều phối viên Tổ chức phi chính phủ cầu châu Á - Nhật Bản (BAJ), một tổ chức phi chính phủ chuyên làm các dự án về giáo dục môi trường;
- Ông Huỳnh Kim Tước - Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP.HCM (ECC);
- Bạn Nguyễn Thị Thanh Thảo - Khoa ngữ văn Anh ĐH KHXH&NV TP.HCM, đoạt giải thưởng “Lãnh đạo toàn cầu” tại Leverkusen (Đức) với dự án “Lồng ghép giáo dục kiến thức và ý thức bảo vệ môi trường vào bài tập toán ngoại khóa cho học sinh tiểu học”;
- Bạn Lê Minh Quốc - Khoa công nghệ thông tin, ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, một trong hai đại diện bạn trẻ Việt Nam tham gia Hội nghị thượng đỉnh trẻ về hổ tổ chức tại Nga.
Trích đoạn NỘI DUNG BUỔI TRAO ĐỔI TRỰC TUYẾN:
* Tôi thấy người VN mình đa số rất biết giữ gìn vệ sinh cho nhà mình, nhưng lại vô tư xả rác ra xung quanh. Chẳng hạn tại xóm tôi, một số người cứ hay lén quét rác hoặc đổ rác trước cửa nhà tôi (gia đình tôi có 3 người, đi làm từ sáng đến chiều tối mới về).
Gặp trường hợp này tôi rất bực nhưng không biết xử lý ra sao cả. Theo anh điều này là do đâu, và tôi có thể làm gì để người dân xóm tôi có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường nơi họ sống? (Thùy Chi, 35 tuổi, TP.HCM)
- Ông Huỳnh Huy Tuệ: Vâng, buồn lắm phải không ạ. Xưa nay mình vẫn vứt vậy không sao, nhưng bây giờ có vấn đề. Vấn đề là nội dung rác bây giờ khác quá, quá khác, nhiều thứ hơn ngày xưa rất nhiều, nhất là những thứ không có nguồn gốc địa phương mình.
Vứt rác lén thì đúng là khó, thành bệnh rồi. Tôi có kinh nghiệm ở vài nơi thế này, bạn tham khảo thử nhé: cùng trẻ em trong xóm mở lớp vẽ, rồi vẽ xóm, vẽ nơi mình thích và không thích, đẹp và không đẹp; rồi phân loại rác, rác bán được và không bán được. Sau đó cùng mọi người hàng tuần bán ve chai. Vui vẻ với rác, thân thiện với những người phụ nữ làm nghề ve chai - những người lầm lũi giúp giảm lượng rác cho thành phố, không đòi hỏi ai một cái gì…
Khó lắm phải không ạ, nhưng sẽ làm được chị ạ, chỉ cần có thời gian, sự kiên trì và cảm thông, cũng như lòng kính phục những phụ nữ đội nón làm việc vì môi trường, không vụ lợi.
Có những cách làm thế này, chúng ta gìn giữ sạch đẹp phố mình, giá nhà cũng sẽ tăng lên!
* Bước xuống đường: tôi đi bộ. Khi nhắm khoảng cách không xa lắm và không gấp lắm (10km): tôi đi xe đạp. Đôi khi thấy không ai giống mình. Và vì vậy tôi bỗng trở thành kẻ lập dị. Sẽ sống thân thiện sao đây khi ai cũng có tâm lý xuống đường là leo lên xe cơ giới, dù là đi ra chợ hay đón con cách có vài trăm mét cũng phải leo lên xe? (Trần Tuấn Linh, 28 tuổi)
- Ông Huỳnh Kim Tước: Các khảo sát nghiêm túc cho thấy, sử dụng phương tiện cá nhân tốn năng lượng gấp 5 lần dùng phương tiện công cộng. Hiện nay, năng lượng sử dụng cho ngành giao thông vận tải chiếm đến 20% năng lượng của Việt Nam.
Chúng tôi rất mong muốn có một cuộc vận động toàn dân, trước hết là các bạn trẻ, hãy vì một cuộc sống năng động, khỏe, thân thiện môi trường, hãy sử dụng xe đạp thay thế phương tiện cá nhân có động cơ. Làm được điều này cũng đã góp phần giúp sử dụng năng lượng hiệu quả hơn, môi trường tốt hơn. Nếu chúng ta biết đó là điều đúng đắn, tại sao chúng ta chưa hành động?
* Chào bạn Minh Quốc! Mình cũng là người yêu thích thiên nhiên. Thật tự hào khi bạn là một trong hai đại diện cho bạn trẻ Việt Nam tham gia Hội nghị thượng đỉnh về hổ do Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) tổ chức tại Nga vào tháng 11-2010.
Sau khi trở về nước và trong tương lai, bạn có ấp ủ hay dự định thực hiện một dự án nào về bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sống cho loài hổ hoang dã của Việt Nam khi dân số của loài này còn chưa đầy 30 cá thể trong hoang dã? (Huỳnh Trịnh Viễn Phương, 26 tuổi)
- Bạn Lê Minh Quốc: Thời gian sau khi trở về nước, mình đã cố gắng tìm kiếm và liên kết các bạn trẻ có cùng sự quan tâm, thông qua những bài thuyết trình về thực trạng loài hổ tại Việt Nam. Việc tìm kiếm và liên kết này nhằm phục vụ cho những dự án sắp tới mình và Tổ chức WWF sẽ cùng làm. Trong đó, có thể kể đến kế hoạch ngày "Đi bộ vì loài hổ", dự kiến diễn ra vào tháng 9-2011.
Ngoài ra, sau khi hội nghị kết thúc, các đại sứ trẻ của 13 nước còn hổ sinh sống trong tự nhiên vẫn đang cùng chia sẻ những tin tức và những giải pháp cho vấn đề về loài hổ để mọi người có thể áp dụng lại tại mỗi quốc gia.
* Bạn quan niệm thế nào về “sống xanh”? Bạn nghĩ “sống xanh” dễ hay khó? Vì sao? (Mỹ Nga, 24 tuổi)
- Bạn Nguyễn Thị Thanh Thảo: Theo mình nghĩ, sống xanh là một cách sống hao hao như cách mà một cái cây sống: không ồn ào, không phô trương, không lãng phí. Một cái cây trong lúc sống “luôn tay luôn chân” tự mình làm việc, và không cần “ăn thịt” bất kì một sinh vật nào để tư lợi, béo tốt, nhưng quá trình sống của nó lại còn tỏa ra oxy, giúp ích cho những sinh vật xung quanh.
Con người chúng ta phát biểu rằng chúng ta thuộc một “đẳng cấp” khác nhưng mình e là đôi lúc, trong cuộc sống hối hả, chúng ta đang thuộc một “đẳng cấp” khác thật, một đẳng cấp mà trong đó người ta ham thích sự dư thừa, mới mẻ, tiện nghi, xa xỉ, và lãng phí. Con người, vì sự tiện lợi của riêng mình, đôi lúc hí hửng “ăn thịt” tất thảy những gì tồn tại xung quanh: vật nuôi, khoáng sản, rừng gỗ, năng lượng…
Mình nghĩ rằng, chừng nào chúng ta còn tiếp tục nuông chiều bản thân, thì sống xanh thực sự không phải dễ dàng.
* Mình cũng rất muốn làm một việc gì đó, tuy nhỏ bé, phù hợp với sức và khả năng mình để góp phần vào việc cải thiện môi trường hiện nay, để con em chúng ta sau này không phải hít không khí ô nhiễm như chúng ta, nhưng không biết nơi nào, đoàn thể nào cho mình tham gia cùng chung tay. Mong được gợi ý. Xin cảm ơn. (Loan Pham, 34 tuổi)
- Ông Huỳnh Kim Tước: Trung tâm của mình có tổ chức nhiều hoạt động truyền thông, đào tạo, tư vấn doanh nghiệp, chuyển giao công nghệ tiết kiệm năng lượng, phối hợp với nhiều tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp... Nếu thích, mời bạn đến cộng tác cùng trung tâm. Rất vui được đón bạn.
* Làm thế nào để tạo sức ảnh hưởng của mình đến những người xung quanh về việc tự giác bảo vệ môi trường sống? (Trần Đức Hưng, 24 tuổi)
- Lê Minh Quốc: Việc tuyên truyền, tạo sức ảnh hưởng cho mọi người về vấn đề bảo vệ môi trường là một vấn đề khó, cho nên hành động thiết thực nhất mà chúng ta có thể làm là chính bản thân chúng ta có ý thức bảo vệ môi trường trong cuộc sống hằng ngày bằng những việc đơn giản như: không xả rác, để rác thải đúng nơi quy định, tiết kiếm năng lượng, sử dụng những vật liệu xanh...
Một khi mỗi chúng ta đã là một tấm gương thực tế, thì việc kêu gọi mọi người xung quanh làm theo sẽ trở nên dễ dàng hơn.
* Chúng ta làm gì khi thấy khi nhìn thấy những cô câu sinh viên ngang nhiên vứt rác bừa bãi hả các bạn? (Lê Thị Luân, 25 tuổi)
- Lê Minh Quốc: Việc chúng ta nên làm là nhẹ nhàng nhắc nhở ngay các bạn và yêu cầu các bạn ấy nhặt mẫu rác của mình bỏ vào thùng. Việc nhắc nhở cũng là 1 hình thức tuyên truyền tốt, các bạn sẽ cố gắng chú ý hơn về sau để không còn bị nhắc nhở bởi các bạn bè cùng trang lứa.
* Thảo đánh giá thế nào về ý thức bảo vệ môi trường của bạn trẻ hiện nay? (Phụng Anh, Q.7, TP.HCM)
- Bạn Nguyễn Thị Thanh Thảo: Các bạn trẻ hiện nay (trong đó có mình nữa) đang là những người chịu ảnh hưởng rất lớn từ việc môi trường bị xuống cấp. Cơ thể chúng ta đang trong giai đoạn trưởng thành mà phải hằng ngày phải bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm ánh sáng, nguồn nước sạch khan hiếm… Chúng ta thậm chí còn có cả một tương lai dài phía trước để tiếp tục chịu ảnh hưởng. Thật đáng lo lắng!
Chính vì vậy, mình nghĩ ít nhiều ai trong chúng ta cũng có mong muốn bảo vệ và cải tạo môi trường sống của mình. Và mình hy vọng, trong những năm sắp tới, mong muốn đó sẽ được biểu hiện ra bằng hành động, càng lúc càng tự giác, rõ ràng và thiết thực hơn!
* Tôi muốn nâng cao ý thức về việc không xả rác bừa bãi (mặc dù đã có thùng rác đầy đủ), nâng cao ý thức tiết kiệm điện trong công ty tôi phải bắt đầu từ đâu? Phát động phong trao bằng cách nào là hữu hiệu nhất? (Lê Văn Mẫn Em, 24 tuổi)
- Ông Huỳnh Kim Tước: Chúng tôi có biên soạn tài liệu "Sổ tay hướng dẫn tiết kiệm điện trong công sở", bạn có thể tham khảo tài liệu này áp dụng cho cơ quan.
Hiện nay, UBND TP đã chỉ thị công sở tiết kiệm 10% điện. TrướcUBND TP đã chỉ thị công sở tiết kiệm 10% điện. Trước mắt, bạn có thể tham mưu cho cơ quan xây dựng một quy định về sử dụng thiết bị điện sao cho tiết kiệm, ví dụ cài đặt nhiệt độ máy lạnh trên 25oC chẳng hạn.
Ban có thể liên hệ với phòng thông tin truyền thông của Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP.HCM để được cung cấp thông tin và tài liệu. Cảm ơn bạn.
* Xin chào Quốc. Mình có một câu hỏi bạn: nhà mình có ông chú rất khoái nhậu thịt rừng và thường lùng mua tay gấu, nhung hươu... để nhậu. Mình rất muốn chú đừng ăn thịt rừng như vậy nữa, nhưng lại không biết thuyết phục chú ra sao. Đem luật bảo vệ động vật hoang dã ra nói thì chú bảo: khối người vi phạm chứ không riêng chú. Mình nên làm gì bây giờ? (Thanh Tâm, 21 tuổi)
- Lê Minh Quốc: Bạn có thể tìm các tài liệu trên mạng hoặc báo chí về việc những bộ phận từ động vật hoang dã thực chất không có tác dụng thần kỳ như những lời đồn và đôi khi còn có hại cho sức khỏe (gấu bị hút mật nhiều lần sẽ cho ra mật thiếu phẩm chất và lẫn mủ do viêm nhiễm, thịt bị làm giả... ). Những bằng chứng đó cho thấy việc sử dụng đôi khi còn gây hại cho chính bản thân chúng ta.
Ngoài ra vẫn có 1 biện pháp mạnh hơn, nếu biết địa chỉ những quán mà chú bạn hay mua sản phẩn từ động vật hoang dã, bạn có thể gọi đến đường dây nóng của Câu lạc bộ tình nguyện viên hành động vì động vật hoang dã (AWVC): 18001522. CLB sẽ giúp đưa thông tin tới Kiểm lâm địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời nhất.
* Nên chăng cần có một trang website để phổ biến những giải pháp ứng dụng cho gia đình trong xử lý môi trường. Ví dụ như tái chế rác phế thải? (Nguyễn Hải Bằng, 60 tuổi)
- Ông Huỳnh Kim Tước: Bác có thể tham khảo website ecc-hcm.gov.vn về các giải pháp tiết kiệm điện trong gia đình. Có thể tìm hiểu thông tin về tái chế tại Quỹ Tái chế của thành phố, thuộc sở Tài nguyên - môi trường.
* Tôi rất muốn tham gia chương trình bảo vệ môi trường với những hoạt động thiết thực, hiệu quả lâu dài, có ảnh hưởng sâu rộng đến cộng đồng, tuy nhiên chưa biết phải liên lạc với ai, ở đâu? Rất mong các khách mời cho tôi một lời khuyên. (Phạm Thành Hiệp, 1982)
- Lê Minh Quốc: Xin chào anh, hiện đang có rất nhiều mạng lưới tình nguyện viên vì môi trường đang sinh hoạt với những hoạt động thiết thực được tổ chức thường xuyên và lâu dài mà anh có thể tham gia như: tổ chức Saigon350 (dự án giáo dục môi trường, email: saigon350@gmail.com), AWVC (Hành động vì động vật hoang dã, website: http://www.awvc.org/), GoGreen (Hành trình xanh, website: http://www.gogreen.com.vn/), Đại sứ Bayer Việt Nam (website: http://www.bayer.com.vn/), C4E (Đạp xe vì môi trường Việt Nam, website: http://c4evn.org/home).
Hi vọng anh có thể tìm ra được các câu lạc bộ thích hợp và tham gia cùng vào các hoạt động sắp tới.
* Tôi là một giáo viên THPT, bạn cho tôi lời khuyên phải làm gì để học sinh của tôi "sống thân thiện với môi trường"? (Đinh Hữu Toàn, 33 tuổi)
- Lê Minh Quốc: Xin chào thầy, đối với các em học sinh, thầy có thể tổ chức những buổi sinh hoạt ngoại khóa gắn liền với thiên nhiên, có kèm theo sự hướng dẫn của những giáo viên bộ môn liên quan, để các em vừa học, vừa hiểu lý do tại sao chúng ta cần bảo vệ môi trường.
Những hoạt động vừa thiết thực vừa tạo niềm vui cho các bạn học sinh như việc trồng thêm cây xanh trong khuôn viên trường, những trò chơi tập thể có liên quan tới những vật dụng không còn sử dụng.
Hơn thế nữa, thầy có thể cho các em xem một số phim ảnh tư liệu về sự biến đổi khí hậu hiện nay, và chúng ta sẽ mất gì nếu không hành động ngay bây giờ. Hi vọng những hoạt động như thế sẽ giúp các em ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường sống và kêu gọi gia đình mình cùng tham gia.
* Học sinh của tôi giờ ra chơi hay chạy nhảy. Tiết học kế đó người các em nóng hừng hực, mồ hôi mồ kê nhễ nhại. Các em thường chạy vào toilet té nước lên đầu, lên cổ, rồi vào lớp vừa bật quạt, vừa bật máy lạnh, nói vậy mới đủ mát cho lớp đông 40 em.
Chúng tôi là giáo viên, mà cũng thấy lúng túng, không biết giải quyết bằng cách nào cho hay (nếu câu hỏi này có xa với chủ đề môi trường, thì tôi xin lỗi nhé!)? (Thanh Thanh, 30 tuổi)
- Ông Huỳnh Kim Tước: Trẻ em sau khi vận động nhiều, cơ thể đang nóng, nếu cơ thể tiếp nhận ngay cái lạnh của điều hòa không khí có lẽ là không tốt. Theo tôi, các cô nên cho các cháu dùng quạt trước, cũng nên dùng quạt ở nhiều mức độ nhanh chậm khác nhau để vừa mát vừa tiết kiệm điện. Sau đó dùng điều hòa không khí cài đặt nhiệt độ vừa phải kết hợp quạt. Cũng nên lưu ý công suất lắp đặt của điều hòa không khí có phù hợp không. Lưu ý không nên để cửa mở, hoặc các vết hở trên cửa sổ, vách... khi bật điều hòa sẽ vừa tốn điện lại vừa mất hơi lạnh ra ngoài. Chúc các cô quản nổi... 40 em.
- Ông Huỳnh Huy Tuệ: Chào bạn. Chạy nhảy rất hay, nhưng sân trường phải mềm mại, nhiều cây xanh, sân đất chẳng hạn, đừng bê tông hóa, con trẻ ngã là bị thương. Nên có nhiều vòi nước rửa giữa sân trường. Trường học nên có hành lang, nhiều màu xanh mát. Nên tăng màu xanh, có thể là trồng khoai lang treo lên. Lá khoai lang mọc nhanh, và giảm nhiệt độ các bức tường đó đến 2, 3 độ đấy bạn ạ.
* Nếu có thể gạch đầu dòng một cách ngắn gọn cho những vấn đề môi trường cần làm ngay vào lúc này, các anh chị sẽ trình bày nó như thế nào? (Dung, 27 tuổi)
- Ông Huỳnh Huy Tuệ: Tiết kiệm nước, không thải dầu mỡ xuống cống mà cho vào giấy rồi vứt vào thùng rác, bán ve chai, hoặc phân loại sẵn, giúp các chị lượm rác khỏi vất vả mở ra tìm lục. Giảm lượng túi nilông đem về nhà. Dùng vật dụng điện xong rút dây điện. Tìm thật nhiều nông dân nhỏ cho mình và tiêu thụ rau cỏ đó của nông dân...
http://tuoitre.vn/Nhip-song-tre/430098/Song%C2%A0khiem-ton-tiet-kiem-de-bao-ve-moi-truong.html