A Buddhist 11th grader re-examined his own heart toward his "proselytizing" Christian teacher. "When Truth is the reason for people to harbor envy and hatred" is the title of his insightful and moving essay. He says whatever we do, do it with love. Everything must come from a place of love; that is the most ordinary truth, the most universal truth, and also the noblest truth. Wow!
Khi chân lý là lý do để con người ganh ghét
Minh Chánh Toàn
Chân lý luôn là thứ mà loài người tìm kiếm. Bởi chân lý là con đường dẫn đến sự hạnh phúc của con người. Không ai có thể sống vui nếu bị chôn vùi trong mù quáng và những thành kiến sai lầm.
Từ đó, tùy theo niềm tin, sở trường hay thiên hướng mà con người tự tìm ra cho mình một chân lý khác nhau để sống. Người thì tin vào khoa học, người thì tin vào tôn giáo, người thì theo chủ nghĩa này, kẻ thì theo học thuyết nọ. Và khi con người đã tin vào nhiều thứ “chân lý” khác nhau, họ sẽ dễ quên đi những chân lý rất nhỏ nhặt và chung đồng. Từ đó, chữ “Chân lý” đúng nghĩa chẳng còn công năng như định nghĩa ban đầu – đó là mang lại Hạnh phúc.
Câu truyện xảy ra trong năm lớp 11 của tôi. Hay nói cách khác, là vừa mới xảy ra chỉ một vài giờ tại trường!
Tôi là một người Phật Tử siêng năng, có một cơ số thời gian đến chùa khá là lớn. Từ ngày học được giáo lý của Đức Phật, thì cũng như đã giới thiệu ở trên, tôi hoàn toàn tin và đi theo lời Phật dạy. Vì với tôi, đó là chân lý bất di bất dịch của vũ trụ, và có khả năng đem lại hạnh phúc, thánh thiện vô biên cho con người.
Song trên lý thuyết là thế! Thật sự, tôi có một cơ số tình yêu thương và hiểu biết là… ít ỏi. Và bằng chứng là câu chuyện tôi sắp kể, câu chuyện liên quan tới người giáo viên dạy Giáo Dục Công Dân của lớp tôi.
Tôi là một người học sinh ngoan theo kiểu “chuẩn”, mặc dù học không giỏi lắm! Tôi luôn đi học về nhà đúng giờ, làm bài tập đầy đủ, đôi khi tới trường hơi trễ một chút… Mà không sao! Trong lớp, tôi khá là hòa đồng vui vẻ với bạn bè, với thầy cô thì tôi luôn cúi đầu chào kính cẩn và dạ thưa cẩn trọng… Tóm lại, là một người học sinh mang một vẻ đẹp rất là “truyền thống”! Cho tới một ngày, người cô Giáo Dục Công Dân đó đã phá vỡ kỷ lục đó…
Năm lớp 10, trong bài học về Nguồn Gốc của xã hội loài người, cô GDCD đó đã mạnh dạn phát biểu là “Đức Chúa Trời đã tạo ra loài người, tạo ra thế giới trong 7 ngày…”.
Với người Phật tử, tôi hoàn toàn phủ nhận ý kiến đó và hết sức…. khó chịu vì cái cách mà cô truyền đạo lộ liễu như thế. Hoàn toàn không có trong sách giáo khoa!
Rồi tới dịp Noel, cổ lại ca ngợi Đấng Christ trước lớp và cho là đó là ngày quan trọng nhất của toàn thế giới.
Và tình hình mà người cô thay vì “giáo dục” lại đi “giáo hóa” công dân, làm tôi… giận không kềm được suốt 2 năm. Sang lớp 11 thì cô cũng bớt “lộ liễu” hơn một chút, nhưng tóm lại là cũng cái cách “cải đạo” khéo như thế!
Từ đó, tôi có thành kiến với tất cả mọi thái độ và tất cả mọi lời giảng của cô. Mặc dù, xét về trách nhiệm và bổn phận, thì cô làm tròn. Tôi chê cô giảng bài không hay, chỗ này nói không chuẩn, bắt bẻ từng lỗi nhỏ, khi cô giao bài thuyết trình cho nhóm, thì tôi nhất quyết thà 0 điểm chứ chết không làm. Tôi cũng không bao giờ phát biểu trong tiết học ấy, mặc dù cũng phải miễn cưỡng học bài để bù lại điểm 10…
Chung quy lại, là tôi không thích cô ấy và đã có những thái độ ngấm ngầm và sai lầm như trên. Chỉ vì tôi là Phật tử, còn cô là người “ngoại đạo nhiệt tình”!
Rồi cho đến một ngày, chính ra là ngày thứ 7 hôm nay, 26/2, nhóm tôi lên đóng một vở bi hài kịch cho chủ đề bài giảng trong tiết học của cô. Dĩ nhiên là tôi không hợp tác rồi! Tôi ngồi ở dưới xem, trong khi hầu hết cả tổ ai cũng tham gia tiểu phẩm ấy cả. Khi tới một đoạn cao trào trong vở, do bạn diễn viên đóng quá đạt về tâm trạng và cảm xúc khiến cả lớp cùng bùi ngùi. Và trong đó có cô…
Tôi ngồi ở dưới, lén nhìn lên cổ để coi “bả đang làm gì?”, thì thấy cô lau nước mắt…
Và chi tiết mở nút cho câu truyện căng thẳng chỉ diễn ra trong vài giây như vậy.
Tôi bỗng thấy nơi tôi có một niềm xót thương kỳ lạ với người cô đó. Chắc cuộc đời ấy, gương mặt in nhiều khắc khổ ấy, cũng đã trải qua nhiều sóng gió và thăng trầm…
Và từ lúc đó, tôi chẳng còn xem kịch nữa! Tôi phải xem lại một thứ khác, đó chính là trái tim của mình…
Con người vì chân lý để giúp cho mình và đồng loại được hạnh phúc. Nhưng nhiều khi con người hay quên, lại dựa vào chân lý, để chia cắt và thành kiến với nhau, đối xử tệ bạc với nhau.
Cũng vì tôi tin theo đạo Phật, nên tôi mới khó chịu khi thấy cô gián tiếp xúc phạm đến “chân lý” của tôi, đến đạo pháp của tôi…
Tôi lại quên rằng, trong thứ chân lý mà Phật dạy tôi đó, có tình yêu thương không ranh giới và chẳng bến bờ…
Và buổi học hôm ấy, đúng nghĩa là tiết học “Giáo dục công dân”. Với tôi, là để sửa chữa những sai lầm và hẹp hòi trong trái tim của mình. Là con người, ai cũng đáng để ta yêu thương, để ta thương xót, dù họ có đôi khi chẳng cùng chung chí hướng với ta…
Qua bài viết này, tôi muốn gửi gắm đến những người Phật tử nhiệt tâm hộ đạo như tôi. Dù làm gì, hay nghĩ gì hoặc nói gì, cũng phải dựa trên tình người mà hành động. Dẫu biết rằng, người Phật tử là phải quyết tâm, mạnh mẽ truyền bá và bảo vệ giáo pháp, song nếu chúng ta còn ganh ghét và sân si, thì làm sao giúp người khác có niềm tin vào đạo Từ Bi.
Vì thế, dù làm gì cũng phải dựa trên tinh thần yêu thương. Vì yêu thương mà dẻo mềm, nhưng cũng có khi vì yêu thương mà cứng rắn…
Tất cả phải là tình yêu thương…
Và đó là thứ chân lý bình thường nhất, chung đồng nhất và cũng chính ra là cao cả nhất!
26/2/2011
Tất cả phải là tình yêu thương!
http://blog.yume.vn/xem-blog/tan-van-khi-chan-ly-la-ly-do-de-con-nguoi-ganh-ghet.phanhoangnguyen.35D1EBC9.html