Ramadan Đề Cao Lòng Nhân Ái
Abdul Alim biên soạn
Với đặc điểm riêng và vượt trội hơn những tháng khác, Ramadan là khoảng thời gian rõ nét nhất của lòng nhân ái, bao dung và rộng lượng, là thời điểm đặc biệt mà qua đó người Muslim quan tâm hơn bao giờ đến sự cho đi, chia sẻ và nhường nhịn. Để chuẩn bị bước vào tháng này, hầu như không một tín đồ ngoan đạo nào lại có thể quay lưng cúi mặt hay ơ thờ trước bao nỗi khốn khổ mà những người trong cũng như ngoài cộng đồng đang phải gánh chịu.
Ramadan là dịp nhắc nhở chúng ta nghĩ đến người khác hơn là chính mình, người khác ở đây có thể là người do ta chọn, hay nói đúng hơn là do Allah chọn cho ta. Họ là những người đang sống trong cảnh đơn hàn, nghèo khó, những người nghèo từ tinh thần đến vật chất, nghèo người thân, nghèo cả bạn bè và thậm chí nghèo luôn sức khỏe, tất cả họ đều là những người anh chị em của chúng ta. Quan tâm đến họ một cách đặc biệt trong mùa chay tịnh là nghĩ đến cách mang lại phần nào cho họ hạnh phúc.
Cái nghèo quả là gây rất nhiều mất mát, mất sự kính nể, có khi mất cả nhân phẩm, mất niềm tin và mất luôn hy vọng. Có thể nói tháng Ramadan là sợi dây bao dung, rộng lượng, kết nối thành một nhịp cầu dẫn mọi người đến với nhau trong tình nhân ái, ngõ hầu bù đắp được ít nhiều mất mát. Hẳn chúng ta đều cảm nhận rằng những gì mình cho đi đều mang đến sự thăng tiến, là chiều hướng đi lên của cuộc đời và chắc chắn Thượng Đế đón những tấm lòng bao la như thế ở cuối con đường phục vụ tha nhân.
Việc nhịn chay trong tháng Ramadan của người Muslim là một định chế tuyệt đối, mãnh liệt và kiên quyết, nó không đơn thuần chỉ là kiêng nhịn trong vấn đề ăn uống mà nó còn đòi hỏi ở người tín đồ một lòng từ thiện to lớn, thương người như thể thương thân. Nó đòi hỏi cái thiện tâm trong sáng để không chấp nhận cái ác tâm bất luận dưới hình thức nào, bất luận nhân danh cái gì. Chỉ những tâm hồn quảng đại và cao thượng như thế mới đến được với Allah, cuộc sống trần gian này muốn có ý nghĩa thì phải theo chiều hướng vị tha đó.
Allah phán: Và hình ảnh của những ai chi dùng của cải của họ nhằm làm hài lòng Allah và để củng cố tâm hồn của họ thêm vững chắc giống như một ngôi vườn được tọa lạc trên một gò đất cao và phì nhiêu; khi mưa rào tuôn lên nó, nước mưa làm tăng vụ mùa lên gấp đôi; nhưng nếu không có mưa rào thì mưa rưới cũng đủ làm cho nó tăng trưởng. Và Allah thấy rõ điều các ngươi làm. (Qu’ran: 02/265)
Khi tháng Sha’ban sắp hết, Thiên Sứ Muhammad (saw) nhắc nhở tín đồ rằng: Hỡi người Muslim, một tháng cao quý rực rỡ với sự khoan hồng rộng lượng đến với các người, tháng mà mỗi đêm trong đó tốt hơn hàng vạn tháng, đây là tháng của nhân từ độ lượng, của sự nhẫn nhịn và của ân huệ. Tháng này các cửa Thiên Đàng rộng mở, các cửa hỏa ngục khép kín và ma quỷ, hiện thân của gian ác bị xiềng xích. (Reported by An-Nasa'i)
Nghiệm lại lời của Thiên Sứ Muhammad (saw) khi Người dạy: Thế hệ lỗi lạc nhất là thế hệ của Ta, rồi đến những người tiếp nối , và những người tiếp nối theo sau. (Muslim)
Lời nói trên của Thiên Sứ mang đặc điểm cơ bản xác định giá trị quan niệm truyền thống nhân ái và lòng bao dung của những người Muslim thuộc thế hệ đầu tiên, đích thực đó là những tấm gương sống đạo, hành đạo một cách thanh cao và toàn vẹn, được hậu thế đời đời tiếp nhận, tiếp nhận bởi nó thật, nó tốt lành và nó đẹp đẽ. Không có gì tự nhiên hơn là tiếp tục con đường của tiền nhân, noi theo các phẩm tính chân phương của họ trong mọi ứng xử, như đơn giản với chính mình, ân cần, hào phóng, thành thật với tha nhân, và phong cách ấy có được thực hiện cẩn trọng hơn, chu đáo hơn với tất cả tấm lòng tận hiến trong mùa chay Ramadan, đối với tín đồ Muslim thì đó cũng không phải là những gì mới mẻ hay xa lạ.
Chuyện kể rằng ông Abdullaah ibn Umar (ra) rất ưa thích chia sẻ bữa ăn iftar (xả chay) với những người nghèo khó, nếu dùng bữa ở nhà, không khi nào ông ăn đầy bụng vì còn để phần cho người thiếu thốn, đôi lúc ông nhường luôn cả phần ăn của mình cho họ, để rồi gần như nhịn luôn đêm! Với đức nhân và lòng từ thiện lúc nào Umar cũng vui vẻ cho đi, ông thường nói: Tôi vì Allah, bởi Ngài đã phán: Các người sẽ không bao giờ đạt đến mức Đạo Đức (Birr) trừ khi các người chi dùng (cho chính nghĩa của Allah) những vật mà các người yêu thích nhất, bất luận vật gì các người chi ra, Allah đều biết rõ. (Qur’an 03: 92)
Có lần Imam Ahmad (Ahmad ibn Hambal (164H – 241H) chuẩn bị một ít bánh mì dành cho buổi xả chay, bỗng có người nghèo đói đến xin, không do dự ông mang biếu tất cả phần bánh cho người ấy. Phần bánh, về giá trị vật chất chẳng là bao, nhưng sự cho đi đó biểu hiện một tình thương, một ý nghĩa cho đi phần nào chính mình, nên tặng vật trở thành một giá trị tinh thần cao quý.
Thiên Sứ Muhammad (saw) thường dạy: Việc làm tốt hơn cả là giữ cho người anh em đồng đạo của mình được an vui hạnh phúc, hoặc có thể trả giúp họ một món nợ trong lúc khó khăn, hoặc chăm nom cho họ ăn uống. (Ad-daylamee, 1/1/123, As-Silsilah As-Saheehah/Al-Albaanee, 1494)
Lời dạy này của Thiên Sứ không phải cổ vũ cho sự ỷ lại, mà là khuyên nhủ mọi người dù giàu, dù nghèo nên có tinh thần xem nhẹ tiền tài, vật chất. Và chăm nom miếng ăn cho người nghèo đói còn là điều hữu ích để nâng cao cuộc sống tinh thần và vật chất của họ.
Người đặt lòng tin hoàn toàn vào Allah là người không khi nào nghĩ đến những lợi ích cho riêng mình. Mang lại niềm an vui, tạo hạnh phúc chân thực và thích đáng cho người khác còn được xem là một trong những việc làm mà Allah yêu quý. Theo At Tabarani, việc làm này mang lại phước đức có thể nói trội hơn sự thực hiện I’tika’f (tỉnh tâm trong thánh đường) suốt một tháng. (At-Tabaraanee/Al-kabeer, 3/209/2, As-Silsilah As-Saheehah, 906)
Thiên Sứ Muhammad (saw) còn dạy rằng: Nếu người giàu có, biết chi dùng gia sản của họ vào việc thiện, gia sản ấy sẽ được Allah ban cho sung túc hơn và ngày càng bền bỉ. Bằng không thì Ngài sẽ thu hồi, trao nó lại cho người khác. (At-Tabaraanee/Al-Awsat, 5295, As-Silsilah As-Saheehah, 1692)
Người nhận thức được ý nghĩa của việc làm từ thiện (Sadaqah / Zakat) là người biết mình liên hệ và chịu ơn Allah, liên hệ đó sinh ra bổn phận nơi người chịu ơn. Thật ra thì chúng ta đã nhận được quá nhiều nhưng cho đi chẳng được bao nhiêu. Cái cho đi của chúng ta, thử hỏi có tương xứng với các giá trị của Ân, Phước, Lộc mà Allah ban cho ta hay không?
Dĩ nhiên là cái khả năng hạn hẹp của con người không thể nào mang so sánh với sự ban bố của Đấng Vô lượng, và điều chắc chắn hơn nữa là chẳng có ai trong chúng ta đủ quyền năng, đủ tình thương để thực hiện nổi tất cả mọi nguyện vọng chính đáng của người đời, nhưng ít ra thì nó cũng phải có ở một mức tối thiểu nào đó, để mình xứng đáng với những gì nhận được từ Allah. Đừng để cho những bức xúc đến từ hoàn cảnh xã hội, đời sống riêng của từng cá nhân làm cho ta nhìn đâu cũng thấy sự không lành, thậm chí oán trách, thù hận, đẩy lùi cái thiện vào bóng tối, lâu dần, không thấy nó nữa? Cho đi là mở sang kẻ khác, lòng người cho đi bao giờ cũng trở nên cao rộng hẳn lên.
Chúng ta, những người Muslim nhịn chay hành thiện, không thể nào hình dung được ân phước vô lượng mà Allah bồi hoàn cho sự hành đạo qua lòng từ tâm tận hiến của mình trong tháng Ramadan. Hiểu rõ được điều này chúng ta sẽ ao ước Ramadan đến với mình trọn năm chớ không phải chỉ vỏn vẹn có một tháng.
Làm việc phước thiện là một trong những ưu ái mà Allah cho để chúng ta có dịp tạ ơn Ngài. Allah ban phước để cho chúng ta làm phước chớ không phải Ngài ban phước cho chúng ta hưởng thụ.
Trong Surat Al-Ma’idah, ayat 35 và 36, Allah phán: Hỡi những ai có niềm tin! Hãy tuân thủ bổn phận, kính sợ Allah và tìm phương cách hướng về Ngài và phụng sự cho Chính Đạo của Ngài để may ra các người được thành đạt. Quả thật những kẻ không có đức tin dẫu cho họ có tất cả mọi thứ trên trái đất và có gấp đôi các thứ ấy để chuộc tội hầu khỏi bị trừng phạt vào Ngày Phán Xử Cuối Cùng thì nó sẽ không được chấp nhận. (Qur’an 05: 35-36)
Cầu xin Allah cho chúng ta biết thanh hóa Ân Lộc từ Ngài ban xuống, xin Allah ban cho tâm hồn chúng ta tinh thần bình an và phó thác để dù no, dù đói hay bất kỳ trong hoàn cảnh nào chúng ta cũng cảm nhận được tình thương của Ngài theo sát chúng ta trong cuộc sống.
http://www.haidang.fr/v3/index.php?option=com_content&view=article&id=2698:ramadan-de-cao-long-nhan-ai&catid=35:5dieucanban