CỌP NGHE KINH
Huỳnh Kim Quang
Cọp, xưa nay bị con người cho là loài thú hung dữ, tàn bạo, ăn thịt người, thì làm gì có chuyện biết đầu Phật, nghe kinh và tu hành? Khó tin lắm phải không?
Chuyện mới nghe thì tưởng chỉ có trong huyền thoại cổ xưa theo kiểu “một ngàn lẻ một đêm,” nhưng đó lại là những sự thật lịch sử được ghi trong sử truyện của Phật Giáo ở nhiều nước như Trung Quốc, Việt Nam, v.v...
Sự thật này được xác chứng từ trên hai ngàn rưỡi năm trước qua lời dạy của đức Phật khi Ngài nói rằng “tất cả chúng sinh đều có Phật tính và đều có khả năng thành Phật,” bất luận chúng sinh ấy là chủng loại nào, con người hay thú vật, là hung bạo, tàn ác đến cỡ nào. Trong Kinh Angulimala Sutta của Trường Bộ Kinh (Majjhima Nikaya) có kể chuyện tại Ấn Độ, thời đức Phật còn tại thế, có chàng thanh niên tên là Angulimala vì tin theo tà thuyết cho rằng giết 100 người để lấy được 100 ngón tay mà xâu lại thành chuỗi hạt thì sẽ đắc quả, nên đã tìm giết cho đủ số 100 người dân vô tội. Khi gặp được Phật, chàng thanh niên Angulimala này định giết Ngài để lấy ngón tay, thì được Phật độ và đã xin xuất gia theo Phật. Không bao lâu sau thầy tỳ kheo Angulimala đã đắc quả A La Hán. Cho nên, Phật Pháp có công năng chuyển hóa mọi ác tâm, ác nghiệp của tất cả mọi loài chúng sinh, trong đó cọp cũng không ngoại lệ.
Đại Sư Tây Tạng Akong Tulku Rinpoche, trong tác phẩm “L’art de Dresser le Tigre Interieur” (Nghệ Thuật Nuôi Dạy Con Cọp Bên Trong), đã ví tâm thức sân si điên cuồng của con người như con cọp và quá trình chuyển hóa tâm điên đảo ấy cũng giống như quá trình thuần hóa cọp. Đại sư viết:
“Hiện thời, nơi phần đông chúng ta, tâm thức giống như một con cọp hoang dã gieo rắc kinh hoàng và tàn phá những thôn làng. Chúng ta hoàn toàn bị cái tâm trí điên cuồng này thống trị, nó lôi kéo chúng ta đi mọi hướng, theo những tham muốn và những ghét bỏ của nó, phá nát trên đường đi mọi cái có thể ngăn ngại nó, không ý thức gì về những xung động của riêng nó cũng như thực tại bao quanh nó. Nó dẫn dắt cuộc múa nhảy theo ý nó và chúng ta phải trả đền cho những đổ vỡ, không hiểu điều gì đã xảy ra: chính đó là nơi chúng ta phải tìm kiếm lý do cho những khổ nhọc và những thất vọng của chúng ta.
Để tìm thấy lại sự tự do đã bị giam hãm, phải bắt con cọp hoang dã này và thuần hóa nó: nó phải phục vụ chúng ta mà không phải ngược lại.” (Bản dịch Việt của Nguyễn An Cư, Thiện Tri Thức Xuất Bản 2001. Nguồn: www.thuvienhoasen.org)
Ngày xưa, các ngôi chùa và những vị thiền sư, tổ sư thường ở ẩn trong rừng núi để tịnh tu. Ở trong rừng thì tất nhiên phải gặp thú rừng, gặp cọp. Với người bình phàm, gặp cọp là chuyện không may, nhưng với các thiền sư là chuyện bình thường như cơm bữa. Các ngài do đắc đạo mà phát sinh diệu lực của trí tuệ và từ bi bất khả tư nghì, cho nên, có thể cảm hóa được không những loài người mà cả đến thú vật.
Sử truyện về chuyện cọp quy y đầu Phật, nghe kinh tu hành thì rất nhiều, nhưng ở đây người viết chỉ xin nêu ra một vài chuyện điển hình. Trước hết, xin kể về chuyện cọp trong chốn thiền môn ở Trung Quốc.
Thiền Sư Phong Can Cỡi Cọp Về Chùa
Trương Kế, một thi hào Trung Hoa đời nhà Đường, có làm bài thơ “Phong Kiều Dạ Bạc” nổi tiếng. Bài thơ như sau:
“Nguyệt lạc, ô đề, sương mãn thiên
Giang phong, ngư hỏa, đối sầu miên
Cô Tô thành ngoại, Hàn Sơn Tự
Dạ bán chung thinh đáo khách thuyền.”
Thi sĩ Tản Đà đã dịch ra thơ bằng tiếng Việt như sau:
“Quạ kêu, trăng lặn, sương rơi
Lửa chài, cây bãi, đối người nằm co
Con thuyền đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San.”
Trong bài thơ trên của thi hào Trương Kế có nhắc đến Chùa Hàn Sơn. Chùa này nằm ở thành phố Tô Châu của Trung Quốc. Chùa được lập vào đầu thế kỷ thứ 6. Lúc mới lập, Chùa có tên là Diệu Lợi Tự. Sau đó đổi tên là Phong Kiều Tự vì nằm gần cầu Phong Kiều. Nhưng đến đời nhà Đường, vì trong Chùa xuất hiện 2 vị thiền sư đắc đạo là Hàn Sơn và Thập Đắc nên, Chùa đã được đổi thành Hàn Sơn Tự.
Thiền sư Hàn Sơn và Thập Đắc là những hiện tượng kỳ lạ và dị thường của chốn Thiền môn Trung Hoa mà hành trạng và sở chứng khó ai đo lường nổi. Nhưng, nói đến Hàn Sơn mà không nhắc đến thiền sư Phong Can là một thiếu sót rất lớn, bởi lẽ, Phong Can là người lượm Hàn Sơn từ ngoài đường xó chợ đem về chùa nuôi. Phong Can cũng là một thiền sư mà cuộc đời phong kín trong những huyền thoại bí ẩn. Người đương thời cho rằng thiền sư Phong Can là hóa thân của đức Phật A Di Đà.
Chuyện kể rằng, thiền sư Phong Can có một ngôi thảo am trong khuôn viên Chùa Quốc Thanh trên núi Thiên Thai nằm ở tỉnh Triết Giang của Trung Hoa. Thiền sư Phong Can có nuôi một con cọp làm đệ tử. Ngài thường cỡi cọp ngao du sơn thủy, thầy trò tâm đắc, đi đi về về Chùa Quốc Thanh. Mọi người thấy cọp đều sợ, tránh xa, nhưng ngài cười cười mà nói rằng, “Đừng sợ, nó là đệ tử của ta, nó hiền lắm, không làm hại ai đâu.” Nghe thế, mọi người mới an tâm, không còn sợ nữa.
Cọp Quy Y Với Ngài Hư Vân
Thiền sư Hư Vân (1840-1959) là một trong những cao tăng đắc đạo của Phật Giáo Trung Quốc vào hậu bán thế kỷ 19 và tiền bán thế kỷ 20. Ngài sống thọ tới 120 tuổi.
Trong cuốn “Đường Mây Trên Đất Hoa” do Thích Hằng Đạt và Nguyên Phong phóng tác, phần tự truyện, Thiền Sư Hư Vân có kể rằng tại Chùa Nam Hoa, ngôi Tổ Đình của Lục Tổ Huệ Năng ở tỉnh Quảng Đông, Trung Hoa, trong ngày Thiền Sư Hư Vân truyền giới cho các đệ tử, có một con cọp từ trên núi tìm xuống đạo tràng. Khi thấy nó mọi người đều hoảng sợ, có người định lấy súng để bắn. Nhưng thiền sư Hư Vân cản lại không cho. Khi con cọp thấy ngài Hư Vân thì quỳ mạp xuống đất, tỏ cử chỉ thần phục, như muốn quy y. Ngài Hư Vân biết ý nó nên đã lập tức truyền Tam Quy (Quy y Phật, Pháp và Tăng) và giới pháp cho. Con cọp thọ giới xong, liền bỏ đi vào núi.
Truyền thuyết nói rằng hằng năm, con cọp đó đều đến chùa một vài lần trong các dịp lễ lớn. Ngài Hư Vân thỉnh thoảng cũng vào rừng để tìm thăm con cọp đệ tử của mình và dạy cho nó bỏ ác làm lành. Ngài dặn nó nên ở trong núi, đừng ra ngoài làng xóm mà hại người.
Cọp Đi Hóa Duyên Cho Đại Sư Liên Trì
Đại sư Liên Trì (1532-1612) là một cao tăng đời nhà Minh ở Trung Quốc. Ngài trú ở Chùa Vân Thê phủ Hàng Châu, chuyên tu pháp môn niệm Phật. Đại sư đã cảm hóa một con cọp, cho nó quy y Tam Bảo và nhận làm đệ tử. Thường ngày, nhiều thiện nam tín nữ đến chùa thấy cọp thì sợ không dám lại gần. Cho nên đại sư đã dạy con cọp không nên đi thẳng mặt tới mà đi lui để không khiến cho người ta sợ. Cọp nghe lời ngài, khi ra vô trong chùa đều đi lui.
Từ đó, ai thấy con cọp đi lui đều biết là đệ tử của đại sư Liên Trì nên không sợ hãi nó nữa. Con cọp này cũng hay một mình xuống núi đi vào xóm làng để hóa duyên, tức xin thức ăn, về cho thầy mình là đại sư Liên Trì. Dân làng, mỗi khi thấy cọp đi lui đến, đều hoan hỷ đem thức ăn ra cúng dường. Cọp mang thức ăn về chùa cho đại sư Liên Trì thọ dụng.
Đó là chuyện cọp trong chốn thiền môn ở Trung Quốc, dĩ nhiên còn nhiều lắm kể không hết. Nhưng, thôi, bây giờ, xin kể chuyện cọp với các thiền sư Việt Nam.
Từ Đạo Hạnh Hóa Cọp Trên Thân Tái Sinh Lý Thần Tông
Trong lịch sử Phật Giáo Việt Nam thời nhà Lý, Từ Đạo Hạnh là một vị thiền sư có nhiều huyền thoại bao trùm lên cuộc đời nhất. Nhưng ở đây chỉ xin kể chuyện Từ Đạo Hạnh hóa sinh làm vua Lý Thần Tông (1116-1138), rồi mắc bệnh thành cọp để phải nhờ đến thiền sư Nguyễn Minh Không chữa lành.
Tuy nhiên, nhắc đến chuyện Từ Đạo Hạnh bị nghiệp quả hóa cọp thì cũng nên biết đến nguyên nhân mà ông đã tạo ra. Nguyên nhân đó là cha của Từ Đạo Hạnh là Từ Vinh, vì dùng pháp thuật vào cung của Diên Thành Hầu là em của vua Lý Nhân Tông để phá các cung phi. Diên Thành Hầu tức giận mới nhờ pháp sư Đại Điên dùng phép đánh chết, ném xác xuống sông Tô Lịch. Từ Đạo Hạnh, vì vậy, mang mối hận cha bị giết, nên quyết chí học pháp thuật để trả thù cho cha. Khi đã có pháp thuật rồi, Từ Đạo Hạnh tìm giết Đại Điên để trả thù. Thù trả xong, Từ Đạo Hạnh mới giác ngộ được lẽ ân oán trói chặt con người trong thù hận và sinh tử, cho nên mới tầm sư học đạo cầu giải thoát.
Khi nghe vua Lý Nhân Tông muốn phong một đứa bé kinh dị tên là Giác Hoàng làm thái tử để truyền ngôi, Từ Đạo Hạnh xúi chị mình lẻn vào cung để phá. Vua truy tìm và biết được Từ Đạo Hạnh chủ mưu nên bắt giam vào ngục để xử. Một hôm, Sùng Hiền Hầu, em trai của vua Lý Nhân Tông, đi ngang qua ngục, Từ Đạo Hạnh kêu cứu và hứa sẽ trả ơn trọng. Nhờ Sùng Hiền Hầu nói giúp với vua Lý Nhân Tông, Từ Đạo Hạnh được tha. Từ đó Từ Đạo Hạnh mang ơn Sùng Hiền Hầu và có lòng báo đáp. Ngày kia, Từ Đạo Hạnh đến nhà Sùng Hiền Hầu thăm và tạ ơn thì được Sùng Hiền Hầu cho biết là đã cầu tự mà vẫn chưa có con trai để nối nghiệp nhà. Từ Đạo Hạnh nhân đó mới có cơ hội để trả ơn bằng cách về núi Phật Tích thoát xác và đầu thai vào làm con của Sùng Hiền Hầu. Khi đứa bé sinh ra thì tướng mạo khôi ngô tuấn tú và thông minh khác thường, nổi bật trong đám trẻ con của hoàng tộc nhà Lý. Do đó, vua Nhân Tông mới nhận làm con nuôi, phong thái tử và truyền ngôi vị thành vua Lý Thần Tông vào năm 1128.
Sau khi lên ngôi vua, Lý Thần Tông mắc chứng bệnh kỳ lạ là toàn thân lông lá mọc đầy, tánh tình trở nên hung dữ, tối ngày la rống chẳng khác một con cọp. Triều thần mời đủ danh y, pháp sư đến chữa trị mà vẫn không ai trị lành. Lúc bấy giờ ngoài dân gian, mấy đám trẻ nít lại hay hát câu:
“Muốn trị bệnh thiên tử
Phải có Nguyễn Minh Không.”
Triều đình nhân đó mới sai người đi tìm thiền sư Nguyễn Minh Không để trị bệnh cho vua Lý Thần Tông. Đến đây, xin nói qua về mối liên hệ nhân duyên giữa thiền sư Nguyễn Minh Không (1066-1141) và vua Lý Thần Tông, hóa thân của Từ Đạo Hạnh.
Nhân duyên như thế này, thiền sư Nguyễn Minh Không ở Chùa Thiên Phúc trong núi Phật Tích nằm ở huyện Sài Sơn, phủ Quốc Oai, tỉnh Hà Tây cũ, nay thuộc Hà Nội. Từ Đạo Hạnh trên đường tầm sư học đạo đã đến Chùa Thiên Phúc để nhập chúng tu học. Ngày nọ, Từ Đạo Hạnh nói với thiền sư Nguyễn Minh Không rằng nghiệp cảm của ông trên thế gian vẫn còn, nên ông sẽ phải sinh ra và làm vua một đời nữa rồi sau đó mới thoát ly ba cõi. Khi làm vua ông sẽ bị một kiếp nạn rất lớn, nên xin thiền sư Nguyễn Minh Không lúc đó giải nghiệp giùm cho. Chính vì nhân duyên này mới có chuyện thiền sư Nguyễn Minh Không đến trị bệnh hóa cọp của Lý Thần Tông.
Bây giờ, kể lại chuyện Nguyễn Minh Không chữa bệnh cho Lý Thần Tông. Khi triều đình triệu thỉnh được thiền sư Nguyễn Minh Không vào cung, thì có nhiều thầy thuốc, pháp sư cũng có mặt. Họ thấy Nguyễn Minh Không ăn mặc theo kiểu một ông sư quê mùa nên có ý khinh chê, nghĩ là ông thầy quê này không tài nào chữa lành bệnh được cho vua. Thiền sư Nguyễn Minh Không mang theo một cái đinh lớn dài 5 tấc. Ông dùng tay đóng đinh vào cột và nói rằng nếu ai rút đinh ra được thì người đó sẽ chữa bệnh cho vua. Trong đám pháp sư và thầy thuốc đó không ai làm nổi. Ông lấy hai ngón tay kéo cái đinh ra một cách nhẹ nhàng, rồi sai nấu một vạc nước sôi và bỏ đinh vào đó. Rồi thì ông nhúng tay vào vạc nước sôi, quậy mấy vòng, xong, bỏ Lý Thần Tông vào vạc, dùng nước sôi xối lên mình của Lý Thần Tông. Tức thì lông cọp trên mình Lý Thần Tông rụng hết và bệnh cũng lành luôn. Chuyện này có ghi trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Thiền Uyển Tập Anh, v.v…
Đó là chuyện vào thời nhà Lý, cách nay gần một thiên niên kỷ. Chuyện cọp quy y đầu Phật với các thiền sư thì thời nào cũng có, không riêng gì đời xưa, ngay trong thế kỷ 19 và 20 gần đây cũng xảy ra. Nay xin kể vài chuyện để hầu độc giả.
Đệ Tử Bạch Hổ Của Tổ Hữu Đức
Sử truyện kể rằng Tổ Hữu Đức sinh quán tại làng Bạch Mã, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên. Ngài sinh năm 1812 và tịch vào năm 1887. Tổ xuất gia từ thời thiếu niên và vân du đây đó để học đạo. Ngài đã vào tận Phan Thiết để tầm sư tu học. Nghe danh tiếng của Tổ Bảo Tạng, vốn là đệ tử của Tổ Giác Ngộ là vị thiền sư đắc đạo khai sơn Chùa Long Sơn Bát Nhã ở huyện Tuy An, Phú Yên, cũng vào Phan Thiết, nên Tổ Hữu Đức lần tìm đến để xin thọ giới.
Nhắc đến Tổ Giác Ngộ và Chùa Long Sơn Bát Nhã ở Phú Yên, thì người viết xin được dùng câu chuyện của Tổ Hữu Đức để kể thêm về vị thiền sư và ngôi chùa nổi tiếng tại Phú Yên này. Sở dĩ nói thêm vì chính người viết bài này đã có cơ duyên đến tận Chùa Long Sơn Bát Nhã lúc còn ở trong nước. Tên Chùa nói cho đủ là Sắc Tứ Long Sơn Bát Nhã Tự. Chùa có chữ “Sắc Tứ” vì đó là ngôi chùa được vua sắc phong vì có công lớn với triều đình. Chùa Long Sơn được vua Minh Mạng phong Sắc Tứ vì Tổ Giác Ngộ đã trị lành bệnh cho Hoàng Thái Hậu là mẹ của Minh Mạng.
Chùa Long Sơn Bát Nhã ở huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Từ đường quốc lộ số 1 ở thôn Phú Tân đi lên núi khoảng 3 cây số. Đường đi toàn là núi non rừng rậm. Khi lên tới đỉnh thì chỉ nhìn thấy núi rừng trùng trùng điệp điệp, nhìn hướng đông thấy Đầm Ô Loan và biển Đông xa thẳm tít chân trời. Đứng ở Chùa Long Sơn Bát Nhã nhìn ra biển, sẽ thấy 5 hòn núi nhỏ nằm thẳng hàng từ trong ngọn núi Long Sơn ra đến biển. Năm ngọn núi này, người dân ở đây gọi là Ngũ Quỷ Sơn. Truyền thuyết kể rằng khi Cao Biền thời nhà Đường sang Đại Việt để tìm long mạch mà trấn, lúc đến đây vì thấy ngọn núi này long mạch rất thịnh nên đã dùng phép thuật đá tung ngọn núi chính để phá long mạch, đất đá từ ngọn núi chính văng xuống tạo thành 5 hòn Ngũ Quỷ. Trên đầu núi Chùa Long Sơn Bát Nhã có một cái giếng đá thiên nhiên, nước trong veo. Giếng này quanh năm suốt tháng không khi nào cạn nước. Thiền sư Giác Ngộ đến đây để ẩn tu. Lúc ngài đến đây, rừng núi âm u, là nơi tụ tập của nhiều thú rừng, trong đó có cọp. Nhưng ngài vẫn an nhiên tự tại tham thiền nhập định ở đây.
Nay nói lại chuyện Tổ Hữu Đức. Sau khi thọ giới với Tổ Bảo Tạng, Tổ Hữu Đức lên núi Trà Cú, có chỗ gọi là Tà Cú, để tìm nơi vắng vẻ tịch mịch mà ẩn tu. Ngài một mình leo lên núi, đi thật xa và cao trên núi để không còn ai có thể biết đến mà quấy rầy chuyện tu tập. Nơi đó chỉ có suối nước và rừng rậm thâm nghiêm, không một bóng người lai vãng, ngoài thú rừng cọp, beo, rắn, rít. Ngài vào một hang núi để tĩnh tọa thiền quán, lúc đói thì hái trái cây và đọt lá cây mà ăn. Lúc đầu thú rừng còn xa lạ, nhưng dần dần, với đức độ đắc đạo, ngài đã cảm hóa được chúng. Điều kỳ lạ là có một con cọp trắng (bạch hổ) hay đến nằm ngoài cửa hang lúc ngài tụng kinh. Lúc đầu nó nằm xa, sau dần vào gần chỗ ngài ngồi thiền. Rồi như hấp lực của kinh kệ và đạo hạnh của tổ, con bạch hổ cứ quanh quẩn bên ngài. Cuối cùng, con bạch hổ đã trở thành đệ tử quy y với ngài. Tương truyền rằng, mỗi khi có dân làng lên núi thăm Tổ, khi về vì sợ thú rừng, nên Tổ sai Bạch Hổ đưa họ xuống núi.
Tổ Hữu Đức ẩn tu trong hang núi Trà Cú được 7 năm như thế. Một hôm có mấy người Chàm đi săn đã phát hiện ra ngài và đồn đến tai dân làng Kim Thạnh ở dưới núi. Từ đó, thỉnh thoảng dân làng tìm đến để nghe kinh, nhờ ngài hướng dẫn tu tập và cúng dường thức ăn cho ngài. Sau đó, dân làng đã cùng nhau dựng am tranh cho ngài có chỗ che mưa, tránh nắng.
Do tu hành đắc đạo, ngài có oai lực chữa lành bệnh cho người dân. Tiếng đồn ấy truyền đi rất xa. Năm Tự Đức thứ 33, Thái Hậu bị bệnh nặng, ngự y trong cung đều bó tay. Quan Thủ Hiến của Bình Thuận viết thư tâu lên vua về chuyện chữa bệnh mầu nhiệm của Tổ Hữu Đức. Vua Tự Đức hạ chiếu triệu thỉnh ngài ra Kinh để trị bệnh cho Thái Hậu. Tổ Hữu Đức từ chối không đi, nói rằng ngài đã lập nguyện không xuống núi, nhưng đồng thời ngài cũng chỉ dạy cách hành trì Chú Chuẩn Đề cho sứ giả để về Kinh phục mạng. Nhờ y theo lời dạy thọ trì Chú Chuẩn Đề của ngài mà Thái Hậu đã khỏi bệnh. Vua Tự Đức cảm ân đức nên ban sắc tứ cho chùa là Linh Sơn Trường Thọ.
Năm 1887, Tổ Hữu Đức viên tịch. Bạch Hổ ngày ngày ra nằm bên tháp Tổ, không ăn uống gì, nên sau đó cũng mất theo ngài luôn. Dân làng chôn Bạch Hổ cạnh tháp Tổ. Cho nên, ngày nay khách thập phương đến viếng tháp Tổ đều thấy có ngôi mộ nhỏ sát bên cạnh tháp, đó là mộ của Bạch Hổ.
Để kết thúc bài này, người viết xin kể hầu độc giả một câu chuyện cũng liên quan đến cọp nơi cửa thiền. Đó là chuyện “Hổ Khê Tam Tiếu,” rất nổi tiếng trong thiền môn Trung Quốc.
Chuyện kể như thế này, Đại sư Huệ Viễn (334-416), quê quán ở Nhạn Môn thuộc tỉnh Sơn Tây, là một bậc cao tăng đời nhà Tấn ở Trung Quốc. Ngài là một trong những vị tổ của Tịnh Độ Tông Trung Hoa. Ngài sáng lập Liên Xã để kết duyên Tịnh Độ với những ai có duyên.
Đại sư Huệ Viễn ẩn tu ở Chùa Đông Lâm. Trước Chùa Đông Lâm có một con suối, trên suối có chiếc cầu. Dưới suối có nhiều cọp thường đến để uống nước, cho nên suối có tên là Hổ Khê (Suối Cọp). Ngài Huệ Viễn tu ở Chùa Đông Lâm đã mấy mươi năm chưa từng bước chân qua khỏi cầu Hổ Khê này.
Nhưng, một hôm, vào năm 407, có đạo sĩ Lục Tu Tĩnh và thi hào Đào Tiềm (tức Đào Uyên Minh) đến chùa Đông Lâm viếng thăm và đàm đạo Phật lý, Đạo Lý và thi văn với Huệ Viễn Đại Sư. Khi hai vị khách quý này cáo biệt ra về, Ngài Huệ Viễn đích thân tiễn họ ra. Vừa đi, ba người vừa tiếp tục đàm đạo, vì tâm đắc câu chuyện đạo lý và thi văn nên qua khỏi cầu Hổ Khê lúc nào mà không biết. Ngay thời khắc ấy, có tiếng cọp ở dưới suối rống lên thật to. Ba người tức thì dừng lại. Hai vị khách nhìn Đại Sư Huệ Viễn. Rồi cả ba cùng cười sảng khoái… Từ đó trong chốn thiền môn lưu truyền câu chuyện “Hổ Khê Tam Tiếu,” tức ba tiếng cười ở Suối Cọp.