Nam việt quất (cranberry) tươi |
Minh Khang
(Thực Phẩm & Đời Sống) - Những quả nhỏ tròn và đỏ tươi đang gây chú ý bởi ngoài vị chua, quả còn có nhiều tính năng vượt trội tốt cho sức khỏe.
Quả nam việt quất (cranberry) có tên khoa học là Vaccinium macrocarpon có thể bị lầm lẫn với bất cứ quả mọng nào. Mới nhìn thoáng qua bạn có thể thấy hơi giống quả dâu tây (strawberry), nhưng nó sần sùi hơn, màu đỏ sậm hơn, hơi ngả sang tím than, như một chùm nho nhỏ xíu vậy, dùng để nấu ăn hay làm mứt, ít ai ăn sống vì nó gần như là trái rừng, chua lắm, ăn sống không ngon.
Quả nam việt quất có đặc điểm quý báu: một vũ khí chống vi khuẩn cực mạnh. Ban đầu quả có mặt tại vùng Bắc Mỹ và được người Anglo-Saxons gọi là “cranberry”, nghĩa là “quả mọng của chim dang” vì hình dáng giống như chiếc cổ và mỏ của loại chim này. Nhưng nó còn có tên khác trong ngôn ngữ Iran: atoca hay ataca.
Nam việt quất khô |
Những người da đỏ Mỹ dùng nó trong thực phẩm và chế biến thành cao dán cho vết thương. Nó chống khuẩn rất tốt. Cây sống ở những vùng khô cằn, nhiều acid và chịu được giá rét đến -25 o C (không thể trồng ở các vùng ôn hòa, màu mỡ) nhưng có hàm lượng vitamin dồi dào.
Cây chổi quét vi khuẩn
Nếu như nam việt quất được người ta chú ý là bởi vì tính năng chống dính của nó là bởi vì nó chứa thành phần polyphenol khác biệt gọi là proanthocyanidin (PAC’s), có tác dụng ngăn cản các vi khuẩn bám vào thành niêm mạc (chúng ức chế sản xuất chất kết dính).
Từ năm 2004 Afssa đã công nhận quả nam việt quất có lợi thật sự cho sức khỏe. Nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Đại học Y Cao Hùng (Đài Loan) năm 2004 cho thấy, quả nam việt quất có thể giúp trị bệnh ecpet (mụn giộp) mà không để lại các phản ứng phụ nào. Trong nghiên cứu năm 2005 của tiến sĩ Kris Kruse-Elliott, Đại học Wisconsin-Madison (Mỹ), quả nam việt quất còn có tác dụng đối với cả chứng bệnh xơ vữa động mạch (hiện tượng động mạch dày lên và xơ cứng), cụ thể là ngăn ngừa nguy cơ bị đột quỵ và đau tim ở người bệnh.
Nếu như các khuẩn que, thủ phạm gây ra viêm nhiễm đường tiết niệu cố bám vào thì quả nam việt quất lại tích cự quét chúng đi. Nó cũng acid hóa nước tiểu và gây rối loạn đối với sự tăng sinh của vi khuẩn. Ngoài ra, với những bệnh nhân nam bị ung thư tiền liệt tuyến, bệnh sẽ giảm 50% nếu thường xuyên uống nước nam việt quất (khuyến cáo nên dùng là 2 cốc/ngày). Tác động này đã được chứng minh một cách khoa học.
Còn nhiều những tính năng khác được ghi nhận nhưng chưa được khảo sát sâu rộng và cần có thêm những nghiên cứu khác nữa. Ngoài ra, quả nam việt quất còn có công dụng trị bệnh thận. Loại hoa khô của cây nam việt quất cũng rất hữu hiệu cho những ai bị bệnh phổi.
Quả nam việt quất còn có tác dụng đối với vi khuẩn helicobacter pylori, thủ phạm gây viêm loét, khiến cho chúng không thể bám vào dạ dày. Nó cũng sát khuẩn làm tróc mảng bám răng cũng như giúp ngăn ngừa hư và sâu răng và kích hoạt HDL (cholesterol tốt). Để tận hưởng các tính năng này, các nghiên cứu cho thấy nên hấp thụ 36 mg PAC’s mỗi ngày. Thành phần này rất khỏe và không bị thoái hóa bởi quá trình thay đổi của quả, người ta có thể sử dụng dưới dạng bột, nước ép, hay viên...
Thực phẩm, viên uống, mỹ phẩm...
Quả nam việt quất phải mất thời gian mới chu du khắp các quốc gia. Các sản phẩm như nước ép, viên uống, bột và cả ngành mỹ phẩm đang để ý vì tính năng chống oxy hóa cao, tuy chưa có kết quả đáng khích lệ. Sau cùng là vào đến nhà bếp: sốt, mứt, sirô, quả nam việt quất ngâm chua, các loại bánh quy chocolate và cranberry hay tarte cranberry và nhiều nữa đang kích thích vị giác chúng ta cũng như hỗ trợ cho sức khỏe.
Lưu ý: Trong trường hợp sử dụng viên uống thì liều tốt nhất là uống hai viên 36 mg vào buổi sáng để chống đỡ các chứng viêm nhiễm tiết niệu, trong vòng 30 ngày (hoặc 3 tháng trong trường hợp tái nhiễm).
Tuy nhiên, Hyun Koo, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Y khoa Đại học Rochester, Mỹ, cảnh giác chúng ta không nên uống hoặc ăn quá nhiều sản phẩm chứa nam việt quất, bởi vì theo ông thì : “Vấn đề lớn nhất với sản phẩm nam việt quất là công nghiệp (thực phẩm) - họ thêm đường vào!”
Minh Khang (theo iSant)