Theo tin Hội Bảo Vệ Thiên Nhiên và Môi Trường Việt Nam
Nguồn: www.vacne.org.vn/default.aspx?newsid=1722
Theo cảnh báo của Tiến sĩ Jeremy Carew-Reid (Ngân hàng Phát triển châu Á) công bố hồi tháng 7, 2009, thì 61% diện tích của Sài Gòn sẽ chịu ngập lụt thường xuyên. Bão sẽ đổ xuống thường xuyên hơn, mạnh hơn và có đến 71% diện tích thành phố bị ngập sâu và lâu hơn.
Do nạn xâm nhập mặn, cả trong mùa ngập lụt cũng như mùa khô hạn, sẽ thiếu nước sinh hoạt, tưới và tiêu dùng. Có mặt tại hội nghị, đại sứ Đan Mạch (nước chủ nhà COP 15) Peter Lysholt Hansen sốt ruột khuyến cáo: “Việt Nam cần trình bày viễn cảnh này tại COP 15 để cộng đồng quốc tế có những kế hoạch giúp đỡ Việt Nam”.
Còn theo viễn cảnh biến đổi khí hậu và nước biển dâng “hài hòa nhất” được Bộ Tài nguyên - Môi trường công bố chiều 9-9-2009, ít nhất Sài Gòn sẽ có 10% diện tích bị ngập, đồng bằng sông Cửu Long thì đến 19%. Nếu theo ước tính cao nhất thì 23% diện tích Sài Gòn và gần 38% diện tích đồng bằng sông Cửu Long sẽ ngập trong nước.
Cho dù là “hài hòa” hay cảnh báo, 40 năm nữa ngập sẽ là cầm chắc... Bởi thế, năm ngày trước khi COP 15 khai mạc, trong khi “chủ nhà” của cuộc họp tham vấn các nhà tài trợ nước ngoài còn mải hân hoan trước con số “kỷ lục” 8 tỉ USD nợ nước ngoài được hứa cho vay (cho không chỉ một ít) thì điều phối viên các cơ quan Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam Jesper Morch lưu ý: “Việt Nam cần cân nhắc nguy cơ mực nước biển dâng lên và tác động của biến đổi khí hậu đối với bão, mưa, hạn hán và nhiệt độ có thể nghiêm trọng hơn cả trường hợp dự báo xấu nhất... để có một sự lựa chọn chính sách đối ngoại cũng như đối nội” tối ưu nhằm đối phó thảm họa đã được báo trước này.
Theo ông, Việt Nam nên quy hoạch không gian cả đô thị và nông thôn, đặc biệt là các vùng đồng bằng sông Cửu Long và Sài Gòn trên những phân tích tác động của biến đổi khí hậu để đối phó.
Ông cũng khuyến cáo từ nay khi hoạch định các kế hoạch tổng thể, nên xét trên cả phương diện tác động của biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế với lượng cacbon thấp, để từ đó hướng đến các khoản đầu tư nào vừa sử dụng năng lượng tốt hơn, vừa áp dụng các công nghệ giảm thải khí cacbon. Từ đó có thể nghĩ ngay đến công nghiệp ximăng vốn là một ngành vừa tiêu tốn năng lượng vừa “siêu” thải (đủ thứ) khí... đã thừa mứa sản lượng song vẫn còn nhiều dự án tiếp tục được triển khai.
Lĩnh vực năng lượng cũng là một ưu tư đối với điều phối viên các cơ quan Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam. Theo ông, “cần lồng ghép ngay vấn đề biến đổi khí hậu vào các kế hoạch đầu tư trong khu vực công cộng và tư nhân, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng. Các quyết định đầu tư của ngày hôm nay có thể có những tác động dài lâu đối với mức phát thải khí cacbon trong trương lai”. Có thể liên hệ đến cơn đại hồng thủy thủy điện (cả quốc doanh lẫn tư nhân) đang hằng năm đồng bộ với lũ lụt ở miền Trung, và số rừng đã được phá cùng sẽ được phá không chỉ để làm thủy điện.
Trong khi đó, chống phá rừng chính là một trong những mảng đề tài lớn của COP 15 và được nhất trí cao.
Tiếc thay, những tin tức này bị chìm lỉm trong những tin tức về những tranh cãi, bế tắc giữa các nước, cứ như thể Việt Nam sẽ chẳng hề hấn gì trước thảm họa này hay đang ở trên một hành tinh khác...