Điểm phim tài liệu “May I Be Frank” (Xin Được Là Frank)
Tác giả: Robin Collins (nguyên văn tiếng Anh)
Chuyển ngữ: Việt Nam Ăn Chay
[Chú thích: Frank là tên của phái nam, cũng có nghĩa là Thành Thật. Nhân vật chính trong phim tên là Frank, nên tựa đề có hai nghĩa: “Xin Được Là Frank” và “Xin Được Thành Thật”]
Một ngày, cách đây 3 năm rưỡi, anh Frank Ferrante lang thang vào tiệm Café Gratitude trên đường số 9 và Irving ở thành phố San Francisco. Lúc đó anh 54 tuổi và nặng 287 cân Anh [khoảng 130 kg].
Trầm cảm và cô đơn, Frank là người đang phục hồi từ bệnh nghiện ma túy và nghiện rượu. Quan hệ của anh đối với người vợ cũ rất tệ, còn với con gái lại càng không có chút liên hệ nào. Anh nhuốm bệnh tiểu đường, từng bị viêm gan C, mỗi ngày phải uống 10 tách cà-phê expresso đen đặc mới thức nổi. Anh uống thuốc trầm cảm đã 10 năm rồi.
Trong trường hợp bạn không biết thông lệ ở Café Gratitude, một nhà hàng thuần chay tươi (vegan raw), mỗi ngày họ đều có một câu hỏi. Ngày đó, câu hỏi là: “Bạn muốn làm gì trước khi chết?” Ryland Engelhart, con trai chủ nhà hàng, đã hỏi khách hàng Frank câu đó.
Anh Frank trả lời: “Tôi muốn yêu một lần nữa trước khi chết, nhưng tôi e rằng trông tôi như vầy, sẽ không ai yêu tôi.”
Xúc động trước câu trả lời thành thật, Ryland mơ hồ cảm thấy đây có thể là một dự án. Cùng với người em trai Cary và bạn thân từ thuở bé tên Conor, Ryland bắt đầu sứ mệnh và biết mình đang có một câu chuyện hay. Điều đó đưa đến việc thu hình, rồi cuối cùng thành bộ phim “May I Be Frank.”
Ryland nghĩ chắc sẽ buồn cười biết bao khi có một anh chàng gốc Ý từ Brooklyn [Nữu Ước], trực tánh, trong đầu có gì nói nấy bằng những câu ngắn gọn rất tếu lâm, bây giờ lại ăn thuần chay tươi, giảm cân, rồi họ thu hình phản ứng của anh ấy. Nhưng Ryland không biết mình đang có gì trong tay. Với những người khác, có thể cũng không có gì đáng nói. Nhưng vì Frank là nhân vật chính, nên phim này lại trở thành một viên ngọc quý.
Phim tài liệu ghi lại những gì xảy ra khi chúng ta đặt một mục tiêu và có một hệ thống hỗ trợ bởi những người không cho phép chúng ta thất bại. Frank quả thật đã giao phó bản thân và cuộc đời mình trong tay của ba chàng trai trẻ. Họ lập thời khóa biểu, huấn luyện, và bên cạnh Frank trong suốt 42 ngày. Frank không trốn tránh được chi cả. Thật vậy, họ đã dạy cho anh nhiều điều, kể cả sức mạnh của tình thương.
Cuối cùng sản phẩm của họ là một bộ phim về sự chuyển hóa của thân, tâm, linh.
Phim này không hề mang tính chất giả dối. Thức ăn và cảm xúc đều rất... sống thực. Hành trình của cả hai bên vừa nghiêm túc vừa khôi hài, vừa căng thẳng vừa cảm động, và thay đổi mọi người, kể cả khán giả.
Một giao kèo được ký vào ngày Lễ Tình Yêu Valentine. Cuộc hành trình bắt đầu. Ba anh chàng trở thành người cổ võ tinh thần cho Frank. Mỗi sáng Frank phải uống hết một ly cối nước ép cỏ lúa mì. Thức ăn toàn là thuần chay, tươi. Hàng ngày phải nói lời tích cực với chính mình.
Thời gian “42 ngày” phát nguồn từ quyển sách và trò chơi “Dòng Sông Phì Nhiêu” do Matthew và Terces Englehart, chủ nhân quán Café Gratitude sáng tạo, phản ảnh lối tu tập của họ về “sống đời phong phú.”
Dự án đầu tiên là dọn dẹp căn bếp của Frank bằng cách bỏ hầu hết mọi thứ trong tủ và tủ lạnh. Rồi những lần rửa ruột, đi khám bác sĩ chuyên chữa trị tổng thể, vượt qua khó khăn với gia đình, và nhiều nhiều nữa. Tuần cuối cùng được quay tại kỳ thiền bế quan và yoga của gia đình Englehart ở Hạ Uy Di. Đến ngày 42, Frank xuống còn 157 cân Anh [khoảng 71 kg].
Frank nói: “Tôi không mất cân. Tôi chỉ trả những gì không thuộc về tôi.” Cuộc đời Frank vĩnh viễn thay đổi. Anh không còn uống thuốc trầm cảm nữa. Anh đang viết sách. Anh vẫn không ưa nước ép cỏ lúa mì. Anh có tìm được tình yêu không? Điều đó, quý vị và các bạn phải xem phim.
http://mayibefrankferrante.com/?page_id=3
http://www.youtube.com/watch?v=Kqt9NVyt5aA&feature=related
http://www.vegsource.com/news/2010/11/may-i-be-frank---vegan-raw-film-review.html