Tuesday, October 03, 2023

Bếp Chay Thanh Nhẹ: Bánh bèo chay xứ Huế


(Khám Phá Huế) - Bánh bèo chay được làm từ nguyên liệu chính là: bánh bèo, nhân bánh bèo chay và nước mắm chay. Điểm khác biệt giữa bánh bèo chay và bánh bèo thường chính là ở nhân và nước chấm. Nếu như ở bánh bèo thường sẽ có nhân là tôm chấy ăn kèm với nước mắm pha ngọt, bánh bèo chay sẽ có nhân là đậu xanh, bánh mỳ, rong biển sấy khô... và nước chấm chay/ xì dầu. Tùy vào sự biến tấu của mỗi người đầu bếp/ nhà hàng mà nhân món chay có thể thay đổi với các nguyên liệu trên.

Đầu tiên, để làm nên chiếc bánh bèo dẻo, mềm và thơm ngon, gạo được chọn là loại gạo còn thơm hương lúa mới, đem vo sạch, ngâm nước trong nhiều giờ, sau đó đem xay thành bột mịn. Lúc này, với kinh nghiệm của mình, người thợ sẽ pha vào một ít nước lọc và bột năng để bột lỏng nhưng vẫn giữ được độ dẻo nhất định.

Sau khi đã chuẩn bị xong phần bột là đến công đoạn đổ bánh. Người thợ sẽ sắp những chiếc chén con vào vỉ hấp, chế bột vào từng chiếc chén và hấp chín. Để chiếc bánh không dính vào thành chén khi chín, người thợ thường thoa một lớp dầu lên thành chén trước khi đổ bột vào. Muốn bánh chín đều và có màu trắng sữa, trong quá trình hấp phải canh lửa thật lớn, nếu lửa nhỏ, nước không đủ độ sôi, bánh sẽ bị sượng, không chín hết bột.

Song song với khâu làm bột bánh là công đoạn làm nhân bánh. Để làm nhân bánh bèo chay, người đầu bếp sẽ tiến hành các công đoạn sơ chế và chế biến nguyên liệu, cụ thể: Luộc chín đậu sau đó đãi sạch vỏ và giã nhuyễn, sau đó xào với dầu điều cho tới khi đậu tơi ra (đây là nguyên liệu thay thế cho tôm chấy ở món bánh bèo thông thường). Bánh mì cắt hạt lựu, chiên qua cho vàng hoặc cho vào lò nướng nướng cho vàng giòn (nguyên liệu thay thế cho tóp mỡ chiên phồng). Hành boa rô cắt nhỏ, phi với dầu ăn (để tạo mùi thơm và làm mỡ hành).

Với nước chấm chay, người đầu bếp sẽ nấu nước mắm chay pha với nước lọc và đường theo tỷ lệ 1:1, sau đó để nguội và cắt lát ớt tươi vào để gia tăng gia vị cho chén nước mắm chay.

Sau khi hấp bánh chín, thực hiện vớt bánh từ xửng hấp ra, để nguội và tiến hành trang trí với phần nhân đã được chế biến trước đó theo thứ tự: quết mỡ hành, rắc nhân đậu xanh, bánh mỳ chiên lên và rong biển sấy khô (nếu có) và tiến hành thưởng thức. Vị ngọt của bột bánh hòa trong vị béo, bùi của mỡ hành, bánh mỳ chiên, đậu xanh xào dầu điều... khiến thực khách cảm nhận hết sự thanh tao và kỳ công của người thợ đã để tâm trong từng miếng bánh. 

Trong một không gian chay tịnh, đặc biệt là vào dịp rằm hay mồng 1 âm lịch, thưởng thức những món chay đặc trưng xứ Huế để thấm thía "Huế, Đẹp và Thơ" như nhận định của nhà thơ Nam Trân (1907-1967): "Đất Huế và người Huế, dĩ nhiên là tất cả những điều đó, xinh đẹp, thơ mộng, và còn nhiều hơn thế. Với truyền thống ăn chay, Huế lại càng đẹp hơn và càng nên thơ trong lòng người". 

Ngày nay khi đến với Huế, cùng với việc thăm thú cảnh vật nên thơ, trữ tình nơi đây; những đền đài, lăng tẩm, chùa chiền còn giữ được những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần độc đáo, trải nghiệm ẩm thực Cố đô, nhất là ẩm thực chay là một hoạt động không nên bỏ lỡ.

Với món bánh bèo chay, các thực khách gần xa có thể lựa chọn thưởng thức ở các nhà hàng chay Huế. Dưới đây là các gợi ý thưởng thức bánh bèo chay tại Huế:

Tĩnh Garden Vegetarian (140 Phan Bội Châu, phường Trường An, Tp. Huế);

Cơm chay dưỡng sinh Liên Hoa (03 Lê Quý Đôn, phường Phú Hội, Tp. Huế);

Nhà hàng chay An Nhiên Garden (Tỉnh Lộ 10, phường Phú Thượng, Tp. Huế);

Nhà hàng chay Sân Mây (08 Thanh Tịnh, phường Vỹ Dạ, Tp. Huế)...

Khám phá Huế tổng hợp

Nguồn: https://khamphahue.com.vn/Van-hoa/Chi-tiet/cid/314/pid/15896

Friday, September 29, 2023

Bếp Chay Thanh Nhẹ: Nem thính chay từ nấm hải sản (Phụ Nữ Today)

 


( PHUNUTODAY )
 - Đây là một món ăn dễ làm, lạ miệng và thanh đạm, tốt cho sức khỏe

Nem thính là một món ăn phổ biến với người Việt Nam vì chúng thơm mùi thính không bị ngấy. Món nem thính chay còn tốt cho những người thích ăn kiêng và người ăn chay. Nấm là thực phẩm rất tốt cho sức khỏe vì hàm lượng đạm thực vật cao. Ngày mưa làm món nem thính lai rai rất ngon hoặc thêm vào thực đơn ăn chay của bạn cũng rất cuốn hút.

Nguyên liệu cần:

Nấm hải sản (hoặc nấm kim châm) 1 gói

Thính mua sẵn hoặc tự làm: 3 muỗng canh

Ớt chỉ thiên 1 trái

Lá chanh:  5 lá

Gừng, muối để ngâm nấm


Cách chọn và xử lý nấm

Khi mua nấm bạn nên quan sát tránh lấy phải túi nấm bị dập, ngả màu. Nấm ngon là thân nấm trắng, không có đoạn dập hay ướt nhớt. Nấm không có mùi hắc lạ là nấm tươi.

Để xử lý mùi khó chịu của nấm bạn làm như sau: Sau khi cắt bỏ rễ nấm, bạn rửa bằng nước sạch rồi cho nấm vào ngâm trong nước muối gừng. Pha 1 lít nước với một thìa cà-phê muối và vài lát gừng. Ngâm khoảng 15 phút thì vớt nấm ra và rửa lại rồi bóp sạch nước.

Chế biến nấm

Phi nóng một thìa ăn dầu thực vật. Sau đó trút nấm vào xào. Nêm một chút gia vị, không nên cho đường vào bước này, vì đường dễ cháy đáy chảo khiến nấm ngả màu. Bạn xào cho nấm chín là được. Nếu sợi nấm to bạn có thể xé nhỏ ra.

Trộn nem

Nấm sau khi giảm độ nóng cho vào tô, cho thính cùng một thìa cà-phê đường nếu bạn thích tăng thêm vị ngọt. Mang găng tay nấu ăn rồi dùng tay bóp cho nấm quyện với thính. Nếu nem bị ướt thì tăng thêm chút bột thính. Sau đó rắc ớt thái lát và lá chanh thái chỉ lên, bày ra đĩa.

Món nem thính này có thêm lá sung hoặc lá ổi để cuốn và chấm vào nước chấm thì rất ngon.

Làm thính: Thính ngoài chợ có bán sẵn. Nếu bạn muốn tự làm thì có thể làm theo công thức sau. Chuẩn bị gạo tẻ, gạo nếp, đỗ xanh chà vỏ theo tỷ lệ: 60/30/10. Các nguyên liệu trên đem rửa, ngâm sau đó để ráo nước và rang cho chín vàng thơm. Sau đó cho vào máy xay cho thật nhuyễn. Để đảm bảo thính không bị lợn cợn, sau khi xay xong bạn lọc qua rây lỗ nhỏ để loại bỏ những hạt còn to. Muốn thính ngon thì các nguyên liệu nên ngâm ít nhất khoảng 2 tiếng rồi mới rang. Nhưng nếu bạn làm gấp gáp thì có thể rửa xong rồi rang luôn.

Nước mắm chấm nem: Nếu bạn không phải là người ăn thuần chay vẫn dùng nước mắm mặn thì dùng nước mắm mặn để pha. Còn nếu bạn ăn chay thì dùng nước mắm chay. Công thức pha nước chấm nem gồm 2 thìa nước mắm, 1 thìa đường, 1 thìa cốt chanh, 1 thìa nước lọc (nước mắm tùy theo loại độ mặn nhạt khác nhau nên có thể điều chỉnh lượng). Cho hỗn hợp vào đánh đều cho tan đường. Nếu ăn tỏi ớt thì băm tỏi ớt và thả vào sau khi nước mắm đã được trộn đều. Nếu bạn ăn chay kiêng ngũ vị tân thì không dùng tỏi.

Nguồn: https://phunutoday.vn/cach-lam-nem-thinh-chay-tu-nam-hai-san-d383919.html

Thursday, September 28, 2023

Thuần Thực Vật: 9 công dụng tuyệt vời của hạt vừng đối với sức khỏe


(SKĐS) - Vừng (mè) được coi là thực phẩm kéo dài tuổi thọ, bảo vệ tim mạch, chống lão hóa, nâng cao sức khỏe toàn diện. 

Hạt vừng có lẽ là một trong những loại hạt có dầu đầu tiên được nhân loại biết đến. Vừng từ lâu trong ẩm thực phương Đông đã được coi là thực phẩm có công dụng kéo dài tuổi thọ.

Vừng có hai loại: vừng đen và vừng trắng. Ngoài là hạt mang lại vị giòn và thơm ngon cho bữa ăn của bạn, vừng còn có nhiều công dụng đối với sức khỏe.

Sau đây là những công dụng tuyệt vời của vừng:

1. Vừng - "thực phẩm trường thọ"

Với hương vị hấp dẫn nhẹ nhàng, vừng không chỉ làm tăng hương vị cho món ăn mà còn bổ sung thêm nhiều vitamin và khoáng chất có lợi cho cơ thể.

Trong hạt vừng chứa canxi, sắt và magiê, đây là những khoáng chất quan trọng đối với hệ thần kinh, góp phần lưu thông máu và chắc khỏe xương.

Dù là thực phẩm kéo dài tuổi thọ, bạn cũng chỉ nên ăn vừng với một lượng vừa phải, chỉ khoảng 1 muỗng canh mỗi ngày. Ăn quá nhiều vừng có thể dẫn đến các vấn đề về tiêu hóa hoặc dị ứng.

Vừng trắng có hàm lượng sắt nhiều hơn vừng đen. Tuy nhiên vừng đen nhiều canxi hơn 60% so với vừng trắng. Vừng đen thường được sử dụng để làm thuốc.

Ngoài sử dụng trong món ăn, hạt vừng còn được sử dụng trong các bài thuốc y học cổ truyền. Ngoài ra, dầu hạt mè được ép từ vừng là nguồn dưỡng chất giàu axit béo omega-3, chất chống oxy hóa phenol flavonoid, vitamin và chất xơ.

2. Vừng ngăn ngừa bệnh tiểu đường

Magiê và các chất dinh dưỡng khác trong vừng đã được chứng minh có tác dụng ngăn ngừa bệnh tiểu đường. Sử dụng dầu mè đã được chứng minh có tác dụng hạ huyết áp và đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường quá mẫn cảm.

Nhờ nguồn cung protein dồi dào, với các axit amin chiếm đến 20%, vừng là một nguyên liệu lý tưởng bổ sung vào chế độ ăn cho người ăn chay. Bạn chỉ cần rắc thêm vừng vào các món ăn như salad, mì trộn hay rau trộn.

3. Hạt vừng có lợi cho sức khỏe tim mạch, tốt cho người huyết áp cao

Dầu mè (được ép từ hạt vừng) có công dụng ngăn ngừa xơ vữa động mạch, do đó có lợi cho sức khỏe tim mạch.

Trong vừng chứa hợp chất chống oxy hóa và chống viêm được gọi là sesamol, chống xơ vữa động mạch.

Hạt vừng chứa nhiều axit oleic (loại axit béo không bão hòa đơn) giúp làm giảm cholesterol xấu và tăng cholesterol tốt trong cơ thể. Nhờ vậy, thường xuyên ăn vừng có thể ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh động mạch vành và đột quỵ.

Magiê trong vừng có công dụng hạ huyết áp, vì vậy người tăng huyết áp nên ăn các món ăn chứa vừng.

4. Hạt vừng chữa thiếu máu, tăng cường sức khỏe tiêu hóa

Hạt vừng, đặc biệt là vừng đen rất giàu sắt, do đó thường được sử dụng làm bài thuốc bồi bổ sinh lực cho người bị thiếu máu và suy nhược.

Ngoài ra, nhờ giàu chất xơ, vừng còn giúp hệ tiêu hóa và đại tràng khỏe mạnh. Hàm lượng chất xơ cao góp phần giúp ruột hoạt động trơn tru, giảm táo bón.

5. Giảm viêm khớp dạng thấp, cải thiện sức khỏe xương

Hạt vừng chứa đồng, khoáng chất quan trọng đối với hệ enzym chống oxy hóa, do đó làm giảm đau và giảm sưng do viêm khớp. Ngoài ra, đồng còn là thành phần quan trọng cải thiện mạch máu, xương và khớp.

Kẽm trong vừng góp phần làm tăng mật độ khoáng xương, giúp xương chắc khỏe hơn. Bên cạnh đó, hạt vừng còn là nguồn cung canxi dồi dào - thành phần quan trọng của xương.

Trong dân gian, dầu mè đen dùng để ăn hoặc bôi tại chỗ có thể giảm bớt tình trạng viêm trên cơ thể, giảm đau khớp.

6. Vừng bảo vệ cơ thể khỏi tác hại của bức xạ, giải độc rượu

Sesamol, thành phần trong vừng và dầu mè đã được chứng minh có tác dụng bảo vệ ADN khỏi tác hại của bức xạ. Chất sesamol cũng ngăn ngừa tổn thương ruột và lá lách.

Ngoài ra, hạt vừng còn giúp gan giải độc rượu cũng như các chất gây ngộ độc khác.

7. Vừng chống lão hóa

Hạt vừng đen được cho là có tác dụng nuôi dưỡng não bộ, làm chậm quá trình lão hóa. Thường xuyên ăn vừng đen có thể làm giảm các triệu chứng đau lưng, đau nhức, cứng khớp và yếu khớp.

Các chất chống oxy hóa trong vừng giúp cơ thể tăng cường miễn dịch, phylate trong vừng được biết tới với đặc tính ngăn ngừa ung thư.

8. Ăn vừng bổ gan, giúp đôi mắt sáng khỏe

Theo Đông y, có mối liên hệ giữa các cơ quan nội tạng với sức khỏe của mắt.

Gan dự trữ máu và một nhánh nhất định của ống gan có liên kết dinh dưỡng với mắt, hỗ trợ sức khỏe của mắt.

Hạt vừng đen có lợi cho gan vì làm tăng máu lưu thông ở gan, từ đó nuôi dưỡng mắt. Tác dụng chữa bệnh của vừng đen bao gồm hỗ trợ điều trị mờ mắt, mỏi mắt và khô mắt.

9. Ăn vừng cải thiện sức khỏe hệ hô hấp

Trong thành phần của vừng chứa magiê. Đây là loại khoáng chất có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh hen suyễn, ngăn ngừa co thắt đường thở.

Trong các nghiên cứu từng chỉ ra thiếu magiê có thể dẫn tới các bệnh ở đường phổi. Vì vậy hãy ăn thực phẩm giàu magiê để phổi hoạt động tốt hơn.

Nguyễn Thị Thanh Bình
(theo Style Craze)

Người Trường Chay: Á hậu 2 Việt Nam 2022 Lê Nguyễn Ngọc Hằng


(ANTD.VN) - Lê Nguyễn Ngọc Hằng sinh năm 2003 tại TP.HCM, đăng quang ngôi vị Á hậu 2 tại cuộc thi "Hoa hậu Việt Nam 2022". Ở tuổi 20, người đẹp này sở hữu nhiều thành tích thể thao và học lực đáng nể. Hiện cô theo học chuyên ngành Kinh doanh quốc tế của Đại học Western Sydney và sử dụng thông thạo tiếng Anh, ngoài ra còn ghi điểm với nhiều tài năng như: hát, nhảy, đánh đàn, võ thuật. Đặc biệt, cô duy trì thói quen ăn chay trường từ năm 2020 vì cho rằng ăn chay tốt cho sức khỏe và giúp bảo vệ môi trường, duy trì tình yêu với vạn vật trong cuộc sống.

Tại đấu trường "Miss Intercontinental - Hoa hậu Liên lục địa 2023" diễn ra vào tháng 12-2023 tại Ai Cập, Ngọc Hằng được chọn là gương mặt đại diện cho nhan sắc Việt. 

Đọc thêm từ nguồn: https://www.anninhthudo.vn/tiet-lo-ve-4-thong-diep-duoc-dai-dien-viet-nam-gui-toi-cuoc-thi-hoa-hau-lien-luc-dia-2023-post552914.antd

Wednesday, September 27, 2023

Sinh Hoạt Từ Ái: Nối dài những yêu thương (Nhóm Tình nguyện Đức Trọng)

 


(Lâm Đồng Online) - Gần 4 tháng nay, vào mỗi sáng thứ 7 hàng tuần, bếp ăn từ thiện đặt tại Trung tâm Y tế huyện Đức Trọng luôn ấm lửa, nấu những suất ăn chay để phục vụ tận tay bệnh nhân và người nhà của họ và kể cả các hoàn cảnh khó khăn như người bán vé số, buôn ve chai, tàn tật... Đây là một trong số những việc làm thiện nguyện do Nhóm Tình nguyện Đức Trọng khởi xướng và duy trì nhiều năm qua.

Anh Phạm Tấn Duyên - Trưởng Nhóm Tình nguyện Đức Trọng, cũng là người đứng ra thành lập bếp ăn từ thiện này, cho biết: “Tôi mong muốn mở một bếp ăn từ thiện cũng từ rất lâu rồi và thời gian qua, thỉnh thoảng tôi cũng có hỗ trợ rau, củ cho 1 nhà hàng chay ở TP HCM và bếp ăn từ thiện tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, Bệnh viện Nhi. Thấy các mô hình bếp ăn từ thiện này rất hay, tôi rất thích nên cũng muốn phát tâm tổ chức một bếp ăn từ thiện tại Trung tâm Y tế của huyện. Vì vậy, nên khi nhận được sự hỗ trợ của lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện, tôi đã quyết định thành lập bếp ăn từ thiện đặt tại đây. 3 tuần đầu tiên, kinh phí hoàn toàn do bản thân tôi tự bỏ ra, sau đó, khi bếp đi vào hoạt động nhịp nhàng, đã quen với cách làm rồi, tôi bắt đầu đăng bài trên facebook thì có các mạnh thường quân hỗ trợ và tới bây giờ, tôi đã không tự bỏ kinh phí ra nữa mà bếp duy trì hoạt động là nhờ sự đóng góp, hỗ trợ của các mạnh thường quân”.

Anh Phạm Tấn Duyên cũng cho hay, để bếp duy trì 150 - 200 suất cơm chay đều đặn vào mỗi thứ bảy hàng tuần, ngoài các mạnh thường quân, bếp còn nhận được sự hỗ trợ của các thành viên trong nhóm và các tình nguyện viên. “Khoảng 6h30, các thành viên bắt đầu tập hợp tại đây, chia nhau ra mỗi người mỗi việc, làm sao để đến khoảng 10h30 là đã có cơm, canh sẵn để trao cho mọi người” - anh Duyên nói thêm. 

Với quan niệm, cái cho đi không chỉ là thức ăn, mà đó còn là tình thương, nên mỗi bữa ăn do bếp nấu, các món ăn phải đầy đủ chất dinh dưỡng, màu sắc, an toàn vệ sinh thực phẩm... luôn được bếp chú trọng và đặt lên hàng đầu; thực đơn cũng được thay đổi hàng tuần. Mỗi bữa ăn như vậy thường sẽ có 3 món, thêm một bịch sữa đậu nành, đậu phộng hay sữa bí đỏ, nhằm cung cấp đầy đủ đạm, vitamin và khoáng chất cho người nhận. Bếp cũng sử dụng khay nhựa để đựng thức ăn, thay vì các hộp xốp, để góp phần giảm lượng rác thải ra môi trường. Anh Nguyễn Hải Hoàng - một trong những đầu bếp chính của bếp, cũng là thành viên của nhóm, chia sẻ: “Khi tham gia với bếp hay làm những công việc thiện nguyện do nhóm tổ chức, bản thân tôi cảm thấy hạnh phúc vì mình được cho đi và tôi cũng thường rủ thêm bạn bè, người thân nếu rảnh rỗi là tới phụ với bếp ăn”.

Bếp ăn từ thiện đặt tại Trung tâm Y tế huyện Đức Trọng là một trong những việc làm ý nghĩa của Nhóm Tình nguyện Đức Trọng trong thời gian qua. Nhóm được thành lập từ năm 2012, từ đó đến nay, nhóm liên tục tổ chức Chương trình thường niên “Trăng rằm yêu thương” với các hoạt động chính: Làm lồng đèn linh vật, bán lồng đèn và các vật phẩm gây quỹ, tổ chức đêm hội rước đèn, phát quà cho các em nhỏ vùng sâu, vùng xa. 

Ngoài “Trăng rằm yêu thương”, nhóm còn tổ chức thường xuyên Chương trình “Xuân yêu thương”, từ sự vận động, hỗ trợ của các mạnh thường quân, nhóm mở các phiên chợ đồng giá, bán hàng không lợi nhuận tại vùng sâu, vùng xa, tặng quà Tết cho các gia đình neo đơn, khó khăn... Từ nguồn quỹ của nhóm, đã trợ hỗ xây dựng được 5 căn nhà tình thương cho các hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại thôn Bồng Lai, xã Phú Hội. Riêng trong mùa Trung thu năm nay, nhóm vừa tổ chứa trao 450 phần quà cho các em thiếu nhi tại thôn Ma Bó, xã Đa Quyn.

Trong thời gian dịch COVID-19 bùng phát mạnh vào năm 2021, anh Phạm Tấn Duyên đã vận động hàng trăm tình nguyện viên với hàng ngàn ngày công thu gom và vận chuyển hơn hai ngàn tấn rau thông qua cầu nối của nhóm đã đến với các khu cách ly, bếp ăn 0 đồng, các bệnh viện dã chiến trong và ngoài tỉnh. Bản thân anh Duyên đã bỏ 400 triệu đồng mua 1 xe cứu thương hỗ trợ chống dịch. Khi hết dịch, xe hoạt động vận chuyển 0 đồng cho các hoàn cảnh khó khăn và hiện tại, anh đã nhường lại cho nhóm mạnh thường quân hoạt động ở huyện Đam Rông... 

“Khi làm những việc này, tôi luôn mong muốn có cơ hội trao đi yêu thương, giúp đỡ cho những hoàn cảnh khó khăn và làm cầu nối để các mạnh thường quân có cơ hội trao đi yêu thương. Nhóm cũng đang có kế hoạch, từ quỹ dư của bếp ăn sẽ trích ra để giúp một phần chi phí cho những trường hợp cấp cứu ở bệnh viện không có người thân, nghèo khó” - anh Duyên nói.

Nhật Minh

Tuesday, September 26, 2023

Bốn Biển Một Nhà: Chuseok – Tết Trung thu của người Hàn Quốc


(Zila) - Tết Trung thu (Chuseok  추석)  một trong ba dịp lễ lớn của Hàn Quốc, bên cạnh Tết Nguyên đán (Seollal – 설날) và Tết Đoan ngọ (Dano – 단오). Nếu ở Việt Nam tết Trung thu chỉ là ngày lễ dành cho thiếu nhi và mọi người vẫn phải đi học, đi làm như mọi ngày thì ở Hàn Quốc đây được xem là ngày nghỉ lễ chính thức trong năm. Vào dịp lễ này, người dân Hàn Quốc được nghỉ 3 ngày (14, 15 và 16 âm lịch) để có thời gian nghỉ ngơi và quây quần cùng gia đình để chuẩn bị cho một mùa Trung thu hạnh phúc, đủ đầy.

Cùng nằm trong vùng văn hóa chữ Hán, chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Trung Hoa, Tết Chuseok của Hàn Quốc diễn ra vào ngày rằm tháng 8 âm lịch hằng năm. Tết Chuseok còn có tên gọi khác là 한가위 (Hangawi), trong đó “한” có nghĩa là lớn và “가위” là ở giữa. Vậy nên 한가위 có nghĩa là ngày lễ lớn giữa mùa thu.

Nguồn gốc và ý nghĩa của Chuseok

Nguồn gốc của ngày lễ Chuseok

Trong Hán tự, Tết Chuseok được gọi là “仲秋節” (trọng thu tiết) hoặc “仲秋佳節 (trọng thu giai tiết). Mang ý nghĩa là lễ hội diễn ra vào giữa mùa thu.

Từ thời xa xưa, cứ vào tháng tám hằng năm sẽ là mùa thu hoạch lúa chín. Đối với tổ tiên của người Hàn, đây là khoảng thời gian họ vui vẻ và hân hoan nhất trong năm vì sau một khoảng thời gian trồng trọt vất vả cũng đã có một mùa vụ bội thu. Vào ngày 15/08 âm lịch – ngày trăng tròn và lớn nhất năm, họ sẽ tổ chức lễ hội. Khi đó họ ăn mừng, vui chơi và nhảy múa. Đây có thể được xem là nguồn gốc của Tết Chuseok ngày nay.

Chuseok được xem là một ngày lễ vào thời kỳ đầu của Tam Quốc. Theo Tam quốc sử ký, thời vua Yuri (24–27), vị vua thứ ba của triều Silla, đã chia cung nữ thành các nhóm thi tài với nhau. Nhà vua treo giải thách các đội dệt vải trong vòng 1 tháng (từ 15/07 đến 14/08 âm lịch) xem ai dệt được nhiều hơn. Vào ngày cuối cùng của cuộc thi tài (15/08 AL) đội thắng cuộc sẽ được quyết định và nhận phần thưởng hậu hĩnh từ vua. Đội thua phải chuẩn bị các món ăn và các tiết mục múa hát. Từ đó, Chuseok dần trở thành ngày lễ vui chơi trong văn hóa người Hàn.

Ý nghĩa ngày lễ Chuseok

Chuseok (“秋夕” – thu tịch) theo nghĩa đen có nghĩa là đêm trăng đẹp nhất mùa thu. Chuseok được xem là ngày tạ ơn đất trời, tổ tiên đã cho một mùa màng bội thu. Và là ngày để tận hưởng thành quả của một mùa đã qua. Đây cũng là thời kỳ công việc đồng áng của năm cũ khép lại và còn cầu mong mùa màng năm sau bội thu hơn.

Trong trồng trọt nói chung và trồng lúa nói riêng, thời điểm thu hoạch là khi mầm nở rộ và kết hạt. Điều này lặp lại theo chu kỳ từ năm này sang năm khác. Nói cách khác, nó tái sinh, giống như bản chất của mặt trăng lặp lại quá trình xoay quanh Trái Đất. Mặt Trăng hồi sinh vào lúc trăng non và cho thấy đỉnh cao sức sống vào ngày trăng tròn. Sau đó biến mất vào cuối tháng và cứ lặp lại chu kỳ đó mỗi tháng. Trong xã hội nông nghiệp, sự tái sinh của mặt trăng và bản chất tái tạo của nghề nông được coi là giống nhau.

Do đó, trăng tròn tượng trưng cho sự dư dả, dồi dào và màu mỡ. Cũng vì vậy mà lễ hội trăng rằm rất Hàn Quốc – đất nước vốn có truyền thống nông nghiệp xem trọng.

Các món ăn đặc trưng trong ngày lễ Chuseok

Tết Chuseok thường rơi vào thời điểm những cơn mưa rào và tiết trời nóng bức của mùa hạ dần kết thúc. Thay vào đó là tiết trời thu mát mẻ, báo hiệu cho một mùa thu hoạch nữa đang đến gần. Chuseok là lễ hội mừng vụ mùa bội thu khi trái cây và ngũ cốc dồi dào. Mọi người sẽ sử dụng gạo mới thu hoạch để nấu cơm trắng, làm bánh gạo và rượu. Vào ngày lễ này, người Hàn thường sẽ ăn những món đặng trưng theo truyền thống của Hàn Quốc.

Songpyeon (송편) – Thông phiến

Songpyeon là món ăn không thể thiếu trong Chuseok. Là món bánh tiêu biểu được làm bằng bột gạo mới, nhân lá vừng, các loại đậu,… Songpyeon được làm bằng cách nhào bột gạo mới với đậu xanh tươi, hạt mè, hạt dẻ, táo tàu, khoai lang, hồng, bột quế. Gọi là songpyeon vì mỗi khi hấp bánh đều người Hàn thường đặt vào đó lá thông. Lá thông có tác dụng làm cho bánh có vị thanh hơn.

Vào đêm trước ngày lễ Chuseok, cả gia đình cùng nhau quây quần làm bánh songpyeon. Bánh được tạo hình bán nguyệt với mong muốn gửi gắm mang đến tương lai tươi sáng và thành công của mọi gia đình.

Trong quan niệm của người Hàn, cô gái nào khéo tay làm ra những bánh songpyeon có hình dáng đẹp, thì sẽ tìm được ý trung nhân tử tế. Còn phụ nữ đã có gia đình thì sẽ sinh những đứa con xinh đẹp, ngoan ngoãn. Do đó, khi làm bánh songpyeon, họ đều rất tỉ mỉ và dồn hết tâm sức của mình để tạo ra những chiếc bánh songpyeon xinh xắn.

Toranguk (토란국) – Canh khoai sọ

Ngoài songpyeon, canh khoai sọ cũng là một món ăn không thể thiếu trong dịp lễ Tết Trung Thu của người Hàn. Theo Hán tự, khoai sọ được gọi là thổ noãn (“土卵” – trứng trong đất). Để loại bỏ đi lớp nhớt bên ngoài, khoai sọ sẽ được luộc qua nước vo gạo hoặc nước muối...

Hoạt động đặc trưng trong ngày lễ Chuseok

Tết Chuseok còn được gọi là “Tết đoàn viên”. Vào ngày này, dù có bận rộn như thế nào hay ở cách xa đến đâu, mọi người vẫn trở về nhà và tề tựu bên gia đình. Cả gia đình cùng nhau làm mâm lễ, cúng kiếng, trò chuyện, ăn uống, ngắm trăng cũng như tận hưởng thành quả sau một mùa thu hoạch. Ngoài ra, vào dịp này, người Hàn cũng chuẩn bị quà và gửi tặng bạn bè, người thân.

Charye (차례) – Lễ cúng gia tiên

Chuseok là một dịp quan trọng để các gia đình Hàn Quốc thể hiện lòng thành kính với tổ tiên. Vào buổi sáng ngày lễ, họ quây quần bên nhau để tổ chức lễ cúng tưởng niệm tổ tiên.

Một năm có hai lần tổ chức Charye: một là trong dịp lễ Seollal (Năm mới) và hai là trong dịp lễ Chuseok. Sự khác biệt giữa hai lễ Charye này là: trong dịp Seollal, món ăn đại diện là tteokguk (떡국 – canh bánh gạo). Còn trong dịp lễ Chuseok, món ăn đại diện là cơm nấu từ gạo mới thu hoạch (메밥), rượu truyền thống và songpyeon (송편). Sau lễ cúng, các thành viên cùng nhau ngồi bên bàn ăn để thưởng thức các món ăn ngon.

Bách thảo (성묘) và Tảo mộ (벌초)

Việc viếng mộ trong dịp lễ Chuseok là một trong những nghi thức thể hiện lòng hiếu kính với các bậc tổ tiên. Nghi thức này được biết với tên Seongmyo (성묘). Ngoài ra, trong dịp này, các gia đình cũng nhổ cỏ mọc xung quanh mộ, được gọi là Beolcho (벌초).

Hai nghi thức này có phần tương tự với phong tục tảo mộ ngày Tết của người Việt. Khoảng một tháng trước Chuseok, các con đường cao tốc của Hàn Quốc trở nên đông đúc vì các gia đình thăm viếng mộ tổ tiên. Sau khi vệ sinh phần mộ xong, họ sẽ bày một mâm lễ gồm hoa quả, ngũ cốc và các sản phẩm đã thu hoạch được trong vụ mùa. Dâng mâm lễ lên cúng tổ tiên để bày tỏ lòng thành kính, biết ơn.

Olgesimni (올게심니) – Tục treo ngũ cốc khô trước cửa

Tục treo ngũ cốc hiện chỉ còn ở các vùng quê. Thường sau khi thu hoạch, nông dân sẽ lựa chọn lúa và các loại ngũ cốc để treo lên. Trước và sau lễ Chuseok, họ cắt và treo một ít lúa chín, cao lương và hạt kê lên cột hoặc cột cửa. Khi thực hiện tục Olgesimni, họ chuẩn bị rượu và thức ăn, mời những người hàng xóm đến. Những loại ngũ cốc dễ kiếm được dùng làm hạt giống hoặc bánh gạo để ăn sau khi mang đến đền thờ hoặc cho một gia thần (가신 – 家神), như thổ công (thổ địa). Olgesimni mang ý nghĩa chúc mừng mùa màng năm nay và cầu mong mùa màng năm sau bội thu.

Những trò chơi truyền thống trong ngày  lễ Chuseok

Ssireum (씨름) – Đấu vật Hàn Quốc

Ssireum là một hoạt động không thể thiếu trong dịp Chuseok. Hoạt động này là dịp để các chàng trai được thể hiện bản lĩnh và sức mạnh của mình. Ssireum thường được tổ chức trên bãi cỏ hoặc bãi cát theo hình thức đấu loại trực tiếp. Trong trận đấu, hai đô vật đối mặt nhau ở giữa một hố cát tròn và tìm cách vật ngã đối phương bằng sức mạnh và kỹ năng của mình. Người cuối cùng trụ lại sau cùng là người chiến thắng và được vinh danh là người đàn ông khỏe nhất làng – jangsa (장사). 

Ganggangsullae (강강술래) – Điệu nhảy vòng tròn Hàn Quốc

Ganggangsullae cũng là một trong những hoạt động nghệ thuật tiêu biểu dịp Chuseok. Trong quan niệm của nhà nông, trăng rằm là biểu tượng cho sự sinh sôi, nảy nở. Trăng tròn cũng được ví như là đỉnh cao của sự thăng hoa về cái đẹp của thiên nhiên và của người phụ nữ. Thời điểm trăng tròn báo hiệu người phụ nữ đã đến kỳ “khai hoa nở nhụy”.

Trong đêm trăng tròn vụ mùa hoặc vào ngày lễ Chuseok, những người phụ nữ mặc Hanbok (한복) nắm tay tạo thành một vòng tròn và cùng nhau hát.

Có nhiều câu chuyện về nguồn gốc của điệu nhảy này. Tương truyền, Ganggangsullae bắt nguồn từ những người phụ nữ thuộc tỉnh Seonam Haean (서남 해안). Ngoài ra, có câu chuyện kể rằng Ganggangsullae có từ Triều đại Joseon (1392-1910). Lúc bấy giờ, quân đội Hàn Quốc cho phụ nữ trẻ trong làng mặc quân phục và đứng thành vòng tròn quanh núi. Quân đội Hàn Quốc đã giành không ít chiến thắng một phần nhờ có chiến thuật này.

Juldarigi (줄다리기) – Kéo co

Đây là trò chơi phổ biến dành cho mọi lứa tuổi nhằm gắn kết tính cộng đồng, tính tập thể của người chơi.

Mặc dù kéo co thường được tổ chức trong đêm giao thừa nhưng cũng được tổ chức vào lễ Chuseok tùy theo từng vùng. Đông Quốc tuế thời ký (동국세시기) ghi lại rằng: “Theo phong tục của đảo Jeju, nam nữ tụ tập vào rằm tháng 8 hàng năm để ca hát và nhảy múa. Nếu đứt dây giữa chừng thì cả hai bên đều rơi xuống đất. Những người xem cười thành tiếng. Đây được gọi là chiếu lý chi hý (조리지희).”

Các thôn xóm, các làng có thể chia đội để thi đấu với nhau. Các đội được phân chia đồng đều về số người chơi. Người chơi càng nhiều thì sợi dây càng dày, càng to và thời gian càng dài. Âm thanh của tiếng trống dồn dập, tiếng hò hét, tiếng cười hòa trộn với nhau tạo bầu không khí ngày Tết Chuseok thêm rộn ràng, vui tươi.

Những câu chúc trong ngày lễ Chuseok

Chuseok là dịp để mọi người cùng quây quần, sẻ chia cho nhau những niềm vui, những câu chúc mong một vụ mùa bội thu, một cuộc sống đủ đầy. Dưới đây là những câu chúc phổ biến mà người Hàn Quốc hay dùng vào dịp lễ Chuseok:

  • 즐거운 추석 맞이하세요. (Chúc bạn đón trung thu vui vẻ).
  • 즐거운 명절 추석입니다. (Mùa Chuseok hạnh phúc).
  • 넉넉한 한가위 맞으세요. (Chúc bạn đón một mùa trung thu dồi dào sung túc).
  • 풍성한 한가위 보내세요. (Chúc bạn có một Tết Trung thu an khang thịnh vượng).
  • 더도 말고 덜도 말고 한가위만 같아라. (Đừng nhiều mà cũng đừng ít, hãy tròn đầy như trăng rằm).
  • 한가위를 맞아 마음 속까지 훈훈해지는 가슴 따뜻한 시간 보내시기를 기원합니다. (Nhân ngày Chuseok chúc bạn có khoảng thời gian thảnh thơi ấm áp).
  • 풍성한 한가위 보름달처럼 당신의 마음도 풍성해졌으면 좋겠습니다. (Chúc bạn cũng ngập tràn sức sống giống như ánh trăng rằm tròn đầy).
  • 온 가족이 함께하는 기쁨과 사랑가득한 한가위 되시길 기원합니다. (Chúc toàn thể gia đình có kỳ nghỉ lễ trung thu đầy ắp niềm vui và tình yêu thương).
  • 즐겁고 뜻깊은 한가위 되시기를 기원합니다. (Chúc một mùa nghỉ lễ trung thu hạnh phúc và nhiều niềm vui).

Tổng hợp bởi: Zila Team

Nếp Sống Ăn Chay: 10 thành phố Mỹ thân thiện nhất với người ăn chay

 


(VNAC) - Theo khảo sát của WalletHub, một công ty giúp người tiêu dùng quản lý tài chánh cá nhân, 10 thành phố tại Hoa Kỳ được xem là tốt nhất cho người ăn chay được công bố như sau:

1. Portland, Oregon (61,38 điểm)
2. Los Angeles, California (61,24 điểm)
3. Orlando, Florida (59,16 điểm)
4. San Diego, California (57,45 điểm)
5. Phoenix, Arizona (56,43 điểm)
6. San Francisco, California (56,25 điểm)
7. Seattle, Washington (56,01 điểm)
8. Miami, Florida (54,80 điểm)
9. Austin, Texas (53,78 điểm)
10. Oakland, California (53,71 điểm)

Để tìm ra những nơi tốt nhất và rẻ nhất cho người ăn chay, WalletHub so sánh 100 thành phố lớn nhất nước Mỹ, đánh giá trên 17 chỉ số thân thiện với người ăn chay và thuần chay dựa trên 3 yếu tố chính: 
1. mức đắt đỏ (chẳng hạn như tiền mua thực phẩm chay), 
2. độ đa dạng, dễ tìm, và chất lượng (thí dụ, có bao nhiêu nhà hàng có thực đơn chay), 
3. lối sống ăn chay (chẳng hạn, có bao nhiêu lễ hội ăn chay và thuần chay được tổ chức trong thành phố). 

Thống kê của Viện Gallup cho biết trong năm 2023 có 4% dân số Mỹ là người ăn chay và 1% dân số là người thuần chay. Điều thú vị là trong số 10 thành phố hàng đầu thân thiện với nếp sống ăn chay đều có đông người gốc Việt cư ngụ. Xin đặc biệt chúc mừng "thủ khoa" Portland, tiểu bang Oregon!