Monday, November 29, 2010

Thuần Thực Vật: Họ nhà cải làm thuốc (Cải xoong, Cải thìa, Cải xanh, Cải cúc)

Trích đoạn bài do Song Linh tổng hợp, nguồn: Học viện Y dược học Cổ truyền Việt Nam, đăng trên Phụ Nữ Online

Họ nhà cải làm thuốc

Họ nhà cải không chỉ cho nhiều loại rau ngon, bổ, giúp giải nhiệt mùa nóng mà đằng sau loại rau hết sức quen thuộc, bình thường này, còn mang lại những bài thuốc hay chữa bệnh.

Cải xoong

Tính vị: Cải xoong hay còn gọi xà-lách xoong, là một loại rau tốt cho cơ thể. Cải xoong có vị đắng, mùi thơm, tính mát, tác dụng thanh huyết, giải nhiệt, giảm đau, thanh phế tư dưỡng. Từ thời Trung cổ, người ta đã dùng làm thuốc lọc máu và trị bệnh đường hô hấp. Ngoài ra, cải xoong còn có tác dụng kích thích tiêu hóa, cung cấp chất khoáng cho cơ thể, lợi tiểu, giảm đường huyết, trị giun và giải độc nicotin.

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Cải xoong được dùng làm thuốc uống trong trị chứng ăn mất ngon, cơ thể suy nhược, tạng bạch huyết, bệnh scorbut  [scurvy], chứng thiếu máu, bệnh lao, ho và các bệnh đường hô hấp, cảm cúm, sỏi mật, các bệnh về gan mật, sỏi thận và các bệnh đường tiết niệu; ký sinh trùng đường ruột; thấp khớp.

Dùng ngoài chữa bệnh ngoài da eczema, ghẻ, hắc lào, rụng tóc, bệnh về da đầu, vết thương, ung nhọt, mụn tràng nhạc, lở loét, đau răng, viêm lợi răng.

Có thể dùng tươi ăn sống như xà-lách, hoặc giã ra lấy nước cốt uống, lấy dịch xoa, làm thuốc xức. Cũng có thể hãm uống. Liều dùng 50-100g.

Đơn thuốc:

1. Nóng bức mùa hè, người mệt, hắt hơi: dùng cải xoong một nắm (60g), rửa sạch, vò hay giã nát, thêm nước, lọc và pha đường uống.

2. Trị giun, giải độc, lợi tiểu: dùng cải xoong tươi giã nát lấy nước cốt uống, hoặc dùng một nắm cải xoong, 3 củ hành tây, 2 củ cải cho vào 1 lít nước, sắc lấy nước, uống ngày 2 ly giữa các bữa ăn.  

Cải thìa

Cải thìa có nhiều vitamin A, B, C. Đặc biệt, lượng vitamin C dồi dào, đứng vào bậc nhất trong các loại rau. Sau khi phơi khô, hàm lượng vitamin C vẫn còn cao.

Tính vị, tác dụng: Cải thìa là thực phẩm dưỡng sinh, ăn vào có thể lợi trường vị, thanh nhiệt, lợi tiểu tiện và ngừa bệnh ngoài da. Cải thìa có tác dụng chống scorbut [scurvy], tạng khớp và làm tan sưng.

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Cây trồng để lấy lá làm rau xanh. Phần bắp phình lên màu trắng, mềm, có thể dùng ăn sống như xà-lách hay xào, nấu, hoặc để muối dưa.

Ngoài ra, cải thìa còn được sử dụng:

1. Làm thuốc thanh nhiệt: Người bị bệnh nội nhiệt nặng, môi khô hay lưỡi sinh cam, chân răng sưng thũng, kẽ răng chảy máu, họng khô cứng; thường gọi là bệnh tân dịch không đủ, nội hỏa bốc lên, mà nguyên nhân là do thiếu vitamin C, có thể dùng cải thìa làm nguồn cung cấp vitamin C sẽ giúp điều trị bệnh này. Nấu canh rau cải thìa ăn còn cho tác dụng thanh hỏa rất tốt.

2. Nước ép cải thìa có lợi cho trẻ em, trị nội nhiệt: Trẻ em bú sữa bò thường có bệnh nội nhiệt, cũng là thiếu vitamin C. Hoặc như khóe mắt có nhử dính, ghèn mắt dính chặt, mi mắt hoặc môi khô, ngủ không được, hay khóc đêm, chỉ cần lấy cải thìa dầm nát, cho nước sôi để nguội vào, lọc lấy nước, sau nấu sôi lên đợi âm ấm, đút cho trẻ uống hoặc đổ vào bình sữa cho trẻ mút. Sau 1 tuần, hiện tượng nội nhiệt mất dần.

3. Trị bệnh hoại huyết: Dùng cải thìa tươi hoặc khô nấu ăn như rau tươi để đảm bảo dinh dưỡng bình thường và phòng chống bệnh hoại huyết, nhất là đối với người đi tàu viễn dương xa đất liền nhiều ngày. Người ta biết được điều này cách đây 700 năm.  

Cải xanh

Còn gọi là cải bẹ xanh, hay cải cay. Ở nước ta, cải xanh được trồng rất phổ biến khắp cả nước làm rau ăn, có thể trồng quanh năm, trừ những tháng nóng và mưa nhiều.

Dưa cải là món ăn thông thường. Có thể dùng ăn sống, nấu canh, xắt nhuyễn chưng, hay kho. Dưa cải có thể muối ăn liền (muối xổi), chọn cây có ngồng, cắt khúc, phơi héo rồi muối trong 1-2 ngày để ăn; hoặc muối dưa để lâu (nguyên cây phơi héo, muối trong hũ để ăn trong 2-3 tháng).

Tính vị, tác dụng: Cải xanh là loại rau lợi tiểu. Hạt cải có hình dạng, tính chất và công dụng như hạt mù-tạc đen của châu Âu. Người ta cũng ép hạt lấy dầu (tỷ lệ 20%) chế mù-tạc làm gia vị và dùng trong công nghiệp. Trong y học Đông Phương, hạt cải xanh có vị cay đắng, tính ấm, có tác dụng an thần, tiêu hóa đờm thấp, tiêu thũng, giảm đau.

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Dùng chữa ho hen, làm tan khí trệ, chữa kết hạch, đơn độc sưng tấy. Ở Trung Quốc, hạt và cả cây cũng dùng làm thuốc chữa ho, long đờm, tiêu thũng, giảm đau.

Đơn thuốc:

1. Chữa ho hen, đờm suyễn ở người già: hạt cải xanh, hạt củ cải, hạt tía tô, mỗi vị 8-12g, sắc uống, ngày uống 2-3 lần.

2. Viêm khí quản: Hạt cải xanh (sao) 6g, hạt cải củ (sao) 10g, hạt cải bẹ (sao) 10g, nước 600ml, sắc còn 300ml, chia 3 lần uống trong ngày.

3. Đơn độc sưng tấy: Hạt cải xanh tán nhỏ, trộn giấm, làm cao dán, đắp ngoài. 

Cải cúc

Còn gọi là rau tần ô. Về thành phần hóa học: cải cúc chứa nhiều vitamin B, C và một số vitamin A. Ngoài ra còn các chất khác như adenin, chlonin, lipid, glucid, protid.

Tính vị, tác dụng: Cải cúc có vị ngọt nhạt, hơi đắng, the, mùi thơm, tính mát, được xem như một loại rau giúp khai vị làm ăn ngon, giúp tiêu hóa, trừ đờm, tán phong nhiệt.

Công dụng, chỉ định và phối hợp
: Cải cúc có thể dùng ăn sống như xà-lách, chế dầu giấm, ăn với lẩu, nấu canh. Còn dùng làm thuốc chữa ho lâu ngày và chữa đau mắt. Ở Ấn Độ, người ta dùng cây phối hợp với hồ tiêu để trị bệnh lậu; hoa được dùng thay thế dương cam cúc như là một chất thơm đắng và lợi tiêu hóa.

Đơn thuốc: Những người ăn uống kém tiêu, viêm lỵ, hay đau mắt: Dùng cải cúc ăn sống hoặc nấu canh ăn, đều có tác dụng trị bệnh tốt.

http://www.phunuonline.com.vn/suckhoe-dinhduong/2010/Pages/ho-nha-cai-lam-thuoc.aspx