“The perfecting of one's self is the fundamental base of all progress and all moral development.”
―Confucius
Chữ nhẫn
Trích đoạn “Giảng Đạo Chơn Ngôn” do Giáo sư Thái Đến Thanh biên soạn (1957).
Có tích xưa: Ông Quách-Tử-Nghi, đời nhà Ðường khi còn nhỏ đang đi học, một hôm ông xem kinh Phật thấy câu "Hắc phong xuy châu phiêu nhập chi khổ hải". Nghĩa là luồng gió đen thổi chiếc thuyền trôi vào trong biển khổ. Ông không hiểu ý câu ấy ra sao, bèn đến hỏi một Hòa-Thượng, vị Hòa-Thượng thấy hỏi như vậy, thì thịnh nộ mắng ông Quách-Tử-Nghi rằng mầy còn con nít biết gì mà dám hỏi những câu đó.
Ông Quách-Tử-Nghi thấy vị Hòa-Thượng trả lời như vậy thì nổi giận hầm-hầm tím mặt. Lúc ấy vị Hòa-Thượng bèn ung dung day lại cười mà cắt nghĩa cho ông Quách-Tử-Nghi biết rằng: Sự thịnh nộ của công-tử từ nãy đến giờ tức là luồng gió đen thổi chiếc thuyền trôi vào biển khổ đó....
Ông Quách-Tử-Nghi hồi tâm tỉnh ngộ, bèn chắp tay tạ ơn vị Hòa-Thượng, đã dùng một cách gián-tiếp mà chỉ giáo cho mình.
Ôi! Ở đời biết bao nhiêu luồng gió đen, hằng ngày lẩn-quẩn xung quanh mình của chúng ta, nếu chúng ta không hết sức lấy tấm lòng kiên-nhẫn ra chống chỏi, thì cơ hồ thân thể của chúng ta như một chiếc thuyền nhỏ kia, có ngày chìm đắm vào trong bể khổ.
Có bài sách Thầy Tử-Trương hỏi Ðức Khổng-Phu-Tử về chữ nhẫn. "Tử-Trương dục hành từ ư Phu-Tử, nguyện tứ nhứt ngôn vi tu nhân chỉ yếu". Thầy Tử-Trương muốn đi làm việc chánh, bèn đến từ tạ Ðức Khổng-Phu-Tử, xin cho một lời để làm phép sửa mình.
Phu-Tử viết: "Bá hạnh chi bổn nhẫn chi vi thượng".
Ðức Khổng-Tử nói: Trăm nết chung gốc chỉ có chữ nhẫn là cao thượng hơn hết.
Tử-Trương viết: "Hà vi nhẫn chi."
Thầy Tử-Trương hỏi tại sao mà phải nhịn đó.
Phu-Tử viết:
Thiên-Tử nhẫn chi quốc vô hại,
Chư-Hầu nhẫn chi thành kỳ đại.
Quan-Lại nhẫn chi tấn kỳ vị,
Huynh-đệ nhẫn chi gia phú-quý,
Phu-phụ nhẫn chi chung kỳ thế,
Bằng-hữu nhẫn chi danh bất phế,
Tự thân nhẫn chi vô họa hoạn.
Chư-Hầu nhẫn chi thành kỳ đại.
Quan-Lại nhẫn chi tấn kỳ vị,
Huynh-đệ nhẫn chi gia phú-quý,
Phu-phụ nhẫn chi chung kỳ thế,
Bằng-hữu nhẫn chi danh bất phế,
Tự thân nhẫn chi vô họa hoạn.
Nghĩa là: Làm Vua mà biết nhịn thì trong nước không có điều tai hại, bậc chư-hầu mà biết nhịn thì nên nghiệp lớn. Bậc Quan-Lại mà biết nhịn thì phẩm-vị đặng cao thăng. Anh em biết nhịn với nhau thì nhà cửa đặng giàu sang. Chồng vợ biết nhịn thì niềm ân-ái mới đặng trọn đời. Bậu bạn biết nhịn thì danh nghĩa chẳng hư, còn thân của mình mà biết nhịn chẳng lo tai họa.
Tử-Trương viết: "Bất nhẫn hà như".
Thầy Tử-Trương hỏi: Còn chẳng nhịn thì dường nào?
Phu-Tử viết:
Thiên-Tử bất nhẫn quốc khống hư,
Chư-Hầu bất nhẫn tán kỳ xu,
Quan-Lại bất nhẫn hình phạt tru,
Huynh-đệ bất nhẫn cát phân cư,
Phu-phụ bất nhẫn tình ý sơ,
Tự thân bất nhẫn hoạn bất trừ.
Chư-Hầu bất nhẫn tán kỳ xu,
Quan-Lại bất nhẫn hình phạt tru,
Huynh-đệ bất nhẫn cát phân cư,
Phu-phụ bất nhẫn tình ý sơ,
Tự thân bất nhẫn hoạn bất trừ.
Nghĩa là: Làm Vua mà chẳng nhịn thì nước phải trống không. Bậc Chư-Hầu chẳng nhịn thì hư bại thân mình. Bậc Quan-Lại không nhịn thì phải chịu hình phạt. Anh em chẳng biết nhịn nhau, thì chia của cắt nhà phân ly thủ túc. Chồng vợ chẳng nhịn thì tình nghĩa ra phai lợt. Còn bổn thân của mình mà chẳng biết nhịn thì mọi việc hoạn họa chẳng dứt....
Ðức Khổng-Tử giải nghĩa các bậc rồi, Thầy Tử-Trương ngậm-ngùi mà than rằng: Phải lắm, phải lắm, thật là khó thay nếu không có chí kiên-nhẫn thì cũng khổ cho bổn phận làm người.
Trong Kinh Hoa-Nghiêm có câu rằng: "Nhứt niệm sân tâm khởi, bá vạn chướng môn khai". Một phen nư giận nổi lên thì muôn ngàn nghiệt chướng nảy sanh. Trong các kinh sách của Phật, Tiên, Thánh-Hiền hằng ngày dạy nhơn-sanh chữ nhẫn làm đầu, mà con người mơ-màng chưa tỉnh ngộ.
Chúng ta nhận xét qua một trận giông tố, ắt phải có cây ngã, nhà sập, thuyền tàu chìm đắm. Còn người trải qua những cơn thịnh nộ rồi, thường có xảy ra lắm điều tai ương hoạn-họa, khi biết tự-tỉnh ăn-năn thì việc đã muộn rồi.
Vậy mà có nhiều người trải qua biết bao nhiêu lần giông tố, mà cũng không biết kiên-nhẫn chút nào, thật cũng đáng buồn cho đó ...
Có tích Ông Trương-Công-Nghệ:
Ngày xưa ông Trương-Công-Nghệ chín đời cùng ở với nhau một nhà. Có câu: "Trương-Công-Nghệ cửu thế đồng cư". Vợ chồng con cháu có mấy trăm người mà trọn đời chưa có điều chi xích-mích, trong gia-đình bao giờ cũng đấm ấm như khí hòa mùa xuân.
Ngày kia Vua nghe tin bèn ngự giá đến nhà ông mà hỏi rằng: Nhà của ngươi dùng cách gì mà trong gia-đình vui-vẻ thuận-hòa với nhau như vậy?
Ông Trương-Công-Nghệ bèn viết một chữ NHẪN thiệt lớn vào trong tấm giấy mà dâng lên cho Vua....
Vua xem rồi lấy làm kính phục, liền ban cho ông một trái lê thử coi ông xử sự ra sao. Ông bèn sai người cắt trái lê bỏ vào trong cái thùng lớn đổ nước nấu sôi, rồi kêu tất cả người trong nhà đến trước mặt, cho uống mỗi người một muỗng, để gọi là chung hưởng ân Vua.
Ôi! Tấm lòng nhẫn nại của ông quý biết chừng nào.
Ðến đổi nhà của ông có nuôi một trăm con chó, mỗi bữa ăn cho ăn cơm nếu thiếu một con nào thì hết thảy cả bầy đều không ăn đứng đợi....
Sự nhẫn nại của ông kịp đến cả súc vật cũng biết nhẫn nhượng như thế. Ðời nay những người không biết kiên nhẫn mà xem đến truyện của ông thì há chẳng hổ mình lắm sao?
http://www-personal.usyd.edu.au/~cdao/booksv/gdcn/09-gdcn.htm