The Most Venerable Thích Giác Quang sheds light on the Buddhist vegetarian diet with regard to eggs and milk.
Trứng không trống phải thức ăn chay không?
Nguồn: Trang tin điện tử Phật Giáo Việt Nam, ngày 13/01/2014
VẤN: Con ăn chay trường cũng được gần 10 năm nhưng con có ăn trứng. Nhiều sách và thầy con nghe giảng bảo người ăn chay không nên ăn trứng và ăn trứng thì cũng như ăn thịt động vật. Con chỉ ăn trứng gà công nghiệp và có uống sữa. Vì trứng có nguồn chất đạm và nhiều dinh dưỡng cần thiết để giúp con ăn chay giữ gìn thêm sức khỏe cùng với uống sữa nên con chỉ ăn để bảo vệ sức khỏe cho mình. Con rất hoang mang vì vấn đề này.
Nếu bảo không được ăn trứng vì trứng có nguồn gốc từ động vật nhưng giờ con thấy rất nhiều người ăn chay, kể cả ở chùa cũng có dùng sữa, cho cả Phật tử và người xuất gia, vậy sữa cũng có nguồn gốc từ động vật vậy tại sao ăn chay được uống sữa mà không nên ăn trứng. Rồi hiện giờ hầu hết các loại bánh họ đều bỏ trứng gà công nghiệp con thấy họ vẫn mang đến cúng chùa và mọi người đều ăn nhưng còn trứng gà ở nhà thì khuyên không? Con hoang mang vô cùng. Xin Sư giải thích cho con được rõ. Con xin cảm ơn Sư.
HT. Thích Giác Quang: Phật tử ăn chay trường 10 năm là đã có “sức mạnh tâm linh” trong quá trình tu hành, lòng từ bi đã được thể hiện sâu sắc, có sự xúc động mãnh liệt trước những chúng sanh bị giết sát, nên không nở ăn thịt chúng.
Ăn chay (trai) tức là các nhà sư xưa cũng như nay chỉ sử dụng những loài thảo mộc, sở dĩ người tu Phật không ăn thịt chúng sanh, nhẫn đến những loài bò, bay, ái, cựa, nhỏ nhít côn trùng… là do luật Phật ngăn lỗi không được giết hại, sát sanh các loài thai sanh (người, động vật có vú), noãn sanh (loài sanh ra từ trứng), thấp sanh (loài sanh nơi ẩm ướt, muỗi mòng), hóa sanh (ve, kiến, trùn, dế).
Đại luật, Phật dạy: “Không được giết sát chúng sanh, chúng sanh đây là hữu tình chúng sanh. Nghĩa là chúng sanh có tánh biết. Tuy chỗ thọ thân bề ngoài có khác nhau, nhưng cái tánh biết đối với người không khác. Chúng cũng biết tham sống sợ chết, biết khổ, biết vui, biết thương, biết ghét như chúng ta. Người tham sống, con vật cũng tham sống, người sợ chết, con vật cũng biết sợ chết. Người Phật tử không được giết chết người, hay tất cả con vật gì có mạng sống. Vật lớn như con cọp, sư tử, voi, con bò, trâu, ngựa, lạc đà… cho đến vật nhỏ như con gà, con vịt, con muỗi, con kiến, con vi trùng, đều không được giết hại…” (trích Giới Đàn Tăng - của HT Thích Thiện Hòa biên soạn, trang 18).
Trong đời sống tâm linh, quý Sư thường dùng câu giáo hóa Phật tử: “Tất cả loài người và chúng sanh không làm việc sát sanh, thì thế giới nầy không bao giờ có đao binh chiến tranh xảy ra”.
Ngày nay, có nhiều tổ chức của Liên Hiệp Quốc, như Ủy ban Bảo Vệ Môi Trường Sinh Thái, không giết sát loài vật trong nhà, ngoài rừng hay dưới biển sâu; tổ chức chống chiến tranh lúc nào cũng vận động các quốc gia không gây chiến biên giới, không đem khí giới tối tân và sức mạnh của một dân tộc nầy tàn sát một dân tộc khác, mọi người không tấn công lẫn nhau và cũng đã cấm không tấn công loài vật.
Ăn chay là việc bình thường như mọi sinh hoạt khác ở thế gian, nhưng về lý tưởng tâm linh có ảnh hưởng rất lớn đối với đời sống cộng đồng con người của các quốc gia trên thế giới, xã hội chúng ta đang sống, rồi đến gia đình. Vì các ích lợi như thế nên Phật tử cần ăn chay.
Phải nói thẳng với nhau, ăn chay thì không ăn trứng, ăn trứng cũng là một hành động khác của việc sát sanh. Quá trình từ trứng nở ra con vật, không khác thai phụ mang thai “chín tháng cưu mang” con người, chờ ngày sanh sản mà thôi.
Ở Việt Nam, có các tổ chức tôn giáo ăn chay (trai) mà có ăn trứng, thì thuộc về đạo Cao Đài…không phải đạo Phật.
Đối với Phật giáo Nam tông Việt Nam và thế giới gọi là ăn “tam tịnh nhục”, chứ không phải ăn mặn (ăn mạng sống chúng sanh). “Tam tịnh nhục” theo truyền thống là do ở thời kỳ Đức Phật sanh tiền đi hành đạo tại thị xã Bamiyan, tỉnh Kandahar (Afghanistan) nơi đó chỉ có sa mạc, không có các loài thảo mộc nên Phật có chế giới cho chư Tăng ăn thịt những con vật đã chết mà người ăn không thấy, không nghe, không hay biết, không do nguyên nhân từ người ăn mà nó chết, gọi là “tam tịnh nhục”.
Nói về sữa, là thuộc loại cỏ nuôi sống các loại bò, dê, trâu, các loài gậm nhấm cỏ dại… khi chúng sanh sản có sữa nuôi con chúng, con người lại giành uống với con cái của chúng “thật buồn cười”, điều nầy người tu Phật cũng không dùng. Nhà Sư có dùng sữa, gọi đó là sữa bò hay sữa bột, ở Việt Nam từ xưa đến nay các công ty sản xuất sữa bò, gọi sữa bò chứ thật ra chỉ là tinh bột bắp, không còn chất béo của sữa bò, chỉ có nước cốt dừa, một ít các chất dầu A, D, E, K, men tiêu hóa lactose pha chế với đường, gọi là “sữa đặc có đường”, “sữa ông thọ”, “sữa con chim”, ở Hòa Lan thì có sữa “cô gái Hòa Lan”.
Nhìn chung, các nhà Sư ăn uống lúc nào cũng chỉ có cháo rau đạm bạc, tương chao, dưa muối đơn sơ cho qua ngày tháng, dùng mạng sống làm phương tiện tu hành và giáo hóa giúp đỡ chúng sanh, không ai tiêu pha phung phí dùng các loại hạng sang cho dục tính dấy sanh, khó mà làm nhà Sư có chất lượng và cũng không thích uống các loại sữa. Còn theo quý Phật tử thì nghĩ sao? Chắc chắn cũng có những quan điểm đồng với quý Sư: “uống sữa chỉ dành cho người bệnh, hay bệnh mới lành, chứ bình thường chẳng ai thèm uống sữa đâu các bạn a!”
Chúc quý Phật tử thành công trên bước đường tu Phật.