Trẻ thơ Mỹ Tho học bài khi cúp điện (Photo: Minh Sơn) |
When electricity regularly went out, Vietnamese children had to study under dim candlelight.
Chút ánh sáng cho cuộc đời
(VNAC) - Một lối sống cần kiệm trên khắp toàn cầu, không hoang phí tài nguyên, là điều cần thiết để bảo đảm cho những tiện nghi nhỏ vốn phải có trong một xã hội văn minh vào thế kỷ 21, bao gồm điện lực.
(VNAC) - Một lối sống cần kiệm trên khắp toàn cầu, không hoang phí tài nguyên, là điều cần thiết để bảo đảm cho những tiện nghi nhỏ vốn phải có trong một xã hội văn minh vào thế kỷ 21, bao gồm điện lực.
Nếu không có điện, bạn sẽ không sử dụng được máy vi tính, sẽ không đọc được bài này của Việt Nam Ăn Chay, sẽ không biết được những thông tin trên thế giới qua các mạng lưới toàn cầu, sẽ không có dịp học hỏi những điều hay lạ trên hoàn vũ.
Muốn đời sống đừng thụt lùi, hãy nghĩ xa hơn: chúng ta muốn gì cho tương lai? Chắc chắn không phải là một môi trường u tối.
Nhóm PV Thời Sự tường thuật trên báo "Người Lao Động," mục "Đô Thị Hôm Nay," đăng ngày 4 tháng 5, 2010.
(NLĐ) - Gần một tháng qua, trên địa bàn các tỉnh Tiền Giang, Long An, TP Cần Thơ... cả người dân lẫn doanh nghiệp đều mệt mỏi với tình trạng cúp điện dày đặc. Cứ 2, 3 ngày thì có một ngày bị cắt điện từ sáng đến tận 22 giờ.
Học sinh ngủ... ngồi
Sáng 3-5, nhiều hộ dân và doanh nghiệp nằm trên các tuyến đường Trần Hưng Đạo, Ấp Bắc, Đống Đa, Tết Mậu Thân, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang bị cúp điện từ 8 giờ đến 22 giờ.
Anh Nguyễn Văn Thanh, chủ một cơ sở hàn tiện trên đường Trần Hưng Đạo, phàn nàn: “Xưởng có 4 công nhân, mỗi ngày phải trả lương 400.000 đồng, vậy mà cứ hai ngày thì bị cúp điện một ngày”.
Theo anh Thanh, không chỉ thợ ngưng làm việc, xưởng thường xuyên bị khách hàng bỏ đi vì không thể chờ đợi. Còn bà Huỳnh Thị Thắm ngụ đường Ấp Bắc cho biết gia đình bà có ba người cháu là học sinh ngành điện cúp từ sáng đến khuya là không hợp lý vì ảnh hưởng đến việc học của học sinh.
Nhiều giáo viên bán trú của một số trường ở TP Mỹ Tho than thở: Học sinh bán trú trong những ngày bị cúp điện phải ngủ... ngồi vào buổi trưa.
“Cứ ba ngày, trường bị cúp điện một ngày từ sáng đến tối, trời oi bức nên các em không ngủ trưa được cứ ngồi cầm quạt. Thỉnh thoảng, nhiều em buồn ngủ quá nên ngủ gục luôn nhưng nằm xuống thì mồ hôi túa ra, lại phải... ngồi dậy!”- một giáo viên trường Tiểu học Nguyễn Trãi cho biết.
Long An, Cần Thơ: Dân cũng kêu trời
Không chỉ ở Tiền Giang, các địa phương khác như Long An, Cần Thơ... người dân cũng bức xúc không kém về tình trạng cúp điện. Ông Nguyễn Văn Bảo (ngụ phường 2, TP Tân An, tỉnh Long An) cho biết ngành điện thông báo mỗi tuần có 2 ngày cúp điện.
Nhưng thực tế thì điện cúp vô chừng, không theo lịch, không theo giờ giấc, lúc thì cúp 2, 3 giờ; lúc thì cả ngày, thậm chí có lúc gần đến nửa đêm mới có điện.
Bởi vậy, người dân phải mua quạt tay, đèn cầy để đối phó sức nóng của mùa khô, sự thiếu ánh sáng vào ban đêm. Cúp điện không đúng lịch, mở điện không đúng giờ đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc sản xuất ở các khu công nghiệp.
Theo ông Trịnh Hải Sơn, chủ đầu tư cụm công nghiệp Hải Sơn (xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa), khi vào cao điểm mùa khô, ngành điện thông báo cúp điện mỗi tuần 2 ngày, từ 5 giờ đến 17 giờ, nhưng thực tế số ngày cúp, giờ cúp nhiều hơn thông báo.
Nắng nóng, cúp điện liên tục khiến nhiều người dân ở TP Cần Thơ phải tìm đến các công viên, siêu thị, nhà sách... để “lánh nạn”. Vợ chồng anh Nguyễn Minh Hải, công nhân KCN Trà Nóc (quận Bình Thủy), có 2 con nhỏ ở trong căn phòng trọ chật hẹp, than: “Trời nóng, mở quạt suốt đêm mà người lớn còn không ngủ được vì mồ hôi chảy ướt cả giường chiếu.Có những đêm cúp điện, 2 đứa nhỏ chịu không nổi cứ khóc hoài. Sợ ảnh hưởng những người xung quanh nên đành mở hết cửa cho đỡ nóng, rồi thức suốt đêm!”
Hơn một tháng nay, DNTN Ánh Sáng ở huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang luôn gặp khó khăn khi bị cúp điện liên tục, gây thiệt hại lớn. Là doanh nghiệp chuyên sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu nên cần lượng điện lớn để sơn tĩnh điện, hàn khung sắt...
Hiện tại, máy phát điện của doanh nghiệp chỉ làm nhiệm vụ phát sáng nên các công đoạn khác cần tiêu thụ điện lớn phải bị đình trệ. Bà Ngô Thị Mỹ Ngọc, giám đốc doanh nghiệp, cho biết đơn vị tạo việc làm cho 70 lao động tại chỗ và hơn 1.000 lao động nhàn rỗi tại các địa phương khác, việc mất điện không chỉ ảnh hưởng tới đơn vị mà còn cả với người lao động.