Climate change poses threat to human health.
Nguồn: Đức Tâm /RFI
Ngày: 4 tháng 3, 2011
Hiện tượng trái đất bị hâm nóng có thể tác động xấu đến sức khỏe con người trong khoảng ba thập niên tới. Theo các mô hình được trình bày ngày 19/02 vừa qua tại Washington, thì nhiệt độ trên trái đất tăng lên và độ ẩm ướt cao hơn có thể làm tăng các chất độc hại và vi khuẩn.
Các công trình nghiên cứu này, chủ yếu do Cơ quan Nghiên cứu Đại dương và Khí quyển Hoa Kỳ - NOAA tài trợ, cho thấy việc tăng nhiệt độ trên hành tinh của chúng ta làm thay đổi các hệ sinh thái ở đại dương, tạo thuận lợi cho việc sinh sôi các loại tảo độc và những vi sinh vật độc hại.
Theo dự báo của một nghiên cứu được tiến hành bởi chuyên gia Stephanie Moore, ở Trung tâm các Đại dương và Sức khỏe Con người trực thuộc NOAA, loại tảo độc "Alexandrium catocitenella" ở cửa sông Puget, bang Washington, phía tây bắc nước Mỹ, sẽ có thời kỳ phát triển dài hơn. Hiện nay, thời gian sinh sản và phát triển của loại tảo độc này từ tháng 7 đến tháng 10. Theo tính toán, thì từ nay đến cuối thế kỷ 21, loại tảo này có thể xuất hiện sớm trước hai tháng và thời gian phát triển kéo dài thêm một tháng.
Tảo độc sẽ tích tụ trong các loại trai, sò, hến. Khi ăn vào, sẽ gây ra bệnh đường ruột, thần kinh và thậm chí, trong một số trường hợp có thể dẫn đến tử vong.
Một nghiên cứu khác của chuyên gia Eric Lipp, đại học Georgia, phía đông nam nước Mỹ lại cho thấy, khí hậu nóng lên làm tăng khối lượng bụi sa mạc trong khí quyển, thúc đẩy sự phát triển các loại vi khuẩn nguy hiểm ở đại dương.
Trong ba thập niên qua, khối lượng bụi sa mạc lắng đọng trong bầu khí quyển đã tăng cao. Hiện tượng này còn có nguy cơ trầm trọng hơn do khí hậu nóng, đẩy nhanh tiến trình sa mạc hóa, nhất là ở vùng Tây Phi.
Bụi sa mạc là một trong những nguồn sắt chính của đại dương. Với nồng độ có giới hạn nhất định, sắt là nhân tố chính thúc đẩy phát triển các dạng của sự sống trên trái đất. Thế nhưng, hàm lượng sắt quá cao sẽ kích thích các loại trùng khuẩn nẩy nở, gây ra những bệnh đường ruột và nhiều loại bệnh viêm nhiễm khác.
Ông Eric Lipp cho biết, 24 giờ sau khi hòa trộn bụi sa mạc đến từ Maroc với các mẫu nước biển, giới chuyên gia quan sát thấy khối lượng trùng khuẩn gây bệnh đường ruột đã sinh sôi nẩy nở cao hơn từ 10 đến 1.000 lần, trong đó có loại vi khuẩn gây ra bệnh thổ tả.
Từ năm 1996 đến nay, số trường hợp viêm nhiễm vi khuẩn do ăn các thủy sản bị nhiễm độc, đã tăng 85% tại Mỹ.
Theo giới khoa học, có thể là bụi sa mạc, nguồn bổ sung chất sắt cho đại dương, kết hợp với hiện tượng bề mặt nước biển bị hâm nóng, đã kích thích sự phát triển các loại vi khuẩn và đây là nguyên nhân giải thích các hiện tượng viêm nhiễm ở con người ngày càng gia tăng.
http://www.viet.rfi.fr/tong-hop/20110304-bien-doi-khi-hau-de-doa-suc-khoe-con-nguoi