Thursday, August 05, 2010

Tiết Kiệm Là Vàng: 2% năng lực ở Hoa Kỳ bị mất do phung phí thực phẩm



2% năng lực ở Hoa Kỳ bị mất do phung phí thực phẩm
Người viết: Jaymi Heimbuch, San Francisco, California, Hoa Kỳ (nguyên văn tiếng Anh)
Lược dịch: Hồng Hương / Việt Nam Ăn Chay

Chúng ta biết người Mỹ hàng năm phung phí rất nhiều thực phẩm không thể nào tha thứ được. Thật vậy, ước đoán cho thấy người Mỹ phí đến 40% nguồn thực phẩm; riêng cư dân thành phố New York phung phí 270.000 cân Anh (122.472 kí-lô gram) thực phẩm mỗi ngày! Nhưng có bao nhiêu năng lực trong số lượng thực phẩm bị phung phí đó? Theo một nghiên cứu mới, các khoa học gia quan sát tường tận hơn và phỏng đoán rằng đi đôi với việc sản xuất các sản phẩm nông nghiệp, vận chuyển, chế biến, buôn bán, tồn trữ và chuẩn bị cho thức ăn bị phí phạm đó, chúng ta mất khoảng 2% năng lực tiêu thụ hàng năm tại Hoa Kỳ.

2% nghe có vẻ không nhiều, nhưng thật ra đáng kể nếu chúng ta so sánh với những cải thiện nho nhỏ của các giải pháp nhằm gia tăng hữu hiệu năng lực và tiết kiệm tài nguyên (chẳng hạn như thỉnh thoảng tắt đèn v.v.) Trong khi giá lương thực chủ yếu sẽ tăng trên 45% trong vòng thập niên tới và các tai nạn dầu hỏa khiến toàn quốc phải quan tâm đến việc tùy thuộc quá đà vào nhiên liệu hóa thạch, 2% chẳng phải là điều lẻ tẻ.

Tường trình nghiên cứu với tựa “Phí thức ăn, Phí năng lực: Năng lực ẩn trong việc phung phí thực phẩm ở Hoa Kỳ” hy vọng sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về mối liên hệ giữa thực phẩm và năng lực, và việc phung phí thức ăn cũng có nghĩa là phung phí nhiên liệu. Nghiên cứu này cố gắng xác định số lượng năng lực cần thiết để sản xuất thực phẩm tại Hoa Kỳ năm 2007, cũng như số lượng năng lực ẩn trong những thức ăn bị phung phí.

Các nghiên cứu gia kết luận: "Năng lực bị mất trong những thức ăn bị phí phạm còn nhiều hơn là năng lực mà chúng ta tiết kiệm qua những phương cách thường thấy như sản xuất nhiên liệu ethanol từ ngũ cốc và số lượng dầu hỏa có được từ việc khoan dầu ngoài vỏ Địa cầu.” Cho nên, giảm thiểu việc phung phí thức ăn nói chung có nghĩa là giảm thiểu tiêu dùng năng lực. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng lưu ý rằng thử thách chính để giảm phung phí thực phẩm là việc cải thiện dây chuyền nguồn thực phẩm.

Một số phương pháp đang được dần dần ứng dụng, góp một phần lớn trong việc giảm phung phí thức ăn và năng lực. Những cách này bao gồm:

•    Dùng thức ăn sản xuất tại địa phương (để giảm năng lực dùng trong việc vận chuyển);

•    Ăn chay (nhờ đó giảm dấu ấn tiêu dùng nước và năng lực qua thức ăn hàng ngày);

•    Ăn thực phẩm hữu cơ (giảm số lượng nhiên liệu hóa thạch dùng trong phân bón thú vật và kỹ nghệ nông nghiệp);

•    Bớt dùng thức ăn nhanh và thực phẩm chế biến (nhờ đó giảm năng lực phải dùng trong việc sản xuất và đóng gói hàng).

Riêng những thức ăn không sao để dành được, cũng có những cách để giải quyết, như dùng làm phân trộn (compost) hoặc năng lực khí đốt sinh học.

Xin nhắc lại, dù 2% tổng số năng lực tiêu thụ nghe không đáng chi, nhưng hãy nghĩ đến điều này: số lượng dầu lan chảy ở tai nạn vùng Vịnh Mễ Tây Cơ chỉ bằng số lượng dầu chúng ta dùng trong 6 tiếng đồng hồ mà thôi. Chỉ có 6 giờ, mà hệ thống sinh thái bị tàn phá cho hàng bao thế hệ và khiến những loài đang bị nguy hiểm như rùa biển có thể sẽ tuyệt chủng hoàn toàn.

Theo thống kê của Cơ quan Năng lực Quốc tế (International Energy Agency, IEA) về mức tiêu thụ năng lực ở Hoa Kỳ năm 2009, 2% năng lực bị phung phí trong thức ăn tương đương với 2 nhà máy than hoặc lò hạt nhân cỡ lớn. Cho nên, giảm phung phí thực phẩm tương đương với việc giảm nhu cầu cần dùng hai nhà máy năng lực. Những con số nhỏ có những ảnh hưởng lớn khi chúng ta nói về một quốc gia có tầm cỡ như Hoa Kỳ.

http://www.vietnamanchay.com/2010/08/vi-sao-chay-tiet-kiem-thuc-pham.html