Thursday, March 18, 2010

Vì Sao Ăn Chay: Muốn có Địa Cầu xanh, hãy ăn chay


Hãy dọn sạch thế giới từ trong ra ngoài! 
Hãy ăn chay, sống xanh!

Thế giới chúng ta đang cần thêm những người ăn chay để giúp một hành tinh héo khô, tàn úa được trở nên xanh tươi, trong lành trở lại. 
Hãy làm một người hùng của thiên niên kỷ: Ăn chay để cứu cả một tinh cầu!
Hãy để cho loài vật còn sống để nhân loại được sống còn.
 

Và sau đây là trích đoạn bài tường thuật của phóng viên RFA Quỳnh Như, "Ăn chay góp phần xây dựng hành tinh xanh," đăng cách đây chưa đầy 3 tháng, tài liệu quan trọng về sự liên hệ giữa ăn thịt động vật và ô nhiễm môi trường, cùng giải pháp ăn chay, vẫn còn chính xác. Mời bạn tham khảo.

Ăn chay góp phần xây dựng hành tinh xanh ~ Phóng viên RFA Quỳnh Như (31/12/2009)

Truyền thống ăn chay xuất phát từ Ấn Độ với mục đích tránh sát sinh, đồng thời thực hiện, nuôi dưỡng và cổ vũ cho đức từ ái của con người. Ngày nay, ăn chay đã dần trở nên phổ biến đối với tất cả mọi người.

Nguyên nhân ô nhiễm

Ngày nay, ăn chay không còn giới hạn trong lãnh vực tâm linh, mà còn để bảo vệ sức khỏe cũng như môi trường sống, và đã được khoa học xác nhận.

Từ vài thập niên qua, tình trạng trái đất ngày một ấm hơn, kéo theo một loạt biến đổi khí hậu và khiến việc bảo vệ môi trường trở thành mối quan tâm của cả nhân loại.

Phải nói ngay rằng ăn chay là một thói quen tốt cần duy trì, phát huy và nhân rộng trong tình trạng khí hậu trái đất đang nóng dần lên do sự phát thải khí nhà kính quá nhiều. Bên cạnh đó, việc chuyển chế độ dinh dưỡng từ ăn thịt động vật sang ăn thực vật, theo các nhà khoa học là hoàn toàn phù hợp với cấu trúc cơ thể của con người.

Ngành chăn nuôi súc vật để lấy thịt dùng cho bữa ăn đang phát triển với tốc độ phi mã, nhất là ở những nước đang phát triển. Lượng thịt sản xuất trên thế giới tăng lên rất nhanh trong những năm cuối của thế kỷ 20. Mỗi năm người ta giết mổ khoảng 60 tỉ gia súc để lấy thịt.

Từ năm 1950 đến năm 2000, lượng thịt sản xuất trên thế giới đã tăng từ 45 triệu tấn lên 233 triệu tấn, tức là khoảng 5 lần trong khi dân số trên thế giới chỉ tăng gấp đôi. Lượng thịt tiêu thụ hàng năm tính theo đầu người ở các nước đang phát triển tăng lên từ 14 đến 28 kg giữa các năm 1980 và 2002, con số tương ứng ở các nước phát triển là 73kg và 78kg.

Ngành chăn nuôi gia súc để lấy thịt không những tạo ra những lượng khí nhà kính khổng lồ, gây biến đổi khí hậu, mà còn là một nguồn quan trọng gây ô nhiễm môi trường.

Những chất khí như mêtan, amoniac… bay ra từ chất thải và phân súc vật gây ô nhiễm không khí trầm trọng chung quanh các trại chăn nuôi lớn. Những chất thải ra từ các trại chăn nuôi vào các nguồn nước có thể là ni-tơ -dưới dạng amoniac- gây ô nhiễm nguồn nước.
Ngoài ra, ammoniac trong không khí sẽ gây ra những trận mưa axit rất nguy hiểm. Nitrát là một chất có hại cho sức khỏe con người, nhất là trẻ em, nếu uống nước có lẫn các nitrat. Phốtpho có trong phân súc vật thải vào các nguồn nước cũng là một chất gây ô nhiễm, tuy không độc như ni-tơ.

Trong một tài liệu của Tổ chức Lương Nông quốc tế năm 2004, người ta đã xác định lượng nitơ và phốt pho chảy vào biển Đông từ Việt Nam, Thái Lan và tỉnh Quảng Đông của Trung quốc có nguồn gốc từ công nghệ chăn nuôi heo.

Các loại vi sinh vật và ký sinh trùng thải ra từ phân, rác chăn nuôi cũng là một hiểm họa lớn cho sức khỏe con người. Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi còn thải vào các nguồn nước uống những kháng sinh, hoóc môn tăng trọng đã được đưa vào thức ăn gia súc. 

Chăn nuôi và hậu quả

Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Hưng, Chủ tịch Hội Dinh Dưỡng Thực Phẩm Thành phố Hồ Chí Minh nói:

“Hóa chất bảo vệ thực vật ở trong người chúng ta đa số có nguồn gốc từ động vật chứ không phải từ thực vật. Lý do là vì động vật ăn thực vật, thì phải ăn khoảng một chục ký thực vật mới có thể cho một ký thịt, nên chúng tích lũy những chất độc bên trong thịt của chúng, mà trong thức ăn của động vật, thì hoá chất còn nặng hơn thức ăn cho người. Các loại rau quả trồng cho động vật người ta phun xịt các loại hóa chất vô tội vạ. Mà chưa kể các chất này được tích lũy bên trong thịt chúng ta không rửa được, còn đối với những loại rau, củ, quả coi vậy như chứ thường là chúng nằm trên bề mặt nên chúng ta có thể ngâm rửa hoặc gọt vỏ đi thì có thể loại trừ các hoá chất được.

Cho nên, nhiều khi bà con rất lo những loại hóa chất trên thực vật nhưng chính động vật lại là nguồn nguy hiểm hơn. Theo tài liệu thì đến 90% gia súc ở Mỹ người ta có sử dụng hormon tăng trưởng trong khi chăn nuôi chúng.”  

Ngoài các tác động đến môi trường của những phân, rác trong chăn nuôi thì các khâu giết mổ, thuộc da …cũng đều gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Các kim loại nặng do súc vật thải ra sau khi ăn các thực phẩm có trộn thuốc chữa bệnh hay thuốc tăng trọng cũng có hại cho sức khỏe con người.

Việc sử dụng nguồn tài nguyên nước của ngành chăn nuôi là một tác động lớn đến môi trường, đặc biệt quan trọng ở các vùng khô cằn, thiếu nước. Ngành chăn nuôi cần rất nhiều nước, sử dụng 80% lượng nước do con người khai thác không những để cho súc vật uống, mà còn trong việc trồng cây thực phẩm cho súc vật.

Ngành chăn nuôi cũng chiếm giữ rất nhiều diện tích đất để làm các đồng cỏ và để trồng các cây thực phẩm cho súc vật. Khoảng 70% rừng vùng Amazon đã bị phá để dùng cho chăn nuôi. Đất làm đồng cỏ chiếm đến 26% diện tích đất trên thế giới không bị băng tuyết bao phủ, đất trồng thức ăn chăn nuôi chiếm 33% đất trồng trọt được trên thế giới.

Ngoài việc gây ô nhiễm môi trường, hoạt động của ngành chăn nuôi còn góp phần vào việc làm biến đổi khí hậu khi tạo ra nhiều khí thải gây hiệu ứng nhà kính, làm trái đất ấm lên.

Chăn nuôi tạo ra nhiều khí thải nhà kính trong rất nhiều khâu, từ việc phá rừng để dành đất trồng trọt các thức ăn cho gia súc, sản xuất phân đạm, sử dụng nhiên liệu trong các máy nông nghiệp, v.v… Các gia súc thuộc loài nhai lại còn phát ra khí mê tan qua việc tiêu hoá trong ruột của chúng và phân súc vật nếu không được ủ kín sẽ cho thoát khí mêtan và oxit nitrơ ra không trung.

Hiện nay, ngành nông nghiệp tạo ra 22% khí thải nhà kính trong lượng khí thải tổng cộng phát tán ra không trung. Trong số đó, chăn nuôi đóng góp đến 80%, nghĩa là ngành chăn nuôi tạo ra 18% tổng lượng khí thải nhà kính.

Năm 2007, một nhà nghiên cứu người Nhật đã tính rằng để có được 1 kg thịt bò người ta đã cho thoát ra không trung 36,4 kg khí CO2 tức là tương đương với việc lái xe liên tục trong 3 tiếng đồng hồ, hay quên tắt đèn trong nhà cũng tương đương với việc thắp một bóng đèn 100 watt trong 20 ngày. Khí thải nhà kính có nguồn gốc từ ngành chăn nuôi còn nhiều hơn khí thải nhà kính có nguồn gốc từ mọi phương tiện giao thông trên thế giới chỉ là 14%.

Ăn chay bảo vệ môi trường?

Ngành chăn nuôi là một trong những nguồn phát ra lượng khí thải CO2 cao, nên muốn giảm lượng khí thải này thì một biện pháp hữu hiệu là giảm số lượng súc vật chăn nuôi và giảm lượng thịt tiêu thụ trong các bữa ăn, và như thế có nghĩa là nên ăn chay.

Tại thành phố Ghent /Gand/ ở Bỉ, chiến dịch ăn chay đang được triển khai rầm rộ nhằm khuyến khích người dân mỗi tuần ăn chay một ngày để bảo vệ môi trường và chống lại hiện tượng biến đổi khí hậu. Đây là thành phố đầu tiên ở châu Âu và có lẽ là thành phố đầu tiên trên thế giới có cách làm mới này.  

Thành phố Ghent lâu nay nổi tiếng thân thiện với môi trường vì đã có nhiều hành động bảo vệ môi trường như đặt tuốc bin gió ở ngoại ô và khuyến khích đi xe đạp. Và nay, thêm một hành động nữa - Thứ năm hàng tuần sẽ là ngày không ăn thịt, hoặc ngày “Ăn chay”. 

Ông Tom Balthazar, Phó Thị trưởng thành phố này cho biết: “Có 5 lý do khiến chúng tôi đưa ra chiến dịch này, trong đó quan trọng nhất là vì môi trường. Thực tế cho thấy, ngành công nghiệp sản xuất thịt qui mô lớn có ảnh hưởng rất tiêu cực tới môi trường, ngành này thải ra 18% khí thải gây hiệu ứng nhà kính, và chúng ta cần khắc phục điều này vì tương lai”. 

Ông Balthazar cũng cho rằng: “Ăn chay sẽ giúp tiết kiệm nguồn nước, vì để sản xuất 1 kg thịt tốn rất nhiều nước. Ngoài ra, ăn ít thịt cũng sẽ rất tốt cho sức khoẻ vì giảm nguy cơ bị bệnh tim, tiểu đường và béo phì.  Tuy nhiên, việc ăn chay là tự nguyện chứ không bắt buộc.”

Người dân của thành phố có 240 ngàn dân này cũng đã tích cực hưởng ứng chiến dịch ăn chay.  

Các chuyên gia dinh dưỡng khẳng định một chế độ ăn chay cũng có thể cung cấp đầy đủ các dưỡng chất cần thiết lấy từ nguồn thực vật đáp ứng đủ nhu cầu về dinh dưỡng cho mọi lứa tuổi. Qua khảo sát, người ăn nhiều thức ăn có nguồn gốc thực vật hơn trong bữa ăn sẽ có tỉ lệ mắc các bệnh như tim mạch, ung thư, cao huyết áp… thấp hơn người ăn nhiều thịt động vật.

http://www.rfa.org/vietnamese/programs/LifeAndHealth/Vegetarian-regime-helps-save-our-planet-QNhu%20%20-12312009085135.html