Wednesday, October 13, 2010

Biến Đổi Khí Hậu: Ngày Quốc tế Giảm Nhẹ Thiên Tai

Bạn thân mến,

13 tháng 10 là Ngày Quốc tế Giảm Nhẹ Thiên Tai (International Day for Natural Disaster Reduction) của Liên Hiệp Quốc.

Theo VOVNews:

“Theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc, tình trạng thiên tai trên thế giới đang ở mức báo động cao, trong vòng ba thập kỷ qua, do tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu, số lượng thiên tai đã tăng lên gấp ba lần. Số lượng nạn nhân do thiên tai gây ra lại tăng gấp đôi sau mỗi chu kỳ 10 năm.

Việt Nam thuộc vào nhóm các nước sẽ chịu hậu quả nặng nhất của thay đổi khí hậu. Vấn đề này không còn là của tương lai mà là thực tế đã và đang diễn ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều diễn biến thời tiết khó lường và nạn lũ lụt. Những nguy cơ gắn với thay đổi khí hậu đặt Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác trong cả nước trước những thách thức đặc biệt trong phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Văn Gia, Điều phối Chương trình Cứu trợ khẩn cấp – Liên minh cứu trợ trẻ em (Mỹ, Anh, Nhật Bản, Thuỵ Điển) thuộc Nhóm sáng kiến mạng lưới vận động chính sách về giảm nhẹ thiên tai (JANI) chia sẻ: 


Với sự kiện “Các thành phố thích ứng với thiên tai– Thành phố của tôi đã sẵn sàng” được tổ chức tại Hà Nội, JANI mong muốn cùng với Hà Nội thực hiện tốt chiến lược truyền thông nâng cao nhận thức trong toàn xã hội về nguy cơ rủi ro từ thiên tai và biến đổi khí hậu, tuyên truyền các biện pháp phòng ngừa, quản lý và giảm nhẹ rủi ro dựa vào cộng đồng, đặt cộng đồng ở vị trí trung tâm khi đưa ra quyết định và khi thực hiện các hoạt động giảm nhẹ rủi ro. Những nỗ lực từ phía chính phủ và các tổ chức quốc tế sẽ góp phần xây dựng các thế hệ công dân có kiến thức về thiên tai để chủ động phòng tránh cho bản thân, gia đình và cộng đồng, góp phần vào công cuộc phát triển bền vững của đất nước.”

Việt Nam thuộc vào nhóm các nước sẽ chịu hậu quả nặng nhất của thay đổi khí hậu
Biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai ngày càng rõ rệt. Địa Cầu cần quân bình để có một tương lai bền vững. Nhưng quá nhiều ô nhiễm, khí thải, hoang phí tài nguyên trái đất, phá rừng v.v. tất cả đều đưa đến những ảnh hưởng không hay. Chúng ta đã chuẩn bị sẵn sàng chưa cho những thiên tai có thể giáng xuống nơi mình đang ở bất cứ lúc nào? Và chuẩn bị bằng cách nào?

Về mặt vật chất, ta có thể dùng những cách bên ngoài như xây hầm tránh bão, xây nhà trên núi tránh lụt, v.v. nhưng đây chỉ là đối phó với triệu chứng chứ không đi vào gốc rễ của vấn đề.

Nếu ta tin vào một quy luật rất hợp lý của vũ trụ là “gieo gì gặt nấy” (“Thật vậy, ai gieo giống nào thì sẽ gặt giống ấy.” – Kinh Tân Ước, Thư Gửi Tín Hữu Ga-Lát, 6:7) thì những tàn phá mà chúng ta gieo cho các giống loài khác và cho nhau, sẽ có ngày tích tụ thành những quả đắng. Việc mất mát, chia ly, chết chóc là điều những người bình thường không muốn bao giờ.

Trên hành tinh, đừng giẫm lên nhau mà hãy "bước rất nhẹ như mây mềm dưới gót.” Hãy thương yêu, nhường nhịn. Hãy ngưng chém giết. Hãy ăn chay để tạo phước cho hiện kiếp và về sau. Đó là cách giảm nhẹ thiên tai và giúp Địa Cầu này thành một thiên thai.