Cây chuối - giữ hồn làng quê Việt
Phương Lam
Còn nhớ ngày bé, chúng tôi thường lấy thân chuối làm phao bơi lội thỏa thích, hay đóng thành bè thả ra sông hoặc cắt những tàu chuối, dọc hết lá làm thành những cây súng chơi trò chiến tranh.
Ở quê tôi, nhà nào cũng có vườn, nên đa số nhà nào cũng trồng chuối. Cây chuối là loại cây ăn quả lâu năm, quả giàu dinh dưỡng và dễ tiêu hóa. Vì thế nhiều người rất ưa chuộng thứ quả ngon ngọt, đầy chất bổ dưỡng này.
Chuối được người dân quê tôi trồng quanh năm. Cả cây chuối, từ thân cây chuối, củ cây chuối đến bắp chuối, trái chuối, lá chuối, bẹ chuối... đều được sử dụng hết, không bỏ thứ nào.
Bà tôi vẫn thường nói: Cây chuối có những buồng chuối, coi như những đứa con bâu lấy mẹ. Hình ảnh đó được nhân dân ta so sánh: Chuối bảo rằng chuối đồng trinh/Chuối đứng một mình sao chuối có con?
Bà kể: những năm đói kém, những lúc chạy giặc, đói không có gì ăn, người ta ăn chuối thay cơm. Nếu không còn trái, người ta đào củ chuối lên luộc ăn cho đỡ đói.
Những năm khó khăn, chính thân chuối, củ chuối xắt mỏng trộn với cám nấu lên làm thức ăn chính cho heo. Hay thân chuối băm ra, trộn ít muối là thức ăn nuôi trâu bò.
Chuối non, còn xanh, đem gọt vỏ, ngâm nước pha giấm cho khỏi bị đen. Chuối chát này xắt nhỏ từng khoanh cùng với khế, dưa, rau... Hay cắt từng khoanh đem om... Chuối xanh này cũng được đem dùng nấu canh...
Thân cây chuối cũng được dùng làm món dưa: thân cây chuối xắt mỏng, trộn chung với ớt xắt nhỏ, củ kiệu, khế cắt sợi dài, bỏ vào vại rồi chế nước muối còn ấm vào, dùng lá chuối nén cho hỗn hợp trên ngập trong nước muối, đậy kín vại để khoảng 2-3 ngày, thấy dưa thơm là đem dùng được. Khi ăn, dùng đũa sạch và khô vớt ra rổ vắt ráo, sắp ra đĩa...
Những ngày giỗ Tết, trên bàn thờ tổ tiên không thể không có nải chuối. Sau khi thờ xong, người ta để ăn tráng miệng, đem nấu chè chuối với bột báng, đem luộc, làm mứt, lăn bột đem chiên, bọc với nếp trong lá chuối đem nướng, làm bánh hay chế biến một số món ăn..., ngoài ra chuối còn được ép mỏng phơi nắng cho khô làm chuối khô, rắc lên một ít muối ớt, bỏ vào lọ để dành.
Người ta còn làm món chuối khô ngào đường để ăn. Món này dùng chuối khô, xắt thành cọng như đu đủ bào, bỏ vào chảo đường thắng, xào đều, rồi cho nước cốt dừa, gừng xắt nhuyễn vào ngào chung cho đến khi bốc mùi thơm lừng mới bỏ đậu phộng rang. Miếng chuối ngào đường bỏ vào miệng, vị ngọt ngào trộn lẫn vị béo, thật thơm, thật ngon, không dai, không bở…, dù để suốt cả tháng mà vẫn giữ được hương vị đậm đà.
Bắp chuối còn được chế biến thành nhiều món ăn, món nhậu, trong đó có món nộm hoa chuối. Người ta còn chế biến bắp chuối thành món ăn chay. Bắp chuối luộc, xẻ thành miếng, ướp gia vị rồi đem chiên hay chỉ luộc thôi, chấm xì dầu, ăn cũng ngon...
Còn nhớ ngày bé, chúng tôi thường lấy những bẹ chuối đem phơi khô đúng nắng, bẹ chuối sẽ có màu trắng ngà và được làm thành những chiếc làn, giỏ xách... thật xinh xắn.
Lá chuối khô còn dùng để gói bánh gai, bánh mật, hay dùng để chèn trái cây cho khỏi giập, cuộn lại để làm nút chai, bịt miệng vò, miệng lọ. Ngày xưa, khi cuộc sống còn khó khăn, mùa đông tới, người dân quê tôi còn dùng những tàu chuối khô để đun thay rơm cho đỡ tốn vì ngọn lửa cháy rất to.
Cây chuối đã gắn bó và đi vào đời sống của người Việt như thế!
http://laodong.com.vn/Tin-Tuc/Cay-chuoi--giu-hon-lang-que-Viet/40695