Vào thập niên 1950, tại miền Nam xuất hiện một hệ phái, hình thức gồm đắp y vàng, ôm bình bát đi khất thực. Hàng ngày các vị khất sĩ chỉ dùng bữa trưa, để dành thời gian học hỏi và tu hành. Lối tu này phát triển dần dần thành hệ phái Phật giáo Khất sĩ Việt Nam ngày nay.
Vị Giáo chủ khai sáng ra hệ phái này là một Tăng sĩ trẻ, pháp danh là Minh Đăng Quang. Ngài tên là Nguyễn Thành Đạt, sinh năm 1923 tại Vĩnh Long. Năm 15 tuổi, Ngài xuất gia tầm đạo, đi chu du khắp nơi cùng chốn, dốc lòng tìm hiểu kinh tạng Phật giáo. Năm 1941, Ngài trở về Việt Nam. Lần này, Ngài lên vùng núi Thất Sơn, ẩn tu tròn một năm. Ban ngày vào xóm khất thực, ban đêm vào rừng tọa thiền, khát khao được thành chánh quả để cứu giúp nhân sinh.
Trong thời gian này, qua sự nghiên cứu và thực nghiệm, Ngài đã dung hợp tinh túy của hai hệ phái Phật giáo Bắc Tông và Phật giáo Nam Tông của Ấn Độ, và lập nên một phái Khất Sĩ mang bản sắc riêng của Việt Nam. Sau khi rời Thất Sơn, Ngài đến Hà Tiên an trú thiền định 7 ngày đêm và chính nơi đây Ngài đã đắc Pháp thấu đạt được chơn lý giải thoát. Từ đó Ngài lên đường giáo hóa theo hạnh “Một bát cơm ngàn nhà”…
Hệ Phái Tăng Già Khất Sĩ Bộ Chơn Lý - Ăn Chay
Tổ sư Minh Đăng Quang
Vẫn hay rằng: Miếng ăn là chủ mạng sống, nhưng nếu kẻ nào bị nó bao phủ trọn đời ra không khỏi, thì có khác nào bị nhốt trói hành phạt trong địa ngục, cất đầu lên sao được! Miếng ăn vật chất là bà mẹ hiền của chúng sanh, mà cũng là nấm mộ chôn chúng sanh. Cho nên miếng ăn, biết dùng nó thì cứu được mạng, mà không biết dùng, thì nó sẽ giết hại cả thân tâm ta về sau.
Một bữa ăn mà có nhiều món đủ vị gọi là sự ăn kiểu cách tìm ngon. Cách ăn ấy trong tâm chưa được trong sạch yên lặng đặng. Chay lạt đạm bạc thô sơ, nghĩa là sự thờ ơ lãnh đạm với món ngon vị ngọt, là kẻ chẳng quý trọng miếng ăn, chẳng chịu cụng ly, khua chén, so đũa với người đời giữa nơi yến tiệc. Chính nhờ giữ gìn miếng ăn có giới luật đó, mà các sư được phát định huệ, dễ dàng đạt quả yên vui. Nhờ thắng được miếng ăn, mà làm trượng phu quân tử, không bị sự oán thù vay trả, thì con người mới tự chủ được.
Hơn nữa, chúng sanh, dầu là cỏ cây, muông thú, cũng đều là chúng sanh tấn hóa sau ta, là con cháu, anh em ta. Ta sanh trước đi trên, bổn phận là phải lo tế độ, chớ sao đành hại anh giết em, chẳng là sái luật đạo của bà mẹ lành chung của vũ trụ lắm ru? Cổ nhơn xưa chẳng dám khinh khi thú vật; vì mặc dầu nó mang thân thú, chớ tâm người, Trời cũng có. Và biết đâu chư Phật Thánh đang mượn thân ấy để dạy Đạo, mà ta dám coi rẻ hay sao?
Đành rằng có thân thì tránh sao cho khỏi ăn để sống. Nhưng chúng ta cũng nên nhớ đến lời dạy của Thánh hiền là: Thà chết trong sạch yên vui, hơn là sống nhơ bẩn rối khổ. Còn bằng chúng ta tham sống sợ chết, thì cũng nên lựa lấy món ăn nào ít tội ác một chút mà ăn. Trời Phật đối với cây cỏ rau trái còn cho là tội, không nỡ đoản mạng sanh linh, nên các Ngài chẳng bao giờ ngắt hái bẻ ngang. Rau trái mà Phật còn cho là tội tâm ô nhiễm, chúng ta phước báu hơn Ngài bao nhiêu mà ăn tới thịt thú như thế? Còn các nhà sư đang tu học, phải nhắm mắt mà ăn, vay của chúng sanh, vay ít nơi rau trái, loại chưa có đủ linh hồn thù oán, mà trong tâm vẫn thấy tội, cũng còn mắc nợ, ngày sau phải đi giáo hóa đền ơn. Các Ngài chẳng dám tự cao không tội, không dám ăn ngon đầy bụng thay, chúng ta lại giỏi tài gì mà ăn thịt, tập thói hung thần, ác quỷ.
Chúng ta nên nhớ chữ nhơn đạo, là lòng nhơn trước nhứt chớ giết hại người, loài thú, lần đến cây và đến cỏ, ta tập lần tánh háo sanh. Người cư sĩ phải giữ giới sát sanh thứ nhứt, nuôi thân bằng thiện nghiệp. Muốn không giặc giã thì đừng làm gương giết hại, đừng nuôi thú ăn thịt, đừng bán buôn gia súc. Muốn trường thọ sống dai, thì chớ khá hiếp đáp ai ai. Bằng phải giết cỏ rau không thể tránh, thì phải hằng xét tội lỗi răn lòng, tìm cách giảm bớt, càng được càng hay.
Thế nên trong đời mới sanh giặc, giặc là do oan trái nhiều đời, giặc giết người, cũng như người giết thú buổi xưa kia. Một buổi chợ đông biết bao sanh mạng! Một bẫy lưới biết bao chim, cá? Nhơn quả vốn không sai chạy. Vậy nên ta muốn mình sống, thì đừng làm cho ai phải chết!
Nguồn tham khảo:
www.thuvienhoasen.org/danhtang1-giaidoan4-27.htm www.hinhdongphatgiao.org/trangchu/khotangphatgiao/134-giaolykhatsi/1110-chn-ly-t-s-minh-ng-quang.html