(Trích tác phẩm “Những hạt đậu biết nhảy” của Lâm Thanh Huyền – Đài Loan)
BA NGÀY CUỐI CÙNG
Có hai anh chàng thanh niên sống ở nhà quê cùng rủ nhau lên tỉnh thành lập nghiệp vì họ thấy rằng cuộc sống ỏ quê nhà chỉ vừa đủ ăn không dư giả. Sau thời gian dài phấn đấu hơn 30 năm ở tỉnh thành, hai người đã tạo lập được một cuộc sống sung túc về vật chất. Anh A trở thành chủ một hãng xe đò, anh B có hơn 2/3 cổ phần trong một nhà máy dệt. Vì là bạn nối khố từ nhỏ nên sau khi thành công trên đường sự nghiệp, hai người vẫn tiếp tục chơi thân với nhau. Một hôm, hai người bỗng nảy ra ý định trở về quê nhà nơi họ chôn nhau cắt rốn, trước là để thăm lại đình làng bé nhỏ trước kia, sau là để thực hiện giấc mộng hồi hương áo gấm về làng như những quan Trạng ngày xưa.
Khi xe hơi chở họ về đến đầu làng, cả hai cùng rủ nhau xuống đi bộ vừa ngắm cảnh vừa chuyện trò. Đến trước đình làng, hai người gặp một ông lão mặc áo trắng, tay cầm chiếc phèng la. Anh A cất tiếng hỏi:
- Ông lão ơi, ông đang làm gì vậy?
Ông lão điềm nhiên trả lời:
- Ta là Thành hoàng giữ phúc phần cho làng này, ngoài việc giữ yên ổn cho dân làng, ta cũng cai quản vấn đề sinh tử của mọi người nữa. Ta đến báo cho hai người biết là mạng sống của các ngươi chỉ còn ba ngày. Ba ngày sau ta sẽ đến đón hai người về cõi âm. Khi ta nổi một hồi phèng la thì hai người phải đi theo ta để về trình diện ngài Diêm Vương mà không được chậm trễ.
Nói xong, ông lão biến mất, để lại hai anh chàng đứng ngẩn người như ngây như dại. Thử tưởng tượng ngày áo gấm về làng cũng là ngày biết được cuộc đời chỉ còn ba ngày cuối cùng thì ai không đâm ra hoảng hốt.
Anh A thấy rằng cuộc đời nhạt nhẽo không còn gì gọi là thú vị, 30 năm phấn đấu để cuối cùng đổi lấy cái chết cận kề trong khoảnh khắc. Về đến nhà anh ta ăn không ngon, ngủ không yên, mà cũng chẳng lo sắp xếp được gì cả. Đến lúc bấy giờ anh mới nghiệm ra rằng dù tiền bạc có nhiều ức vạn đi nữa cũng không thể nào đánh đổi được sinh mạng đáng quý. Chưa đến ba ngày thần sắc của anh bơ phờ như một thây ma, mặt anh đầy những vết nhăn, râu ria mọc lún phún, cặp mắt thì đờ đẫn thất thần. Ngày thứ ba anh thức dậy thật sớm, lựa ra bộ đồ sang trọng đắt tiền nhất mặc vào người và đứng trước cửa đợi lão tử thần đến rước. Chiều tối hôm đó, quả thật anh thấy ông lão mặc áo trắng, tay cầm phèng la ngày hôm trước xuất hiện. Ông lão chưa kịp gióng lên hồi phèng la thì anh A đã lăn đùng ra chết. Vì quá khẩn trương nên ba ngày cuối cùng cuả anh đã mỏi mòn trong sự chờ đợi, do đó khi thấy thần chết xuất hiện là anh xuất hồn đi theo ngay lập tức.
Trở lại phần anh B, sau khi nghe vị thần chết tuyên bố bản án tử hình, anh cũng thấy mủi lòng. Thế nhưng tánh tình của anh B vốn rất an phận, anh nghĩ rằng nếu như số mạng của anh có đi đến chỗ chấm dứt thì không có cách nào thoát được. Vì nghĩ như vậy nên anh mang tất cả tiền bạc đã tạo dựng trong 30 năm ra làm của bố thí.
Trước hết anh cất một trường học ở quê nhà để giúp cho trẻ em nghèo khổ có nơi học hành. Sau đó, anh giao tiền cho quý vị hội đồng xã xây dựng một bệnh xá nhằm giúp những người dân quê không có tiền lên tỉnh thành trị bệnh. Của cải còn lại, anh mang ra phụ giúp việc xây đường, dựng cầu mang lại tiện ích cho cuộc sống của người dân thôn dã. Anh cũng trích ra một phần để giúp đỡ những gia đình đông con không đủ sống đang cần sự trợ giúp tức thời. Những công việc này đã tốn hết thời gian ba ngày của anh. Anh B không còn thì giờ để nghĩ đến cái chết sắp sửa xảy ra cho anh nữa.
Những người dân nghèo khổ trong làng đột nhiên nhận được một sự bố thí lớn lao nên họ rất lấy làm cảm kích. Những người được sự giúp đỡ đó đã tỏ lòng biết ơn của họ bằng cách tổ chức một buổi hát bội ngoài trời, trước là để tạ ơn thần, sau là để tri ân nhà mạnh thường quân tốt bụng. Đoàn múa lân của trẻ em trong làng đã đến trước nhà anh B tưng bừng múa giúp vui.
Khi mọi người đang hoan hỉ đứng xem thì ông lão tử thần xuất hiện vì đã đến giờ ông ta đến đón anh B về âm phủ. Thế nhưng không khí trước nhà anh B lúc đó quá vui nhộn cho nên mọi người, kể cả anh B, cũng không chú ý đến sự xuất hiện của nguời lạ mặt này. Thậm chí có một chàng trai trong làng thấy ông lão tay cầm phèng la đã tưỏng nhầm ông là một thành viên của đoàn múa lân nên kéo ông ta sắp vào hàng ngũ những người đánh trống thổi kèn. Ông già tử thần gióng thêm một hồi phèng la gọi hồn, thế nhưng vì không khí đang huyên náo cho nên tiếng phèng la của ông bị tiếng trống múa lân át mất. Ông già tử thần cố gắng thử thêm ba lần nữa cũng chẳng ai thèm chú ý đến. Vì đã đến giờ nên ông buộc lòng phải ra đi. Anh B suốt đêm hôm đó được dân làng đãi đằng ăn uống thật thịnh soạn. Dân chúng trong làng lâu nay mới có một dịp cùng nhau vui vẻ cho nên ai ai cũng liên hoan cho đến sáng.
Sáng ngày hôm sau anh B cứ tiếp tục thực hiện những công việc dỡ dang mà anh sắp xếp để phục vụ cho dân trong làng. Công việc bận rộn liên tục đã khiến anh quên khuấy mất cái hẹn ba ngày của ông Thành hoàng. Mãi hai ba hôm sau khi sực nhớ lại, anh lấy làm lạ tại sao đã quá kỳ hạn mà không thấy thần chết xuất hiện. Anh đâu biết rằng ông lão có đến nhưng không ai thèm nghe hồi phèng la của ông nên đã buộc lòng phải bỏ đi. Nhờ vậy mà anh B mới còn tiếp tục sống dài dài ra đó.
Đây là một câu chuyện ngụ ngôn rất có ý nghĩa, nói lên chân lý cuộc sống của con người là phải phấn đấu từng giây mãi cho đến phút cuối của cuộc đời. Xu hướng tiến lên sẽ đưa ta đi về đâu? Dĩ nhiên là ta sẽ đi đến chỗ ta hằng mong muốn. Phật giáo đồ sẽ đi đến thế giới Cực Lạc, những con chiên Thiên Chúa giáo sẽ lên Thiên Đàng.
Tôi thường đặt câu hỏi với nhiều người như thế này: “Nếu như biết rằng cuộc sống của ta chỉ còn đúng 60 giây đồng hồ thì quý vị sẽ có một sự lựa chọn gì trước khi nhắm mắt?” Phần đông những người được tôi hỏi câu này đều đâm ra lúng túng không biết phải trả lời như thế nào. Hai phần ba trong số đó cho tôi câu trả lời sẽ chẳng chọn lựa hay suy nghĩ gì cả. Lý do là quá ngắn ngủi, không đủ cho họ chuẩn bị. Nhiều người chấp nhận sự việc đếm từng giây phút đi qua mà thôi.
Riêng tôi thì có hai sự lựa chọn, một là mặt mày rầu rỉ để chờ đợi tử thần, hai là mỉm cười đón nhận phút cuối của cuộc đời. Thử nghĩ, nếu như quý vị mỉm cười, bình thản ra đi thì những người thân đưa tiễn quý vị chắc chắn sẽ nhẹ bớt phần nào nỗi đau buồn, ít ra họ cũng biết rằng quý vị đã ra đi một cách bình yên không lo sợ. Ngay ở giây phút đó biết đâu nhân sinh quan của quý vị sẽ thay đổi hẳn và sẽ cảm thấy một sự giải thoát nhẹ nhàng.
Đời nhà Đường bên Trung Hoa, có nhà sư Nguyên Hiểu đã nói rằng: “Tận dụng hết mọi nỗ lực của con người cũng không thể nào chặn đứng sự héo úa của một cành hoa, vậy thì trong khi đóa hoa đang dần dần héo úa, ta hãy ung dung ngắm nhìn và thưởng thức giây phút cuối cùng của cành hoa đó đi.”
Sự suy nghĩ và cảnh giới giác ngộ của nhà sư này quả thật đã lên đến một mức độ thượng thừa. Nếu như tận dụng hết mọi nỗ lực vẫn không thể nào chặn được sự thất tình, thì trong lúc thất tình ta hãy ung dung gặm nhấm mùi vị thất tình đó đi. Nếu như tận dụng hết mọi nỗ lực cũng vẫn không thể nào ngăn chặn cho cơ thể tránh được bệnh tật, vậy thì trong khi nằm trên giường bệnh, ta hãy bình lặng hưởng thụ giây phút êm đềm yên tịnh đó đi. Biết đâu trong thời gian yên lặng chịu đựng đó, chúng ta chẳng nghiền ngẫm ra được nhiều triết lý để gánh vác được những đau khổ của cuộc đời hay sao?