Saturday, August 07, 2010

Bếp Chay Thanh Nhẹ: Bún Bì Chay (Quế Trân)

Bún Bì Chay
Ảnh: Muối Tiêu Chanh

(Hồng Hương) Mẹ của Hồng Hương ngày xưa rất thích ăn bì chay. Biết Hồng Hương ăn chay, nên mỗi lần HH về thăm, mẹ đều lụi cụi làm món này, có khi là bì cuốn, có khi là bún, dù lúc đó mẹ đã hơn 80. Khi lớn tuổi hơn một chút, mẹ thường bảo chở mẹ ra tiệm mua bì chay làm sẵn mang về. Mẹ làm gì cũng nghĩ tới các con, muốn cho con được vui.

Có lẽ bây giờ mẹ cũng còn thích bì chay, nhưng năm nay cụ 94 tuổi Henriette hết răng, không ăn được nữa rồi. Mẹ ở trong nhà dưỡng lão, ăn cơm tán, các chị của HH có đặt phần chay. Mẹ bị gẫy xương hông nên không đi được, bây giờ ngồi xe lăn nẻo buồn mười mấy tiếng mỗi ngày; những khi có ai vào thăm, mẹ rất vui và nói chuyện huyên thuyên, thỉnh thoảng xen vài câu tiếng Pháp.

Bố HH mất đã vài năm, nhưng mẹ vẫn “tưởng như còn người yêu,” quên như vậy biết đâu là điều hạnh phúc! Có khi qua trực giác mẹ nói chuyện về cảnh giới nào đó, như là "ba đang đánh cờ," HH không hiểu hết nhưng tin những lời mẹ nói là sự thật.

Trong nhà dưỡng lão có các vị Phật giáo, Công giáo, Tin Lành đến làm lễ mỗi cuối tuần, những vị này dễ thương lắm. Thỉnh thoảng có ban nhạc và ca sĩ tình nguyện giúp vui. Các bạn có khiếu văn nghệ hoặc có chút thời gian, nếu có thể đi thăm các bác trong nhà dưỡng lão cũng là một điều tốt. HH công tác ở xa nên không thăm mẹ thường xuyên, rất lấy làm xót xa vì không lo cho mẹ được như mẹ đã lo cho mình. May là các anh chị của HH cũng có vào thăm và cũng nhờ một chị giúp đút cơm cho mẹ mỗi ngày. Dù không phải là người trong gia đình, chị nói một câu làm HH cảm động và thán phục: “Ai cũng là cha mẹ của mình cả!”

HH tình cờ đọc bài sau đây về các bà nội, ngoại nên nhớ đến mẹ. Xin sưu tầm gửi đến bạn đọc Việt Nam Ăn Chay. Mong rằng tất cả chúng ta sẽ cố gắng ăn chay nhiều hơn để bớt nghiệp sát sinh và từ đó có thể hồi hướng công đức cho mẹ, người đã cưu mang và chăm sóc cho chúng ta từ thuở mới chào đời, vì mẹ là tình thương vô bờ mang cho ta sự sống vô cùng quý báu.

Công thức này do Quế Trân của trang Muối Tiêu Chanh (www.8xpress.com/food/) hướng dẫn. Xin cảm ơn Quế Trân.

Bài viết của Quế Trân

Hôm nay là rằm tháng chạp rồi. Sực nhớ trong trang ẩm thực này mình chưa hề có món chay nào hết! Thật là thiếu sót!
 

Gia đình tôi ăn chay đều đặn mùng 1 và rằm hàng tháng. Lúc sinh thời, bà ngoại tôi ở chùa nên chế biến món chay rất ngon (dĩ nhiên là mẹ tôi được thừa hưởng tài nấu ăn này!). Ngoài ra, thỉnh thoảng ăn chay rất có lợi cho sức khỏe, vừa ngon lại vừa giúp bộ máy tiêu hóa làm việc nhẹ nhàng hơn. Ngược lại với suy nghĩ của nhiều người khi cho rằng ăn chay rất đạm bạc, thiếu chất dinh dưỡng, và không ngon, bản thân tôi cho rằng tất cả tùy thuộc vào cách chế biến món ăn. Tôi để ý là mỗi lần ăn chay là gia đình tôi đều ăn rất ngon lành.  Tuy vậy, nếu không vì lý do tính ngưỡng, tôi nghĩ việc ăn mặn xen kẽ với vài ngày ăn chay trong tháng là tốt nhất cho sức khỏe vì sẽ cân bằng được nguồn dinh dưỡng cho cơ thể.
 

Món bún bì chay là một món mà bà ngoại hay nấu lúc còn sống. Sau này tôi được biết đây cũng là món ăn truyền thống mà bà nội chồng tôi nấu cho gia đình ăn vào ngày mùng 1 Tết. Cả hai người bà đều nấu ăn rất khéo không ai sánh bằng. Tuy tính tình nghiêm khắc, nhưng rất mực thương yêu gia đình, con cháu. Mỗi lần nấu món ăn này là tôi lại nhớ tới bà. Tôi vui vì khi nấu được cả hai gia đình khen ngon, hi vọng không làm bà ngoại và bà nội phật lòng.
 

Nếu bạn từng không thích món chay, vẫn hi vọng bạn tham khảo và yêu thích món ăn này. 
 

Bún Bì Chay
 

Nguyên liệu
1.    Bún tươi hoặc bún khô trụng đều được
2.    Tàu hủ chiên (miếng hình chữ nhật)
3.    Khoai tây (có thể thay bằng khoai lang, hoặc cả hai loại khoai nếu thích)
4.    Bún tàu
5.    Thính
6.    Các loại rau sống, dưa leo, đồ chua ăn kèm
7.    Nước tương, đường, chanh hoặc giấm
 

Cách làm
•    Tàu hủ miếng hình chữ nhật đã chiên sẵn, cắt làm đôi theo chiều ngang, cho vào chảo chiên thêm cho vàng các mặt, để nguội, cắt sợi dài.
•    Khoai tây (hoặc khoai lang) gọt vỏ, rửa sạch, cắt sợi dài. Trong lúc cắt thì cho phần khoai đã cắt xong vào tô nước có ít muối cho khoai không bị đen. Cắt khoai xong, để ráo nước, chiên vàng, để nguội.
•    Bún tàu: có hai cách chế biến tùy ý thích của bạn: nếu thích ăn giòn thì không ngâm bún tàu vào nước mà chiên giòn từng nắm nhỏ; nếu không thích giòn (vì tàu hủ và khoai đã chiên giòn, và không chiên bún tàu thì ăn giống bì hơn), bạn ngâm bún tàu vào tô nước cho mềm, vớt ra để ráo.
•    Thính rang vàng cho thơm.
•    Trong một tô lớn, trộn tàu hủ, khoai tây, bún tàu, thính, nêm ít bột nêm cho vừa ăn, có thể cho thêm dầu hành phi cho thêm hương vị.
•    Rau sống, dưa leo rửa sạch, để ráo, cắt nhuyễn để ăn kèm với bún.
•    Nước chấm: bạn pha theo công thức: 1 phần nước tương, 1 phần đường, 3-4 phần nước, thêm chanh hoặc giấm (hoặc nước đồ chua) cho vị chua, ngọt, mặn hài hòa.
•    Món ăn này rất dễ thực hiện, chỉ mất thời gian cắt mỏng và chiên các vật liệu. Hi vọng bạn sẽ nhận được nhiều lời khen ngợi với món ăn đơn giản này.