Sunday, July 11, 2010

Khuôn Vàng Thước Ngọc: "Nhẫn có phải là nhục?"


Nhẫn có phải là nhục?
Đại Đức Thích Trí Tài

Theo tinh thần Phật Giáo, “nhẫn” không hề có nhục, nhẫn để nhục thì không còn là nhẫn nữa, đó là tự dối mình. Nhẫn không phải là cam chịu, nhẫn không phải là luồn cúi hay hạ mình,... mà “nhẫn đó là đức, trì giới – khổ hạnh đều không thể bằng, người tu hạnh nhẫn mới được gọi là người có đại lực.” (Kinh Phật Di Giáo)

Khi Đức Phật còn tại thế Ngài luôn mặc áo giáp nhẫn nhục để vào đời độ sanh, Ngài đã trở nên bất khuất giữa đám người bất phục nhất. Một lần nọ, có người Bà-La-Môn cung thỉnh Đức Phật về nhà trai tăng. Theo lời thỉnh cầu, Đức Phật đến. Nhưng, thay vì tiếp đón phải lẽ, người Bà-La-Môn tuôn ra một loạt những lời lẽ thô kịch và nhơ bẩn vô cùng. Đức Phật lễ độ hỏi thăm :

-         Này ông Bà-La-Môn, có khi nào khách đến nhà ông không ?

-         Có. Ông Bà-La-Môn trả lời.

-         Khi khách đến nhà thì ông làm gì ?

-         Tôi sẽ dọn một bữa cơm thịnh soạn để đãi khách.

-         Nhưng khách bận việc không thể đến thì sao ?

-         Thì gia đình chúng tôi sẽ chia nhau bữa cơm.

-         Tốt lắm, này ông Bà-La-Môn, hôm nay ông mời Như Lai đến nhà để trai tăng và ông đã khoản đãi Như Lai bằng những lời nguyền rủa, chửi mắng thậm tệ. Như Lai không nhận. Xin ông vui lòng lấy trở lại.

Đức Phật không giận, không trả thù, nhưng Ngài lễ độ trao trả người Bà-La-Môn những gì người này đã khoản đãi Ngài. Nhẫn nhục là vậy đó, phải nuốt luôn cái nhục mới được gọi là đại nhẫn.

Kế đây là câu chuyện về hạnh nhẫn của nhà hiền triết Hy Lạp Socrate chẳng may có một người vợ dữ như chằn tinh, nhưng ông đã chịu đựng tất cả những dở chứng của bà một cách kỳ diệu.

Một ngày nọ ông đang đàm đạo với các môn sinh ngay trước cửa nhà, bà vợ bắt đầu dùng mọi lời lẽ thô tục để rủa xả ông, nhưng ông vẫn một mực điềm nhiên như không nghe biết gì. Bà vợ nỗi cơn tam bành, múc một gáo nước tạt vào người ông. Nhà hiền triết cũng không để lộ một phản ứng, mãi một lúc sau ông mới bông đùa với đám môn sinh : “Sau cơn sấm sét thì đến hồi mưa giông.”

Chẳng những thế, hôm bạn ông đến chơi nhà, Socrate mời các bạn ở lại dùng cơm, ông thường dùng trái cây làm thức ăn, bà vợ tức giận hất cả giỏ trái cây ra sau vườn. Các bạn ông giận tím người, ông đưa mắt mỉm cười bảo : - “ Chắc bà muốn chúng mình ra hè ăn cho mát”. Thấy không làm gì được mụ vợ lấy chổi chà quét tung cả trái cây còn lăn vãi trên đất, các bạn ông không còn nhịn được nữa định làm dữ, ông vẫn ung dung cười nói: “Này các bạn, nếu đang lúc ăn cơm một con gà mái nhảy xổ vào hất đổ thức ăn, các bạn có giận không ?” Rồi tỉnh queo lượm trái cây bỏ vào rổ đem đi rửa.

Sức mạnh của người trí là như vậy đó. Chúng ta không thể đo lường sức mạnh qua cơ bắp khỏe, qua uy quyền, địa vị, hay tiền bạc. Cho nên sau này có một học giả phương Tây nhận định về Socrate như sau: “Tại sao ông có thể làm chủ dễ dàng khi gặp cơn tức giận? Là do ông biết mỉm cười ngay khi nổi cơn giận dữ, ông biết hướng ý muốn tốt đẹp về người khác bằng cách suy luận theo chiều ngược lại.”

Chúng ta hãy chuyển góc nhìn về sức mạnh vô song của một vị tổng thống. Abraham Lincoln (1809-1865), vị tổng thống thứ 16 và cũng là một trong bốn vị tổng thống vĩ đại nhất của Mỹ.

Trong buổi lễ nhậm chức, một Thượng Nghị Sĩ thuộc tầng lớp đại hào phú đem lòng đố kỵ với ông vì ông xuất thân từ một giai cấp hạ đẳng, bất cân xứng với chức vụ hiện tại. Muốn hạ nhục ông trước đám đông quan khách, vị Thượng Nghị Sĩ cố ý nói lớn cho mọi người cùng nghe, ông bảo Tổng thống: “Ngài nên nhớ rằng, Ngài là con của một người thợ đóng giày”. Abraham Lincoln mặt không biến sắc, điềm nhiên trả lời : “Đúng vậy, thưa Ngài Nghị sĩ. Nếu Ngài không nhắc tôi cũng phải nhớ. Cha tôi là một người thợ đóng giày, là một người thợ lương thiện, tôi rất tự hào về cha tôi. Thuở nhỏ tôi cũng thường theo cha đi vá giày, và cũng vá rất khéo, nếu Ngài có đôi giày nào hư cứ đưa tôi sẽ vá giúp cho; chẳng những Ngài mà bất cứ ai trong đây có giày hư muốn vá lại tôi cũng xin giúp."

Cả hội trường nghe vị tân tổng thống của mình trả lời như thế đều rất cảm kích, một tràng pháo tay vang động phá tan bầu không khí ngột ngạt.

Cổ nhân thường nói “Một câu nhịn bằng chín câu lành”, không có sức mạnh nào có thể thắng nỗi sự bất bạo động, chỉ có lòng tha thứ.... vì chính lúc thứ tha là khi được tha thứ, chính lúc quên mình, làm chủ được chính mình là lúc gặp lại bản thân.

HT. Thích Thiện Hòa, Đức Phó Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đã từng khuyên dạy đồ chúng bằng sự trải nghiệm của đời mình qua câu : “Tịnh khẩu thâm tàn thiệt, thân an xứ xứ an” ( miệng lặng lưỡi hằng dấu, thân an chốn chốn an).

Câm lặng là lá bùa hộ mạng, nhẫn nhục là chiếc bè cứu sinh. Đừng ăn miếng trả miếng. Kẻ chiến thắng trong một trận chiến phi lý là người bất hạnh nhất bởi vì người đó sẽ mang theo tất cả phần lỗi. Hãy để cho kẻ thù ta là thầy dạy ta. Đừng bắt chước điều ta ghét bỏ. Đừng trở nên gương soi cho điều ta giận dữ bằng cách phản chiếu chính gương mặt giận dữ của người đó. Chính khi chịu đựng mọi bất công là chính khi ta chiến đấu chống lại mọi bất công.

“Đừng oán người làm con đau khổ, vì họ chỉ là công cụ ở ngoài chính họ. Đó là những vị Bồ Tát phát tâm hành nghịch độ, cho con quả thiện tròn đầy. Đó là những vị Bồ Tát trải thân làm cầu đường cho chúng sanh đi đến giải thoát và luôn nhớ, chư Bồ Tát không chỉ mang tướng thiện để độ sanh, hãy cầu nguyện cho các vị ấy sớm đắc quả vị Phật mới trả được ân. Phải tri ân những người mang đau khổ đến cho con, hành như thế mới là người trí tuệ, hành như thế mới là người sống đúng, hành như thế mới là con Phật.” (ĐẠO PHẬT TRONG ĐỜI SỐNG –HT.TNH).

Chúng ta nên biết, hạnh phúc được tìm thấy nơi không có hạnh phúc, nơi không cho phép hạnh phúc tồn tại, hạnh phúc vĩnh cửu là hạnh phúc đã được kinh qua đau khổ. Ta phải sẵn sàng đón nhận bùn nhơ mà người ta có thể ném vào mình, thay vì mong đợi những đóa hoa hồng mà người ta có thể tặng. Ta sẽ không thất vọng. Nên nhớ rằng:  “Người không biết tươi cười trong nghịch cảnh sẽ không bao giờ biết cách mở ra những cánh cửa ước mơ."


http://www.buddhismtoday.com/viet/dien/nhan&nhuc.htm