Gà tây nghệ sĩ, thông minh
Hồng Hương / Việt Nam Ăn Chay
Một điều người thành phố có lẽ ít biết là gà tây rất thích bạn bè và thích nô đùa. Gà tây rất thích được vuốt ve và có sở thích nghe nhạc, thường hát lớn theo điệu nhạc mà họ ưa chuộng. Nhà thiên nhiên học Joe Hutto từng chứng kiến loài gà tây múa, mà theo lời ông là họ đã “múa một vũ điệu rất vui tươi, bày tỏ sự hân hoan.”
Như loài người chúng ta, mỗi gà tây đều có tính tình khác nhau. Gà tây trống lớn hơn và lông có nhiều màu sắc hơn gà tây mái. Các chàng gà tây thu hút các nàng bằng miếng da quanh cổ và chùm lông ngực của mình.
Sau khi lập gia đình, gà tây rất thương con và can đảm bảo vệ con khi có kẻ khác tấn công. Khi được sống ngoài thiên nhiên, gà tây thường lo lắng, chăm sóc cho con, xây tổ, đi tìm thức ăn, tắm rửa, chải chuốt, và thích đậu trên cành cây cao thưởng thức trời trăng mây nước.
Nhiều nghiên cứu đã cho thấy gà tây khôn hơn ta tưởng.
Khoa học gia về gia cầm, tiến sĩ Tom Savage của Đại học Tiểu bang Oregon nhận xét: “Tôi luôn xem gà tây là một giống vật thông minh, có cá tánh riêng và ý thức rất cao về môi trường chung quanh.”
Tiến sĩ gia cầm học Ian Duncan, Đại học Guelph, Ontario, Gia Nã Đại khẳng định: “Gà tây rất thông minh, xuyên qua các cử chỉ trong quan hệ xã hội và nhiều cách họ liên lạc với nhau, bằng dấu hiệu cũng như âm thanh.”
Tiến sĩ Karen Davis cho biết trong lúc hiểm nguy, gà tây “chuyển lời” dây chuyền, từ một gà tây này sang gà tây khác trong đàn để báo động cho nhau. Gà tây cũng rất tình cảm; khi một gà tây bị bắn chết, cả đàn đều chạy tới bên cạnh gà tây đang hấp hối.
Bình thường trong điều kiện tự nhiên, gà tây có thể bay 50 dặm/giờ, chạy 15 dặm/giờ, và sống đến 10-12 năm. Nhưng gà tây bị nuôi ở nông trại chỉ sống được 5 hoặc 6 tháng, thì liền bị mang đi giết. Ngay cả trong thời gian ngắn ngủi đó, họ cũng không được những niềm vui đơn giản như chạy, xây tổ, hoặc nuôi con. Họ không được thở không khí trong lành, cũng không cảm giác được ánh mặt trời. Nhiều gà tây bị bệnh tim, hoặc chân đau đớn đến nỗi không đi được, thường què quặt do sức nặng của thân thể đã bị biến thể di truyền và bị chích thuốc trụ sinh để nuôi giống thật mập cho chủ lấy thịt bán.
Hàng ngàn gà tây bị nhốt chung trong chiếc chuồng dơ bẩn, tối tăm, chật hẹp, không quá 1,2 thước vuông cho mỗi con. Để tránh tình trạng gà trống mổ nhau và cào nhau đến chết, người ta cắt móng chân, mỏ và da gà bằng lưỡi dao thật nóng - cắt mà không dùng thuốc giảm đau chi cả.
Khi giờ sát sinh đã điểm, gà tây bị thẩy vào xe tải, vận chuyển hàng giờ trong đủ loại thời tiết mà không có chút nước hay thức ăn - rất nhiều gà tây đã chết trong chuyến đi hãi hùng này. Rồi khi đến lò sát sinh, họ bị treo ngược, đầu bị kéo vào lò làm cho tê liệt. Sau đó họ bị cắt cổ, rồi cả thân hình bị luộc trong vạt nước sôi sùng sục cho tiến trình vặt lông. Có khi dao cắt cổ nhưng gà chưa chết hẳn nên vẫn còn nhận thức được sự đau đớn tột cùng cho thân thể trong vạt nước sôi.
Hàng năm, chỉ riêng ở Hoa Kỳ đã có 300 triệu gà tây bị nuôi trong những nông trại chật chội, dơ bẩn, để rồi bị mang ra giết, lấy thịt cho công chúng tiêu thụ. Mỗi năm tại Hoa Kỳ trên 45 triệu gà tây bị giết cho Lễ Tạ Ơn và trên 22 triệu gà tây bị giết vào mùa Giáng Sinh.
Giáng Sinh sắp về, ở các nước Âu Mỹ người ta thường ăn thịt gà tây. Nếu chúng ta muốn thay thế bằng món chay để tha mạng cho hàng triệu gà tây hoặc các loài gà, vịt, ngỗng, gia cầm khác, thì dù ở nơi đâu trên thế giới cũng đều có rất nhiều công thức và cách thức.
Khi giúp cho kẻ khác được sống yên vui, không ít thì nhiều đời sống của chúng ta cũng sẽ được hồng ân. Ơn Trên luôn công bình là thế.
Nguồn tham khảo: