Trích đoạn bài viết của Lê Thiết Hùng với tựa đề “Rừng già và cây non” trên BáoMới.com, ngày 18/2/2010. Bạn ơi, hãy nhớ giữ những cánh rừng thương.
Rừng giữ đất quê hương!
Thông điệp giản dị, nhẹ nhàng nhưng hàm xúc da diết ấy, oái oăm thay, lại không đủ thẩm thấu, lay tỉnh, điều chỉnh hành vi của nhiều cá nhân vẫn được coi là “lâm tặc”. Đâu đó trên vùng núi phía Bắc hay dải đất Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, ngày lại ngày vẫn có những kẻ lì lợm, liều lĩnh vác cưa, vác rựa vào rừng! Bao thân gỗ táu, gỗ lim, gỗ đinh, gỗ lát, kháo lông, ngăm vàng, trâm đen, kè đá… từng hiên ngang trước gió bão đầu mùa, lại gục ngã oan uổng dưới đường cưa, lưỡi dao bén lạnh vô lương. Những vồng rễ cọc, rễ chùm len lỏi, thêu dệt, bám sâu vào lòng đất - để thấm nước, chặn cản, hạn chế sự hung dữ bản năng của cơn lũ đầu nguồn - đã mất dần “thiên chức” khi những thân cây cường tráng, già đanh cứ từng bước lìa trần!
Những khúc đau nghiệt ngã nhiều năm gần đây, đặc biệt là hai trận thủy tai kinh hoàng trong năm 2009 càng làm cho chúng ta thêm ngẫm ngợi: Rừng đã không thể giữ bình yên cho làng bản, ruộng đồng, hoa trái… bởi chính con người đã tàn sát những cánh rừng. Đáng giận thay, ngoài số đông “lâm tặc” mu muội vì bát cơm manh áo, lại có cả những “lâm tặc” bảnh bao, no đủ trên chiếc ghế công quyền… Cũng chưa lâu, đã từng có chuyện cả một trảng rừng già với bao thân cây vươn cao tăm tắp, vậy mà chỉ sau một “nét ký đen” đã biến thành cánh rừng lá thấp, ít lâu sau thành những quả đồi trọc lốc!
Một minh chứng xót xa do Cục Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cung cấp, trong năm 2009, ngành Kiểm lâm đã phát hiện 4.676 vụ phá rừng trái pháp luật. Tuy đã được coi là giảm 33,3% về số vụ so với năm 2008, nhưng vẫn có tới hơn 2.000ha rừng bị tàn phá. Các lực lượng chức năng cũng đã tịch thu gần 52.000 mét khối gỗ các loại, tăng 18% so với năm 2008. Cần nói rằng đó chỉ là số gỗ thu giữ được, chắc chắn còn cả nghìn mét khối gỗ nữa, cả vạn cá thể cây đã chết gục dưới lưỡi hái của… lâm tặc! Hành vi khai thác gỗ trái pháp luật diễn ra hầu khắp ở các địa phương còn nhiều rừng tự nhiên, nơi có nhiều loại gỗ giá trị thương mại cao, nhất là khu vực thuận lợi về giao thông đường bộ, đường sông. Điểm “nóng” về tình trạng khai thác gỗ, lâm sản trái pháp luật hiện nay vẫn là tại các tỉnh Lâm Đồng, Quảng Nam, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kon Tum, trong đó có cả hai vườn quốc gia Cát Tiên và Yok Dôn.
Có lạ không, khi hai cơn bão số 9 và số 11 kết hợp cùng mưa lũ đã chà đi, xát lại khu vực miền Trung và Tây Nguyên năm ngoái, làm hàng trăm người thiệt mạng, hàng nghìn héc-ta đất biến thành sa mạc… thì chính tại khu vực này luôn dẫn đầu cả nước về tình trạng phá rừng!
Thế nhưng thật may, đã có những “cánh rừng trẻ” từng bước được trồng mới, hồi sinh, thay thế. Ít ai ngờ, đất rừng Quảng Trị từng cháy xém bởi đạn bom, cả vạn héc-ta rừng trở thành đất trống đồi trọc, vậy mà giờ đây, hầu hết diện tích nơi này cây đã xanh trở lại. Sự kỳ diệu trong công cuộc “hồi sinh cây lá” ấy có đóng góp của những con người, những doanh nghiệp, trong đó phải kể đến Công ty Lâm nghiệp Bến Hải (đơn vị Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới). Bao nhiêu năm nay, cán bộ, công nhân viên công ty cần mẫn trồng cây, gây rừng. Tổng giám đốc công ty Hà Sỹ Đồng từng tâm sự: Để có màu xanh, nhiều người lao động nơi đây đã phải đổ cả máu - hậu quả do bom mìn tồn sót lại... Giờ đây, ngoài lực lượng lao động thuộc doanh nghiệp quản lý, công ty còn thu hút thêm từ 500 đến 600 lao động địa phương, tạo việc làm, thu nhập ổn định. Bài học sâu sắc đã được rút ra: Không lực lượng nào có thể giữ rừng hiệu quả bằng chính người dân. Muốn dân giữ rừng phải bảo đảm sinh kế cho họ.
Đó chính là một điểm sáng trong nhiều điểm sáng biết khoanh nuôi, khôi phục, bảo vệ rừng, để cho nước Việt xanh hơn với 212.000 héc-ta rừng được trồng mới trong năm 2009 vừa qua, tăng gần 6% so với năm trước.
Rừng già bao giờ cũng được hình thành, khởi mạch từ những cá thể cây non. Tết trồng cây cũng là dịp để mỗi vùng quê đất nước có thêm nhiều dáng cây non, có thêm những thảm rừng tươi mới, sum suê. Mong cho mỗi người hãy vun trồng, giữ gìn, chăm sóc những chồi non, lộc biếc hôm nay, để cho thế hệ mai sau lại được mát xanh, yên bình dưới tán lá rừng già.
(Nguồn: http://www.baomoi.com/Info/Rung-gia-va-cay-non/141/3877016.epi)