Phú Yên có 3 sông chính - sông Đà Rằng, sông Bàn Thạch, , sông Kỳ Lộ - và nhiều suối nước khoáng nóng như: Phú Sen, Triêm Đức, Trà Ô, Lạc Sanh. Các tài nguyên trong lòng đất bao gồm diatomite, đá hoa cương nhiều màu, vàng sa khoáng.
Cánh đồng Tuy Hòa là cánh đồng lúa rộng nhất miền Trung Việt Nam. Nông nghiệp ở Phú Yên chủ yếu là lúa, mía, cây hoa màu.
Bãi Môn (Tuy Hòa, Phú Yên) |
Tên Phú Yên do chúa Nguyễn Hoàng đặt vào năm 1611, mang ước nguyện về một miền đất trù phú, thanh bình trong tương lai.
Ngày nay, tác động của biến đổi khí hậu tại Phú Yên là một vấn đề nghiêm trọng.
Một vài hành động và giải pháp cụ thể mà mỗi cá nhân có thể làm:
1. ngưng đốn rừng,
2. ngừa thai để giảm dân số,
3. tổ chức nông nghiệp trồng rau cải hữu cơ, đáp ứng nhu cầu ăn chay để tiết kiệm tài nguyên cho mọi người dân đều có đủ miếng ăn,
4. làm điều lành, tránh điều dữ, đối đãi tốt và đùm bọc lẫn nhau,
5. sám hối những lỗi lầm đã qua nếu có và cầu nguyện cho Phú Yên sớm được trù phú yên bình.
Trích đoạn bài viết của Tiến sĩ NGUYỄN THÀNH QUANG
Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên
đăng trên báo Phú Yên ngày thứ năm, 26-08-2010
TÁC ĐỘNG CỦA BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU VÀ ỨNG PHÓ
Nói về biến đổi khí hậu, các nhà khoa học trên toàn thế giới đã nghiên cứu, chứng minh rằng tất cả những hiện tượng dị thường như: El nino, La nina, tan băng Nam Cực, trái đất nóng dần lên v.v… đều có nguyên nhân từ con người gây ra cả. Họ kêu gọi các nhà lãnh đạo của các quốc gia trên toàn thế giới xây dựng chương trình cắt giảm khí thải để làm giảm bớt hiệu ứng nhà kính của trái đất. Họ kêu gọi toàn nhân loại hãy bảo vệ và sống thân thiện hơn với môi trường thiên nhiên.
Biến đổi khí hậu ở Phú Yên cũng không nằm ngoài thực trạng chung của toàn cầu và của quốc gia.
Nói đến biến đổi khí hậu ở Phú Yên, không thể không quan tâm đến sự biến đổi của rừng.
Bản dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ (2010 - 2015) đưa ra con số đánh giá độ che phủ rừng khá lạc quan 34,9%, nếu tính cả diện tích cây trồng phân tán là 41,3%. Đó là con số chỉ tiêu còn quá khiêm tốn so với yêu cầu phòng hộ bền vững. Tuy nhiên, tôi nghĩ: con số thực sẽ còn thấp xa so với con số báo cáo. Xin mời lãnh đạo hãy đi thị sát một vòng theo đường vòng cung từ dãy núi Đèo Cả đến Sông Hinh, qua Phước Tân, Vân Hòa đến Phú Mỡ, Làng Đồng, Phú Hải, Xuân Lãnh, Đa Lộc... rừng còn đâu?
Những cánh rừng đại ngàn một thời nay còn đâu nữa. Nếu không nhìn thấy đất trống, đồi trọc thì chỉ nhìn thấy núi xanh màu lá nhưng không thấy có cây.
Xin dẫn chứng một điển hình: Công trình thủy điện Sông Hinh, niềm tự hào của tỉnh Phú Yên. Hồ chứa của nó có dung tích khoảng 350 triệu m3 nước, nằm ở độ cao 115 mét. Những năm trước vành đai phòng hộ bao quanh bờ hồ ở phía đông là rừng nguyên sinh, nhiều cây cổ thụ, thế mà nay đứng ở sân văn phòng nhà máy Thủy điện Sông Hinh phóng tầm mắt nhìn từ đỉnh Dốc Phường ở phía nam đến hút tầm mắt về phía bắc dãy rừng phòng hộ hồ thủy điện nay chỉ thấy toàn là đồi trọc, nương rẫy sắn.
Rừng phòng hộ xung yếu bảo vệ công trình thủy điện bị phá sạch không biết trách nhiệm thuộc về ai? Núi hết cây, trời mưa, núi lở, đập vỡ, đó chẳng phải là nỗi lo thảm họa hay sao?
Quan sát trong chuỗi thời gian vài chục năm lại đây, chúng ta thấy diễn biến tác động của biến đổi khí hậu ở Phú Yên biểu hiện các dạng như:
- Mưa lụt lớn, xảy ra dày hơn, thời gian xuất hiện đỉnh lũ rất nhanh, xuất hiện lũ quét nhiều hơn;
- Lụt úng cục bộ nhiều vùng hơn, nhiều vùng hàng bao đời không biết lụt, nay bị ngập thiệt hại do chủ quan, bất ngờ.
- Xói lở đôi bờ của các dòng sông diễn ra phức tạp hơn, nhiều điểm hơn, núi lở, lòng sông bồi lấp, khô kiệt dòng chảy về mùa khô.
- Mỗi khi có triều cường, gió to, sóng lớn làm xói lở vùng cửa sông, bờ biển diễn ra ngày càng ác liệt.
- Hạn hán, nắng nóng, nhiệt độ tăng cao đột biến.
- Lốc xoáy, bão to, ác liệt hơn.
Ứng phó với thiên tai, bão lụt là những hành động của con người có ý thức nhằm phòng tránh tổn thất, rủi ro, hoặc làm giảm thiểu thiệt hại khi thiên tai xảy ra. Nó là công việc thường xuyên, cấp bách và lâu dài của mọi cấp chính quyền và người dân.
Phương châm công tác ứng phó là dựa vào nguồn lực tại chỗ là chủ yếu, lực lượng tăng viện là thứ yếu. Kế hoạch ứng phó nên có kế hoạch thường xuyên và kế hoạch chiến lược. Tổ chức rút kinh nghiệm ứng phó mùa trước, bổ sung kinh nghiệm cho kế hoạch mùa sau là việc làm thành nền nếp, cần tổ chức sớm và bổ sung kịp thời các biện pháp, tránh chủ quan.
Xây dựng bổ sung mạng lưới quan trắc khí tượng, thủy văn cảnh báo sớm, nhất là khu vực đầu nguồn của các con sông lớn. Như trên sông Kỳ Lộ nên bố trí ngay trạm đo mưa tại nhà máy thủy điện La Hiên.
Do địa hình có biến đổi, nên cho triển khai việc điều tra, rà soát, bổ sung các điểm đỏ (là những điểm xung yếu có nguy cơ thiệt hại khi bão lũ, triều cường, xói lở) trên bản đồ toàn tỉnh. Từ đó, cảnh báo cho người dân, giao nhiệm vụ cho chính quyền huyện, xã chuẩn bị phương án phòng tránh chủ động. Nơi nào có điều kiện, có kế hoạch di dời sớm ra khỏi vùng đỏ.
Tổ chức các đội xung kích ứng phó thiên tai tại thôn, xã, được tập huấn công tác cứu hộ, chuẩn bị phương tiện, trang bị cần thiết (sõng nan, phao cứu sinh, bao tải, đá hộc, túi thuốc cấp cứu...) do chủ tịch xã chỉ huy. Những vật tư, vật dụng, trang bị thiết yếu được ngân sách cân đối chi từ quỹ phòng chống thiên tai.
Về lâu dài, cần có một chiến lược dài hạn ứng phó tích cực, chủ động cho từng vùng. Ở vùng đồng bằng, ven biển, đầu tư đê, kè chống xói lở bờ sông, ven biển. Đặc biệt là ở những nơi xung yếu. Tổ chức di dời, tái định cư những vùng thấp thường xuyên bị ngập sâu, vùng các hẻm núi, triền dốc núi dễ sạt lở.
Ngoài việc chú trọng những vùng sạt lở ven sông, suối, có phương án dự phòng di dời, hoặc di dời sớm.
Cần chú trọng xây dựng và thực hiện chiến lược sản xuất nông - lâm nghiệp bền vững, làm tốt chức năng phòng hộ đầu nguồn.
Trước hết cần kiểm soát, quản lý số đồng bào di cư tự do từ phía bắc vào. Vì cần đất sản xuất họ phát, đốt rừng hết sức nghiêm trọng.
Trong báo cáo quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 của tỉnh xây dựng chỉ tiêu kế hoạch phát triển rừng rất lạc quan: “Phát triển quỹ đất lâm nghiệp đến năm 2010: 245.000ha, năm 2020: 310.000ha. Trong đó rừng phòng hộ: khoảng 122.000ha - 130.000ha. Phân bổ chủ yếu ở khu vực núi cao phía bắc, phía nam và phía tây thuộc địa bàn các huyện Sông Cầu, Đồng Xuân, Sông Hinh, Sơn Hòa, Tây Hòa và vùng ven biển” (trang 117 Báo cáo tổng hợp quy hoạch tổng thể... PY).
Thực tiễn phát triển ngành lâm nghiệp Phú Yên hơn 30 năm qua cho thấy luôn có sự tương quan tỉ lệ nghịch giữa dân số và đất lâm nghiệp. Dân số càng tăng thì đất lâm nghiệp càng giảm.
Quy hoạch đưa ra chỉ tiêu trong 10 năm tới tăng cho lâm nghiệp 65.000 ha? (mỗi năm 6500ha). Con số quá lớn, căn cứ thực tiễn kết quả trồng rừng của 10 năm trước ta có căn cứ để suy luận là tính khả thi của con số kế hoạch nêu trên là rất thấp.
Có thể hiểu đến năm 2020, cơ cấu kinh tế - xã hội Phú Yên đã bước vào giai đoạn công nghiệp. Nguồn sống của người dân nông thôn hiện nay chủ yếu bằng nông nghiệp, sẽ chuyển sang nguồn sống chủ yếu bằng công nghiệp và dịch vụ? Thật là thần kỳ. Chúng ta ước mong sao được như thế.
Nhưng hiện tại là hơn 70% dân số Phú Yên sống ở nông thôn đang phải luôn luôn đối mặt với vấn đề bát cơm manh áo hàng ngày. Nguồn sống vẫn là từ nông nghiệp là chủ yếu. Trong 10 năm tới chắc chắn không thể có biến đổi lớn về cơ cấu kinh tế - xã hội ở Phú Yên. Việc tranh chấp đất nông nghiệp và đất lâm nghiệp sẽ còn tranh nhau quyết liệt.
Sản xuất nông nghiệp trên địa bàn các huyện miền núi Phú Yên chủ yếu là trên địa hình đất đồi, đất dốc, chịu sự tác động rất lớn của biến đổi khí hậu: Mùa nắng bị khô hạn. Mùa mưa bị bào mòn, rửa trôi chất mùn, xói lở rất dữ dội.
...Một công việc không thể thiếu đó là: Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục rộng rãi trong nhân dân về ý thức phòng tránh thiên tai. Phải tuyên truyền, giáo dục thường xuyên, liên tục để tạo thành thói quen. Làm gì cũng phải nghĩ đến đảm bảo an toàn khi có bão lụt. Từng bước xây dựng thành ý thức cộng đồng, từng bước xây dựng các định chế về an toàn chống lụt bão phù hợp với thực tiễn của địa phương.
http://www.baophuyen.com.vn/Trangch%E1%BB%A7/X%C3%A3h%E1%BB%99i/tabid/141/GId/141/itemIndex/9/NId/53181/Default.aspx