Kỹ nghệ nuôi bò lấy thịt, sữa là một trong những nguồn gây khí thải. (Ảnh: Telegraph) |
MÔI TRƯỜNG: VẤN NẠN VÀ HƯỚNG GIẢI QUYẾT
Nguồn: Giáo Dục Công Giáo www.giaoducconggiao.net
Tác giả: Thanh Nhiên
Ngày nay trên toàn thế giới đều lên tiếng về vấn đề bảo vệ môi trường. Tác giả bài Dự Báo Về Môi Trường của thế kỷ XXI viết như sau: “Ngày nay…, khi chúng ta cất cao tiếng hát chiến thắng hướng tới tương lai càng thêm tươi sáng hơn thì bỗng nhiên chúng ta phát hiện thấy ‘thanh gươm Đamôclet’ đang treo lơ lửng trên đầu chúng ta: đó là nhân khẩu tăng nhanh, tài nguyên cạn kiệt, môi trường ô nhiễm, nhiều giống loài bị hủy diệt, thiên tai ngày càng nhiều, xã hội ngày càng rối ren… con người hiện đại đang hưởng thụ một nền văn minh vật chất cao chưa từng có trong lịch sử thì đồng thời cũng đang bị giày vò bởi những nỗi thống khổ mà loài người chưa từng gặp phải”.
NHỮNG VẤN NẠN
Ngày nay, các chuyên gia về môi trường đã phân chia những thiệt hại về môi trường thành hai loại: loại thứ nhất đến từ thiên nhiên như động đất, hạn hán, đất lở, lũ lụt; loại thứ hai đến từ những sinh hoạt của con người gây ô nhiễm môi trường và hủy hoại sinh thái, chủ yếu là khí thải, chất phế thải và nước thải từ công nghiệp.
1. Ô Nhiễm Môi Trường Khí Quyển
Những nhà khoa học cho rằng những cơn dông tố, những cơn lốc, lũ lụt, hạn hán… xảy ra trong những năm gần đây trên thế giới phần lớn là do bầu không khí đang bị phá hủy bởi các chất thải. Theo thống kê năm 1990, con người đã thải vào bầu khí quyển khoảng 99 triệu tấn khí độc lưu huỳnh, 68 triệu tấn khí Azôr, 117 triệu tấn khí CO2, 57 triệu tấn các chất bụi bặm khác… Đó là nguyên nhân làm cho trái đất bị nóng do thủng tầng Ozon. Theo nhận định của G.H. Brontơron, chủ tịch ủy ban môi trường và phát triển Thế Giới, ngoài chiến tranh hạt nhân ra, mối đe dọa lớn nhất của loài người là sự biến đổi của khí hậu: nó không những đe dọa sự tồn vong của con người mà còn uy hiếp cả tương lai của trái đất.
2. Nạn Phá Rừng
Con người và thiên nhiên luôn gắn bó chặt chẽ và hài hòa với nhau. Sự hài hòa này tạo nên thế quân bình môi trường sống của con người. Thế nhưng con người lại không ý thức về điều đó, đã tự do phá rừng khai thác tài nguyên thiên nhiên vô ý thức. Theo thống kê ước lượng mỗi năm có khoảng 11 triệu hec-ta rừng nhiệt đới trở thành sa mạc, hàng năm hơn 6 triệu mẫu đất bị sa mạc hóa. Diện tích rừng của thế giới giảm nhanh do nhu cầu phá rừng để lấy đất, lấy củi-gỗ và nhất là do mưa axit.
Vào năm 2.000 người ta ước tính có khoảng 35.000 thảo mộc và động vật biến khỏi trái đất. Sự khai thác vô trách nhiệm làm cho hệ thống tái sinh của thiên nhiên và sự luân chuyển điều hòa giữa các thành phần thiên nhiên bị đe dọa nặng nề; đồng thời khiến cho con người không còn cách đối phó hữu hiệu trước những tấn công của thời tiết rối loạn và của bệnh tật.
1. Môi Trường Sinh Thái
Cơ quan kế hoạch về môi trường Liên Hiệp Quốc dự tính đến năm 2050, mỗi ngày sẽ có khoảng 50-150 số động vật trên trái đất bị diệt chủng, lý do là vì ô nhiễm môi trường, điều này ảnh hưởng rất lớn tới đời sống tương lai của con người. Bởi vì mỗi một loại sinh vật trên trái đất đều là nguồn tài nguyên phục vụ cho đời sống của con người. Đứng trước nguy cơ vì nạn hủy diệt của sinh vật, tháng 6 năm 1992, hơn 100 nhà lãnh đạo các nước đã thông qua văn kiện “nghị trình của thế kỷ 21, tuyên ngôn Rio de Janeiro về môi trường và phát triển” và đã ký vào công ước bảo vệ tính đa năng sinh học gồm ba nội dung chính: Một là thành lập một số khu bảo tồn thiên nhiên; hai là xây dựng các công viên thiên nhiên; ba là thành lập khu giống và gen trên quy mô toàn cầu.
2. Rác Thải
Trong thế giới hiện đại, trên khắp các lục địa, các đại dương và bầu trời rác rưởi lan tràn. Theo thống kê, rác rưởi hàng năm của các thành phố Mỹ lên tới 160-200 triệu tấn, ở Nhật 70 triệu tấn, ở cộng đồng Châu Âu 2 tỷ tấn.
Rác công nghiệp: rác thải công nghiệp là các chất rắn từ quá trình sản xuất của xí nghiệp công xưởng, hầm mỏ. Hiện nay trên thế giới mỗi năm có khoảng 2 tỷ tấn rác thải công nghiệp: 628 triệu tấn của Mỹ, Trung Quốc 620 triệu tấn, Nhật 312 triệu tấn, Liên Xô 306 triệu tấn, Ba Lan 275 triệu tấn. Rác gây nguy hại cho đời sống con người, gây nguy hại cho các sinh vật.
Rác vũ trụ: con người ngày nay càng tiến theo đà công cuộc chinh phục không gian, rác vũ trụ tích tụ ngày càng nhiều. Do các tên lửa đã được phóng lên không gian, người ta ước tính mảnh vụn của các tên lửa có khoảng 20.000 tấn. Ngoài ra còn có nguy cơ rác thải của những vệ tinh hạt nhân, những lò phản ứng hạt nhân, như vụ nổ vệ tinh trinh sát của Liên Xô mang tên “Vũ Trụ 954”.
Rác thải trong sinh hoạt thường ngày của con người: thực tế ở Việt Nam, các sông rạch tại TPHCM đang là một vấn đề cấp bách về rác thải. Người ta ước tính mỗi ngày có khoảng 450 tấn rác thải xuống các dòng sông, kênh rạch bị ô nhiễm, gây dơ bẩn hôi hám và dẫn tới dịch bệnh nguy hiểm.
Tóm lại: những vấn đề vừa nêu trên giúp chúng ta hiểu rõ về môi sinh, môi trường hiện nay trên thế giới cũng như tại Việt Nam đang là một vấn đề cấp bách đối với trách nhiệm của tất cả mọi người nói chung và của từng người nói riêng đang sống trong thế kỷ XXI này.
MỘT VÀI HƯỚNG GIẢI QUYẾT
Vấn đề môi trường là vấn đề liên quan thiết thân của con người trong mọi thời đại. Chính vì thế, để bảo vệ môi trường thì bất cứ ai cũng phải có trách nhiệm bảo vệ và gìn giữ những tài nguyên quý giá đã được thiên nhiên ban tặng. Liên quan đến vấn đề này, nhiều hội nghị quốc tế đã được tổ chức nhằm đưa ra những biện pháp giúp giải quyết tình trạng môi trường sinh thái đang bị đe dọa, trong đó có hội nghị Rio. Hội nghị này đã có những công ước mang tính trách nhiệm chung về tính đa dạng sinh học dựa trên những nguyên tắc bình đẳng về xã hội. Sau đây là một số các bổn phận các quốc gia trên thế giới phải thực hiện mà công ước đưa ra để nhằm cứu vãn môi trường sinh thái cho con người và sinh vật.
1. Trợ Giúp Các Nước Nghèo
Các nước nghèo, người dân vì mưu sinh nên đã khai thác tài nguyên thiên nhiên bừa bãi, và một khi khai thác bừa bãi quá mức thì sự sống của nhân loại sẽ bị đe dọa. Chính vì thế, nội dung điều 5 của công ước Rio nói: Mọi quốc gia và mọi dân tộc phải cộng tác vào công việc cốt yếu là loại trừ sự nghèo túng. Đây là việc làm cần thiết để có thể giảm thiểu được những khác biệt về bình diện đời sống và đáp ứng tốt đẹp hơn các nhu cầu của những dân tộc nghèo trên thế giới.
Điều 9 của công ước lại nói về vấn đề kỹ thuật: Các cuộc gia cần trao đổi và cải thiện về vấn đề khoa học kỹ thuật phát huy nền công nghiệp kỹ thuật mới mẻ, nhằm cải thiện đời sống con người và bảo vệ môi trường sinh thái.
2. Bảo Vệ Chủng Loại Và Môi Trường Sống Của Chúng
Trên thế giới hiện nay một số chủng loại đang ở trong tình trạng bị tiệt chủng. Chính vì thế các quốc gia cần phải hợp tác với nhau để bảo đảm sự sống và môi trường sống của các sinh vật. Điều quan trọng là phải bảo vệ chủng loại tại nơi sinh sống tự nhiên, cũng như bảo vệ chủng loại tại các khu nuôi vườn động-thực vật, rất cần thiết cho các quốc gia cần phải bảo vệ và duy trì các hệ sinh thái tự nhiên. Có như thế mới đảm bảo cho đời sống con người trong hiện tại và tương lai phát triển tốt đẹp hài hòa.
3. Các Cố Gắng Về Mặt Chính Trị
Cơ quan chính phủ và các nhà lập pháp cần phải đề ra chính sách bảo vệ môi trường với mục đích duy trì tính vững bền. Đảm bảo các chính sách, các kế hoạch phát triển, ngân sách và quyết định đầu tư của quốc gia phải đảm bảo đối với môi trường. Đối với các môi trường và tài nguyên thiên nhiên của các dân tộc bị đàn áp, bị thống trị, đều phải được bảo vệ.
Tóm lại: Bảo vệ môi trường là bổn phận, trách nhiệm và ý thức của từng người, của mỗi quốc gia và của toàn thế giới. Để bào đảm được môi trường sống an toàn sạch đẹp, chúng ta cần phải kiểm soát khí thải vì nó sẽ phá hủy tầng Ozon; không thải các nước hóa chất bừa bãi vì sẽ làm băng hoại môi trường sinh thực vật. Không nên phá rừng vì sẽ là nguyên nhân gây lụt lội, không vất rác bừa bãi vì sẽ là nguyên nhân ô nhiễm môi trường.
QUAN ĐIỂM CỦA GIÁO HỘI VỀ MÔI TRƯỜNG
Đối với Giáo Hội, vấn đề môi sinh được công đồng Vaticanô II quan tâm tới rất nhiều. Công đồng luôn ý thức về nhiệm vụ Thiên Chúa trao cho con người: “Canh tác trái đất với hai bàn tay hoặc với phương tiện kỹ thuật, để trái đất nảy sinh hoa quả và trở thành nơi cư ngụ xứng đáng cho toàn thể gia đình nhân loại…” . Trong tông thư “bát thập niên”, Đức Phao-lô VI quan tâm đến vấn đề môi sinh với lời ngắn gọn: “Loài người hãy coi chừng! Cứ bóc lột thiên nhiên vô tội vạ, thì có ngày sẽ phá hủy nó mất thôi, và rồi con người sẽ trở thành nạn nhân của chính hành động phá hoại ấy…”. Đến thời Đức Gio-an Phao-lô II chọn quan điểm luân lý và tôn giáo để nhìn vấn đề môi sinh. Những vấn đề chính yếu về vấn đề môi sinh của ngài được tóm lại như sau:
Ngày 02/06/1980, Ngài tuyên bố tại đại hội tổ chức UNESCO: “Chúng ta phải xác tín về vị trí ưu việt của luân lý trên kinh tế, của nhân sự trên sự vật, của tinh thần trên vật chất”.
Năm 1981 ngài viết trong thông điệp “lao động con người”: “Thế giới hữu hình với những kho tàng tài nguyên của nó đã có sẵn đó. Con người tìm thấy nó chứ không làm ra nó…, con người bắt gặp món quà ấy do thiên nhiên trực tiếp trao tặng và cuối cùng là do Đấng tạo hóa thi ân”.
Năm 1987, trong thông điệp “mối bận tâm về vấn đề xã hội”, Ngài triển khai về vấn đề môi sinh theo ba thái độ nhận thức cụ thể:
Con người không được tùy tiện sử dụng các thụ tạo trong thế giới khoáng sản, thực vật và động vật theo như nhu cầu kinh tế của riêng mình, nhưng phải quan tâm đến bản tính tự nhiên của mỗi vật thể và tới các mối quan hệ hỗ tương giữa các vật thể trong hệ thống tổng thể của vũ trụ.
Con người phải khẩn trương nhận thức rằng: các nguồn tài nguyên thiên nhiên thì có hạn, trong số đó có những nguồn tài nguyên không thể tái tạo, nếu cạn kiệt. Vậy phải bảo vệ chúng cho thế hệ hiện tại và nhất là cho thế hệ tương lai.
Sự phát triển bằng con đường công nghiệp hóa thường gây ô nhiễm trầm trọng cho môi trường và phương hại tới “chất lượng cuộc sống” và sức khỏe của dân chúng. Do đó, bảo vệ môi trường là bảo vệ chính mình và bảo vệ anh chị em đồng loại trong tâm tình liên đới. Nói cách khác, để thi hành quyền “làm chủ trái đất” do Đấng tạo hóa trao phó, con người đừng nghĩ rằng mình có quyền tuyệt đối, nhưng phải chấp nhận tuân theo những nguyên tắc luân lý, trong khi vận dụng những quy luật vật lý và sinh học.
Đức Gio-an Phao-lô II không những quan tâm đến “môi sinh thiên nhiên” mà ngài còn quan tâm tới “môi sinh nhân bản”. Trong thông điệp “bách chu niên” quan điểm của ngài như sau:
Con người là một ân huệ Thiên Chúa ban cho chính con người. Do đó, mỗi người phải biết tự đón nhận mình và đón nhận tha nhân như quà tặng Thiên Chúa ban cho: quà tặng ấy mang trong mình những định hướng, những cơ cấu tự nhiên mà con người phải tôn trọng. Nếu thân xác con người cần một môi trường vật lý trong sạch để có thể tồn tại và tăng trưởng, thì tinh thần con người cũng cần một môi trường luân lý lành mạnh để phát triển nhân cách và thành người theo mô hình Thiên Chúa phác họa trong chương trình tạo dựng.
Thật vậy, vấn đề môi sinh mà Giáo Hội quan tâm nhất là dưới triều đại Đức Gio-an Phao-lô II, đó là trách nhiệm của Giáo Hội nói chung và của riêng mỗi con người. Giáo Hội luôn xác tín rằng: Thiên Chúa đã tạo dựng nên vũ trụ và ban tặng vũ trụ cho con người quản lý, nghĩa là làm chủ bằng việc “canh tác và bảo vệ” vũ trụ này mỗi ngày một phát triển tốt đẹp hơn. Chính vì thế con người không được phép tự do hủy hoại vũ trụ trong sự ích kỷ và vụ lợi riêng tư, nhưng còn phải bảo vệ và làm phát triển chúng cho toàn thể nhân loại.
http://www.giaoducconggiao.net/index.php?m=module2&v=detailarticle&id=30&ia=145