Thursday, February 10, 2011

Môi Trường Quanh Ta: Hi vọng xanh từ Yên Tử (Nguyễn Thế Thanh)

"Keeping our environment clean is a practical offering to the Buddhas" (Photo: T.N.)
Yên Tử Mountain, where pilgrims come to revere the spirit and legacy of Buddha King Trần Nhân Tông, First Patriarch of the Trúc Lâm Zen School, has hope to remain clean and green.

Hi vọng xanh từ Yên Tử

Nguồn: Tuổi Trẻ Online / Nguyễn Thế Thanh
Ngày 10 tháng 2, 2011

TT - Mồng 3 Tết Tân Mão. Còn những mươi ngày nữa mới đến hội xuân Yên Tử - lễ hội lớn nhất vùng Đông Bắc. Vậy mà các nẻo đường dẫn đến chốn non xanh linh thiêng này đã rậm rịch người xe từ sáng sớm.

Từ chùa Giải Oan (nơi suối Giải Oan chảy qua) lên đỉnh Yên Sơn nổi tiếng (nơi có chùa Đồng), khách hành hương được viếng cảnh chùa Hoa Yên và nhiều ngôi chùa cổ kính sau khi đã vượt một đoạn đường dài 1.600m. Con đường nhỏ bén chân người từ hơn 700 năm trước ấy đến năm 2000 đã được lát đá toàn bộ. Nhưng, ngoài sự hùng vĩ của thiên nhiên vẫn còn có những câu chuyện khác cần được kể về Yên Tử - nơi mà vua Trần Nhân Tông, sau hai lần lãnh đạo nhân dân đánh thắng quân xâm lược Nguyên Mông đến từ phương Bắc, đã từ bỏ ngai vàng để về đây tu hành, khởi lập phái Thiền Trúc Lâm và xây dựng nơi đây thành kinh đô Phật giáo của Đại Việt, sáng danh trong nền Phật giáo thế giới.

Đó là câu chuyện về sự sạch sẽ và lịch sự đến bất ngờ ở chốn đông đúc khách tham quan như Yên Tử, ít ra là vào đầu xuân này. Hầu như không có rác vứt đầy rẫy trên đường và ven đường như đã có và đang có ở các nơi chốn khác. Người đi tấp nập, có đến quá nửa là thanh niên, nhưng không thấy ai chen huých nhau. Đã có những thanh niên tặng gậy trúc cho vài người lớn tuổi sức yếu. Nhiều người nhường bước hoặc tỏ lời động viên những khách leo núi thấm mệt.

Nhờ những cuộc trò chuyện dọc đường ấy mà chúng tôi được gặp cụ bà Đỗ Thị Dậu, 91 tuổi, tay này chống gậy trúc, tay kia phẩy quạt, tóc bạc da hồng, đẹp như một bà tiên cổ tích. Cụ bảo nhà ở TP Hải Dương nên đã mấy lần đi chùa Yên Tử. Lần trước cụ lên chùa Đồng khó khăn vì chưa có tuyến cáp thứ hai, phải nhờ thanh niên cõng lên cõng xuống. Tết năm nay cụ chống gậy túc tắc đi cùng vợ chồng con trai út lên tận đỉnh Yên Sơn lộng gió. Đường lên núi đã thuận tiện hơn nhiều nên cụ bảo không thấy quá mệt. Đám thanh niên 9X dừng lại nghe chuyện, xin được chụp ảnh với cụ rồi lại rủ nhau chạy băng băng xuống núi.

Cả một không gian Yên Tử cao vời vợi và xanh ngút ngàn không bị nhiều tấm băngrôn với những lời lẽ ngu ngơ làm cho rối loạn tầm mắt và tầm nghĩ. Duy chỉ có một khẩu hiệu không lớn chăng ngang phía trên những bậc thang làm nhiều du khách để ý và suy nghĩ: “Giữ gìn vệ sinh môi trường là thiết thực cúng dường chư Phật”. Yên Tử sạch là vì lời nhắc nhở rất nhẹ nhàng này chăng? Mà tại sao lại không. Thử nghĩ, quanh năm có hàng triệu lượt người đến viếng Phật và vị vua vĩ đại - nhà tư tưởng lớn của VN là Phật hoàng Trần Nhân Tông, nếu ai cũng không thấm nhuần câu nhắc nhở khẽ khàng nhưng sâu sắc ấy thì liệu môi trường Yên Tử có còn được xanh và sạch như bây giờ chăng? Rừng trúc, rừng tùng, rừng dẻ của Yên Tử còn xanh được như thế này phải chăng cũng còn vì sự hiểu biết của khá nhiều cư dân nơi đây. Một người dân địa phương bảo chúng tôi: “Cây rừng Yên Tử quý lắm, bây giờ mà chặt cây là đi tù đấy”.

Chợt nhớ đến tích xưa kể rằng vua Trần Nhân Tông được vị giáo chủ Phật giáo Ấn Độ gửi tặng giống tùng quý. Vua đã cùng các Phật tử trồng giống tùng ấy ở hai bên vệ đường lên núi, sau trở thành đường tùng còn đến bây giờ. Tùng cũng được nhân ra rất nhiều ở khắp rừng Yên Tử suốt mấy trăm năm. Các nhà khoa học đã nghiên cứu và chia tùng Yên Tử thành ba loại: thanh tùng, xích tùng và thủy tùng. Giống tùng quý ấy nay chỉ còn có 274 cây.

Người biết chuyện kể rằng trước khi Yên Tử được xếp hạng di tích quốc gia, khá nhiều cây quý ở đây đã bị đốn. Sự tàn phá thiên nhiên của con người quả thật ghê gớm. Người ta đã chẳng chứng minh một cách không khó khăn mối liên hệ giữa việc chặt phá rừng (ở nhiều nơi trên đất nước chứ không riêng ở Yên Tử trước đây) với những trận lũ lụt kinh hoàng, những vụ sạt lở núi và đất ven sông diện rộng đấy thôi. Một điệp khúc buồn của môi trường mà thiên tai và nhân tai trở thành đồng tác giả...

Sự phát triển bền vững tùy thuộc vào cái cách người ta ứng xử đàng hoàng hay tệ bạc với môi trường thiên nhiên mỗi khi nghiên cứu và triển khai các dự án, tùy thuộc cái cách người ta làm gì để môi trường thiên nhiên đi liền với lối sống tử tế giữa con người với nhau được giữ gìn cẩn trọng như giữ chính sự sống. Thế nên, càng thấy thú vị với câu khẩu hiệu giăng lên nhẹ nhàng ở chốn linh thiêng Yên Tử: “Giữ gìn vệ sinh môi trường là thiết thực cúng dường chư Phật”. Và, càng thấy quý trọng hình ảnh một nữ nhân viên vệ sinh còn khá trẻ của khu di tích nhoài người ra khỏi lan can bảo vệ để nhặt vài chiếc vỏ lon cùng những miếng rác do ai đó vô ý thức vứt xuống vệ rừng.

Nhìn cô gái trẻ đi cheo leo miệng vực để nhặt rác mà không có dây đeo bảo hiểm, vừa thấy băn khoăn cho công tác an toàn lao động ở nơi đây, vừa hiểu thêm rằng: ý thức bảo vệ môi trường, thói quen văn minh nơi công cộng không dễ ngày một ngày hai mà có. Dẫu sao, niềm vui và niềm hi vọng về một Yên Tử sẽ còn xanh và sạch đã chiếm trọn trái tim du khách những ngày đầu xuân này.


http://tuoitre.vn/Van-hoa-Giai-tri/423891/Hi-vong-xanh-tu-Yen-Tu.html