Wednesday, February 10, 2010

Sức Khỏe Của Bạn: Báo động vệ sinh an toàn thực phẩm dịp Tết (Quỳnh Như)

Hạt dưa có thể có phẩm màu độc hại (Photo: vn-beauty.com)
Dù nước ta đã có bao ngàn năm văn hiến, nhưng ngày nay trên thực tế, trình độ ý thức về vệ sinh thực phẩm ta cần nên cải thiện. Để giữ gìn sức khỏe cho công chúng, trách nhiệm và lương tâm phải đứng đầu. Khi người Việt Nam chúng ta biết thực hành theo câu nói của tổ tiên "Thương người như thể thương thân," thì nước ta sẽ sạch, dân ta sẽ khỏe, văn hóa cũng nâng cao. Nếu cá nhân có lương tâm thì tiêu chuẩn vệ sinh sẽ từ đó tự động phát xuất, không cần ai nhắc nhở hay phạt vạ. Mời bạn đọc "Báo động vệ sinh an toàn thực phẩm dịp Tết," trích đoạn bài viết của phóng viên RFA Quỳnh Như, ngày 5 tháng 2, 2010.

Theo thống kê của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm thuộc Bộ Y Tế, trong năm 2009 đã xảy ra gần 150 vụ ngộ độc an toàn vệ sinh thực phẩm với hơn 5.000 người bị ngộ độc và 33 người tử vong.   

Nhận định về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, ông Nguyễn Văn Sơn, thuộc Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người Tiêu dùng Việt Nam cho biết: “Do lợi nhuận mang lại cho các nhà sản xuất, các nhà cung ứng rất lớn, cho nên người ta có thể lợi dụng chuyện các cơ quan quản lý nhà nước chưa quán xuyến được hết toàn bộ, để họ thực hiện những hành vi xấu. Để mang lại hiệu quả thì tôi nghĩ rằng toàn bộ hệ thống phải vào cuộc mạnh mẽ hơn, chế tài xử phạt phải mạnh mẽ hơn, nhận thức của người tiêu dùng phải được nâng cao.”

Nếu như trước đây, những vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm chỉ dừng lại ở các vi phạm như quy trình sản xuất không đảm bảo, sử dụng các hóa chất cấm, hoặc nồng độ một số hóa chất vượt ngưỡng cho phép như: hàn the, phẩm màu công nghiệp, chất formal trong bánh phở, urê để tẩy ướp thủy-hải sản, chất 3-MCPD trong nước tương ... thì gần đây, các đoàn kiểm tra phát hiện thêm nhiều kiểu vi phạm với những hành vi tinh vi hơn, nhất là vào dịp tết.

Nhiều hóa chất độc hại

Tháng trước, Thanh tra Sở Y tế Thành phố HCM đã phát hiện các cơ sở sản xuất lạp xưởng sử dụng hóa chất trôi nổi; các lò làm mứt dùng nguyên liệu sản xuất đầy mốc, dòi.

Điển hình là vụ kiểm tra cơ sở mứt Tết Như Ý tại quận Bình Tân hồi đầu năm cho thấy, gần 300 thùng nguyên liệu chế biến mứt nổi đầy dòi, ấu trùng đang được ngâm để chế biến mứt thành phẩm rồi đưa ra tiêu thụ. Điều đáng nói đây là một vựa mứt hoạt động có thâm niên, tên tuổi trên địa bàn Thành phố, và đã được cấp giấy chứng nhận hội đủ điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tại Hà Nội, tình trạng an toàn vệ sinh thực phẩm cũng đang ở mức báo động đỏ. Cách đây hơn một tháng, Công an Hà Nội đã bắt và tịch thu trên 25 tấn mỡ động vật dơ bẩn đã bốc mùi hôi được chở từ một cơ sở tại Cát Quế, Huyện Hoài Đức để đưa vào Nam tiêu thụ.
Hết bán mỡ thối lại đến chuyện cả 100 kg lòng heo đã thối rữa được đưa từ Hà Nội lên Lào Cai, qua biên giới Trung Quốc để tẩm các hóa chất rồi đưa trở về Việt Nam tiêu thụ.

Chuyện dùng axít clohydric, một chất khí độc hại để tẩy trứng gà Trung Quốc thành trứng gà ta với số lượng lớn của một số hộ gia đình tại làng Đông Ngàn Huyện Đông Anh. Rồi đến đường, đường lậu không rõ nguồn gốc xuất xứ, vẫn "sống" cùng đường sạch. Bà Phạm Thị Sum - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần  Đường Biên Hòa - Đồng Nai bức xúc nói với phóng viên trong nước: “Do dân mình thích đường vàng vì cho là ngọt, thơm, nhiều người bán đã mua đường kém chất lượng, đường lậu, rồi dùng bình xịt giống như bình phun thuốc, xịt hóa chất vào để cho ra màu đường vàng, đẹp, đánh lừa người tiêu dùng!"

Tình trạng thực phẩm không đạt tiêu chuẩn vệ sinh, không đảm bảo an toàn gây ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng vẫn được bày bán trên thị trường từ các cửa hàng, chợ búa, đến các trường học là một trong những điều người khiến dân bức xúc. Bà Phạm Thị Nhị ở Biên Hoà cho biết: “Qua nhiều phương tiện thông tin đại chúng, người ta biết rằng trái cây Trung quốc có tẩm chất bảo quản; ăn vô có thể bị những bệnh ung thư nên người ta rất sợ. Và người ta cũng có cách để phân biệt ví dụ như những trái quít, trái cam Trung quốc bề ngoài trông rất tươi ngon nhưng khi cắt ra ăn thì bên trong thấy có mùi như bị để lâu. Hoặc như những trái lê, trái bôm để cả tháng trời trong nhà vẫn không hư nhưng khi bổ ra thì thấy chúng đã bị hư từ trong ruột.” 

Phát hiện tới đâu, phòng tránh tới đó

Thật vậy, chưa khi nào người dân Việt Nam phải đương đầu với nhiều loại thực phẩm bất an như hiện nay. Cái “bẩn” của thực phẩm hầu như không chỉ giới hạn ở việc có thể sinh ra bệnh tiêu chảy, hay đau bụng nữa mà đã có người cho rằng tình trạng bệnh ung thư gia tăng cũng liên quan đến thực phẩm bẩn, thực phẩm nhiễm hóa chất.  

Hạt dưa có chứa thành phần hóa chất Rhodamine B vừa được phát hiện tại Đà Nẵng hồi tháng qua. Rồi đến Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Thừa Thiên-Huế lại phát hiện ớt bột cũng có chất này. Rhodamine B là một loại phẩm màu công nghiệp phát quang dùng trong y học để chẩn đoán virus, vi khuẩn và môt số xét nghiệm sinh hóa. Hóa chất này còn được dùng để nhuộm quần áo. Tích tụ lâu ngày trong cơ thể, Rhodamine B có thể gây tổn thương gan, thận, lâu dần gây ung thư.

Ấy là chưa kể còn những chất phụ gia, phẩm màu khác nằm ngoài danh mục được phép sử dụng cũng được tìm thấy trong thành phần chế biến thực phẩm.

Về thực phẩm nhập khẩu, hiện nay rất đa dạng và nhiều chủng loại. Nhiều mặt hàng có nguy cơ bị ô nhiễm, gây ngộ độc cao. Người ta đã phát hiện hạt trân châu trong trà sữa của Trung Quốc được làm từ Polymer, hay quả sấy khô nhập từ nước ngoài như: ô mai, xí muội, mứt, bị nhiễm chì.    

Thống kê được đưa ra trong Hội nghị khoa học An toàn vệ sinh thực phẩm lần thứ 5 tổ chức tại Hà Nội cuối năm 2009 cho thấy: có tới 56% các mẫu thực phẩm được xét nghiệm bị nhiễm vi sinh vật và nhiều loại thực phẩm bị nhiễm chất hóa học, chất kích thích tăng trưởng, chất hỗ trợ chế biến, chất chống oxy hóa ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người. Các chuyên gia tham dự Hội nghị này đều có cùng chung nhận định, ngày càng có nhiều loại thực phẩm bị nhiễm hóa chất và chất kích thích.

Những vụ việc liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm mà báo chí phanh phui khiến chúng ta không khỏi giật mình. Người dân đã dùng những thực phẩm không an toàn như thế từ lâu, nhưng chỉ khi nào chúng bị phát hiện thì người tiêu dùng mới biết mà phòng tránh. 


http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/red-alert-for-food-safety-in-viet-nam-QNhu%20-02052010202533.html