An article on guiding young children how to treat animal companions. Be kind to animals and we will for sure beget friendly behaviors.
Nguyễn Niệm (Theo Healthychildren)
Ngày 13 tháng 2, 2011
PNCN - Nếu bạn muốn nuôi thú để làm bạn với những đứa trẻ, hãy chờ cho tới khi trẻ đủ lớn, biết cách xử lý và chăm sóc cho các con thú, thông thường là khoảng từ 5 đến 6 tuổi. Vì những đứa bé rất khó phân biệt giữa một con thú và món đồ chơi, nên có thể vô tình khiêu khích và bị thú cắn khi chọc ghẹo hoặc ngược đãi chúng.
Nên nhớ rằng bạn phải có trách nhiệm đảm bảo cho sự an toàn của trẻ khi ở gần thú, vì thế hãy thực hiện những biện pháp phòng ngừa sau:
1. Hãy đối xử với thú nuôi một cách nhân từ để giúp chúng trở nên thân thiện với con người. Đừng cột chó bằng một sợi dây hoặc xích ngắn, vì sự giam cầm này có thể khiến chúng trở nên hung hăng, dữ tợn.
2. Không bao giờ để trẻ ở nhà một mình với thú. Đã có nhiều trường hợp trẻ bị thú cắn vì trẻ không thể nhận ra khi nào các con thú trở nên quá kích động.
3. Hướng dẫn trẻ không nên để mặt quá gần thú.
4. Không cho phép trẻ chọc ghẹo bằng cách túm đuôi, tranh giành đồ chơi với thú hoặc giấu khúc xương chúng đang gặm. Cần nhắc trẻ không được quấy rầy thú khi chúng đang ngủ hoặc đang ăn.
5. Cần chủng ngừa bệnh dại cho thú, đặc biệt là đối với chó hoặc mèo.
6. Tuân thủ các quy định của chính quyền địa phương về việc nuôi và thả thú. Bảo đảm rằng lúc nào thú cũng phải được đặt trong vòng kiểm soát của bạn.
7. Dạy trẻ cách chào đón một con chó. Cho trẻ biết nên đứng yên khi chó ngửi, rồi mới chầm chậm đưa tay vuốt ve chúng.
8. Cảnh báo trẻ phải tránh xa những khoảnh sân của nhà hàng xóm có nuôi những con chó dễ bị kích động và kém thân thiện. Cho trẻ biết các dấu hiệu của một con chó khi giận dữ, như thân thể và đuôi cứng ngắc, không uyển chuyển, sủa cuồng loạn, tư thế nấp né, vẻ nhìn chằm chằm…
9. Hướng dẫn trẻ phải đứng yên khi một con chó lạ đến gần hoặc đuổi theo. Bảo với trẻ không được chạy, đá hoặc làm bất cứ một điệu bộ nào có vẻ đe dọa chó. Dạy trẻ nên đứng đối mặt với con chó và quay đi một cách từ từ cho tới khi ra khỏi tầm nguy hiểm.
10. Những con thú hoang có thể mang trong mình nhiều chứng bệnh nguy hiểm và có thể truyền sang người. Bạn (và các con thú nuôi) cần tránh tiếp xúc với các loại thú gặm nhấm và các con thú hoang khác, như gấu trúc Mỹ, chồn hôi, cáo… vì chúng có thể lây truyền bệnh dịch hạch, bệnh nhiễm khuẩn toxoplasmosis, bệnh dại sang người. Đừng bắt hoặc cầm giữ các loại thú này, dạy trẻ tránh xa các loại thú lạ.
http://www.phunuonline.com.vn/suckhoe-dinhduong/2011/Pages/nhung-dieu-can-luu-y-khi-nuoi-thu.aspx