Monday, April 05, 2010

Môi Trường Quanh Ta: Hãy cứu sông Cửu Long

Bún Măng Chay
Ảnh đăng trên trang Nhà hàng chay Sân Mây

Trắc nghiệm nhỏ:
Ta ăn chay để: 1. tiết kiệm tài nguyên của Trái Đất, 2. giảm khí thải, thân thiện với môi trường, 3. ngưng sát sinh, tạo nhân lành, 4. giảm bệnh tật lây lan từ thịt động vật, 5. cứu vãn tai ương trên Địa Cầu, 6. tất cả điều trên.

Theo kinh nghiệm của bạn, ăn chay còn lợi ích gì nữa không?

Nếu thích, bạn có thể thử món:
Bún Măng Chay, công thức hướng dẫn được đăng trên trang Nhà hàng chay Sân Mây.

Ăn chay có lợi ích cho một môi trường đang gặp vấn nạn, nhất là ở Việt Nam. Trích đoạn bài viết của Thái Bình trên Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn Online, đăng ngày 5/4/2010, tựa "Làm thế nào cứu sông Mê-kông?"

Trong vụ hạn hán lịch sử hiện nay, khi mực nước sông Mê-kông xuống thấp nhất trong 50 năm qua, gây thiệt hại nặng nề về nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, giao thông vận tải và du lịch của toàn vùng – mọi lời chỉ trích đều nhắm tới Trung Quốc – quốc gia đã đơn phương xây dựng hàng chục đập thủy điện khổng lồ trên sông Lan Thương, tức sông Mê-kông đoạn chảy qua Trung Quốc. Mặc dù MRC nhiều lần khẳng định nước sông Mê-kông giảm là do “nguyên nhân tự nhiên” là tình trạng hạn hán nghiêm trọng từ miền Nam Trung Quốc, qua Lào xuống miền Bắc Thái Lan và Campuchia, mặc dù Trung Quốc loan báo có hơn 24 triệu người dân vùng Vân Nam thiếu nước ngọt do hạn hán và hàng triệu hécta đất canh tác phải bỏ hoang vì thiếu nước, các nhà hoạt động môi trường, các tổ chức dân sự vẫn không ngừng tố cáo các công trình thủy điện của Trung Quốc.

Có thể Trung Quốc khi xây đập trên sông Mê-kông chỉ mưu lợi cho bản thân mình, bất chấp hậu quả gây ra cho người dân vùng hạ nguồn. Nhưng chính các nước hạ nguồn cũng có cách hành xử tương tự: chỉ nghĩ tới quyền lợi riêng mà không quan tâm tới lợi ích của toàn khu vực. Ví dụ, hiện nay hàng chục con đập mới đang được xây dựng ở Thái Lan, Lào, Campuchia, hoặc trên dòng chính sông Mê-kông hoặc trên các chi lưu của nó. Cơ quan nào sẽ giám sát các dự án này? Các nước, các cộng đồng ven sông có được hỏi ý kiến về các dự án này hay không? 

Mặc dù xây đập ngăn nước sông để là thủy điện bị coi là việc làm lỗi thời, lợi bất cập hại, các nước ven sông Mê-kông vẫn đang chạy đua thực hiện các dự án này mà không xem xét kỹ hậu quả lâu dài của chúng đối với con người và hệ sinh thái của dòng sông.

Là nước nằm ở cuối nguồn, Việt Nam phải gánh chịu mọi tai họa gây ra từ những chính sách và hành vi sai lầm của các nước phía thượng nguồn, chưa kể tới tình trạng nước biển dâng do biến đổi khí hậu toàn cầu có thể gây ngập mặn nhiều vùng rộng lớn.

Nguồn nước sông – dù là các con sông nội địa trong phạm vi lãnh thổ một nước hay con sông quốc tế như sông Mê-kông – phải được quản lý theo lưu vực chứ không thể theo biên giới hành chính. Để quản lý nguồn nước sông Mê-kông cần có sự hợp tác toàn diện giữa các nước hạ nguồn và thượng nguồn, từ đó giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay và ngăn ngừa những vụ khủng hoảng tương lai, cho dù đó là hạn hán hay lũ lụt. 

Định chế phù hợp nhất cho khung hợp tác đó chính là Ủy ban sông Mê-kông. MRC phải được mở rộng và gia tăng quyền hạn lên cả 6 nước mà con sông chảy qua chứ không chỉ 4 nước hạ nguồn như hiện nay. Ngoài sự hợp tác, cần có sự minh bạch trong mọi chính sách và chương trình liên quan tới dòng sông. Lời nói đãi bôi chẳng giải quyết được gì.

Hội nghị thượng đỉnh sông Mê-kông tại Hua Hin sắp tới hy vọng sẽ đưa ra được một tuyên bố chung, phản ánh quan điểm chung của các nhà lãnh đạo khu vực, phản ánh nguyện vọng của các cộng đồng ven sông từ thượng nguồn tới hạ nguồn, cũng như dũng cảm đưa ra những cam kết dài hạn nhằm bảo đảm rằng mọi kế hoạch kinh tế sẽ không gây hại cho sức khỏe của dòng sông.

Và cũng để cho dòng Mê-kông tiếp tục chảy xuôi từ cao nguyên Tây Tạng tới Thái Bình Dương trong hàng nghìn, hàng vạn năm nữa.



http://www.thesaigontimes.vn/Home/thegioi/ghinhan/32221/