Sunday, January 31, 2010

Người Trường Chay: Bác sĩ Neal Barnard

American physician Neal Barnard is a vegan.

(VNAC) - Bác sĩ Neal Barnard là chủ tịch sáng lập Ủy Ban Y Sĩ Trách Nhiệm Y Khoa Hoa Kỳ từ năm 1985 đến nay. Ông là một nhà nghiên cứu khoa học, giáo sư, và tác giả nhiều quyển sách về dinh dưỡng có giá trị, thường xuyên được mời xuất hiện và phỏng vấn trên các đài truyền hình, truyền thanh, báo chí uy tín như chương trình Oprah, Ellen, Extra, PBS, CNNRadio, Washington Post.

Quyển sách gần đây nhất của ông có tựa là “Chương trình đảo ngược bệnh tiểu đường.” Bác sĩ Neal Barnard là một người trường chay từ nhiều năm qua.

Hỏi: Theo Bác sĩ, sự thay đổi nào sẽ mang nhiều hiệu quả nhất trong việc cải thiện sức khỏe?

Bác sĩ Neal Barnard: Thay đổi đó là đừng dùng thức ăn từ động vật nữa. Nếu quý vị lấy đó làm tiêu chuẩn, thì lợi ích sức khỏe sẽ nhiều vô cùng. Nhưng để nói cụ thể hơn, tôi sẽ chia thành giai đoạn.

Bước thứ nhất là mua sắm! Nếu tất cả các thức ăn quý vị nấu đều có thịt thà bơ sữa, hãy thử nấu các công thức mới! Nếu quý vị không hay nấu ăn nhưng thường đi nhà hàng, thì hãy đi các tiệm ăn chay và thử các món chay. Nếu mang gia đình và bạn bè đến một môi trường như vậy, quý vị sẽ thấy việc ăn uống lành mạnh không những tốt cho sức khỏe mà vị giác cũng thích thú nữa. Cho nên, bước đầu tiên là biết mình có những chọn lựa gì, và hãy đi mua.

Bước thứ hai là thử trong vòng 3 tuần và ăn chay 100% - ăn chay hoàn toàn nguyên ngày, lúc nào cũng ăn món chay. Hãy thử trong vòng 3 tuần. Nói một cách khác, cũng giống như mình thử giầy, đi vòng vòng trong phòng một chút. Nếu quý vị vẫn thích sau 3 tuần, thì có thể tiếp tục. Đa số mọi người cảm thấy khỏe mạnh hơn, giảm cân, sảng khoái hơn, năng lực sung mãn hơn, vị giác cũng thay đổi, cho nên họ thích lối ăn mới. Chia thành từng bước như vậy, nên thật ra cũng dễ thực hiện.

Hỏi: Bác sĩ có lời đề nghị nào cho những người đã ăn chay rồi?

Bác sĩ Neal Barnard: Ồ, những vị đó đã đi trước hàng dặm rồi! Điều quý vị cần làm là tìm cách để khích lệ người khác theo gương tốt của quý vị.

(Nguồn tham khảo:
http://www.nealbarnard.org/bio.cfm
http://www.ecorazzi.com/2009/02/27/arff-exclusive-dr-neal-barnard-shares-how-veganism-can-change-your-life/)

Saturday, January 30, 2010

Cùng Đọc Sách Hay: "Sách Xanh," dịch giả Dương Ngọc Lâm

Kim Phượng giới thiệu "Sách Xanh" (The Green Book)
Nguyên tác: Elizabeth Rogers - Thomas M. Kostigen
Dịch giả: Dương Ngọc Lâm
Năm xuất bản: 2010
Nguồn: SachHay.com

Như những đứa trẻ ba tuổi, chúng ta không ngừng đặt câu hỏi “Tại sao?”. Tại sao chúng ta phải tắt đèn trong nhà? Tại sao chúng ta nên tái chế? Tại sao chúng ta, với tư cách là những người có ý thức về vấn đề môi trường, nên thật sự quan tâm đến những điều chúng ta được khuyên bảo để tạo nên sự khác biệt? Tại sao những nhà môi trường học lại đưa cho chúng ta những thông tin khô khan, khó hiểu mà không quan tâm đến thực tế cuộc sống thường nhật của chúng ta? Tại sao tã lót lại phá hủy thế giới?
Phải có câu trả lời cho những thứ đơn giản. Chúng ta tra cứu trên Internet để tìm ra mối liên hệ - giữa những việc chúng ta làm và tác động của chúng: kết nối giữa việc sử dụng đũa của chúng ta với việc phá rừng và giá cả của những phần thức ăn mang về, v.v... Nhưng chúng ta không thể tìm thấy nhiều câu trả lời cho câu hỏi về sự khác biệt tạo nên từ một hành động cá nhân - ít nhất không có câu trả lời nào thật sự thỏa đáng.
Khi chúng ta xách những thùng rác đi trên vỉa hè mỗi tuần - thùng màu xanh dương cho rác tái chế, màu xanh lục cho rác vườn và màu đen cho rác thải - và chúng ta thấy hàng xóm của mình cũng làm điều tương tự, chúng ta nhận ra tất cả chúng ta đều là những công dân có thói quen tốt. Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu chúng ta tiến thêm một bước và đưa cho mọi người những sự lựa chọn mới và giải thích về những việc họ làm: Tại sao việc phân loại rác thải của họ lại tạo nên sự khác biệt cho thế giới?
Từ khi mẫu quảng cáo nổi tiếng thập niên 1970 kể về một người Mỹ Da đỏ rơi lệ khi nhìn thấy rác bị vứt bừa bãi trên đường phố thì chúng ta chưa có một thông điệp hoặc một chiến dịch nào nói về nguyên nhân và hệ quả dễ hiểu. Đó là lý do chúng tôi viết cuốn "Sách Xanh". Nó giúp chúng ta quan sát mọi thứ khác đi, từ một góc nhìn cơ bản: những gì chúng ta làm và kết quả của chúng. Và cuốn sách cũng trả lời tất cả những câu hỏi đặt ra liên quan đến việc tại sao những gì chúng ta làm có ảnh hưởng đến Trái đất này.
Chúng tôi không muốn làm thêm một cuốn sách vô vị, bán chậm, khô khan và nhàm chán, mà chúng tôi cố gắng mang đến những giải pháp dễ hiểu và dễ tiếp cận. Không ai trong chúng ta sẽ sống trên cây hoặc đạp xe tại chỗ trong một chiếc tủ để tạo ra điện năng sử dụng trong nhà. Chúng tôi cá là bạn cũng sẽ không làm thế.
Cuốn sách này bắt nguồn từ mong muốn của chúng ta là sống thân thiện với môi trường nhưng vẫn được hưởng thụ vật chất. Chúng tôi nghĩ mọi người đang chờ đợi quan điểm sống này. Vì thế, chỉ trong cuốn sách này, chúng tôi đã trả lời cho rất nhiều câu hỏi “Tại sao?”

Friday, January 29, 2010

Môi Trường Quanh Ta: Đời sống ngoại tinh giống Địa Cầu

An Duy xin thân chào các bạn.
Đầu tuần này, hội thảo do lời mời của Hiệp Hội Hoàng Gia Anh tại Luân Đôn, Anh quốc với chủ đề "Khám phá đời sống ngoại tinh và hậu quả đối với khoa học và xã hội" đã quy tựu nhiều khoa học gia trên thế giới.

Giáo sư Simon Conway Morris, một nhà cổ sinh học tiến hóa từ đại học Cambridge, đã tuyên bố vào ngày thứ ba, 26 tháng 1, 2010, về người ngoại tinh như sau: “Họ cũng có đầu, tay chân và mắt, chứ không phải là hơi nước hoặc hình kim tự tháp. Sự sợ hãi của loài người bắt nguồn từ ý tưởng rằng chúng sinh ngoại tinh có hình dáng dữ dằn, không đẹp mắt. Chúng ta cần nhắc nhở công chúng rằng tiến trình của hành tinh chúng ta cũng là một chu trình tiếp nối. Mắt của chúng ta có thể khác mắt loài mực, nhưng đều là mắt cả.” Giáo sư Morris tin rằng đời sống ngoại tinh diễn ra trong một hành tinh giống như Địa Cầu, và các sinh vật cũng được cấu tạo từ những sinh hóa chất tương tự.
Giáo sư Paul Davies, một nhà vật lý học người Anh tại đại học Arizona State, Hoa Kỳ, tin rằng đời sống có thể hiện hữu ở những nơi xa xăm và trong những điều kiện khó khăn, nơi mà trước đây không ai nghĩ sinh vật nào có thể tồn tại được.
Các nhà thiên văn tuyên bố đã khám phá gần 300 hành tinh ngoài thái dương hệ của chúng ta, có vị còn cho biết chỉ là vấn đề thời gian trước khi những hành tinh tương tự như Địa Cầu được phát hiện thêm.
Tiến sĩ Marek Kukula, nhà thiên văn chính thức của Đài Thiên Văn Hoàng Gia Anh tại Greenwich, Anh quốc nói: “Một phần trong tôi ủng hộ những vị có lòng nhiệt tâm tìm hiểu. Tôi mong chúng ta cố gắng khởi xướng liên lạc với một nền văn minh thông thái hơn, hòa bình hơn.”
Ồ, môi trường quanh ta giờ đây có thể nới rộng đến những hành tinh khác! Theo lời các khoa học gia thì đời sống và con người "ngoài kia" cũng giống như trên Địa Cầu này. Như vậy là chúng ta có thể được biết thêm nhiều láng giềng khác. Biết đâu những "nền văn minh thông thái hơn, hòa bình hơn" mà tiến sĩ Kukula nói đến lại là những hành tinh ăn chay. Ăn chay do lòng thương thì chắc phải hiếu hòa hơn hiếu chiến rồi, ta hy vọng thế!

(Nguồn tham khảo:
http://www.cambridge-news.co.uk/cn_news_home/DisplayArticle.asp?ID=479598
http://www.telegraph.co.uk/science/science-news/7071013/Aliens-are-likely-to-look-and-behave-like-us.html
http://topnews.us/content/210373-scientists-initiate-active-approach-search-aliens)

Thursday, January 28, 2010

Khuôn Vàng Thước Ngọc: Cổ học tinh hoa (Việc nghĩa)


Đa số chúng ta đều đã đọc qua hay nghe nói đến quyển "Cổ Học Tinh Hoa," do Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc và Từ An Trần Lê Nhân biên soạn. Hôm nay mời bạn cùng thưởng thức một bài trong "Cổ Học Tinh Hoa." Trước hết, chúng ta hãy đọc trích đoạn Lời Tựa của tác giả viết tại Hà Nội vào ngày 21 tháng 10 năm Ất Sửu (1925):

"Chúng tôi có ý chọn những bài ngắn mà nghĩa lý hàm súc dồi dào. Những bài ấy tuy là truyện từ đời xưa bên Tàu, nhưng ứng dụng vào đời nào và ở đâu cũng được. Vì truyện tuy cổ, nhưng cái chân lý thì bao giờ cũng là một, mà bao giờ cũng như mới. Nào hiếu để, nào trung tín, nào lễ nghĩa, nào liêm sĩ, đến cả những việc kỳ quái, sinh tử; bài nầy chính giọng huấn giáo, bài kia rõ thể ngụ ngôn, truyện nầy nghiêm trang khắc khổ, truyện kia khôi hài lý thú; đức Khổng nói "Nhân" hồn nhiên như hóa công; ông Mạnh bàn "Nghĩa" chơm chởm như núi đá, Tuân Tử nói "Lễ" thật là đường bệ, Mặc Tử nói "Ái" thật là rộng rãi, hình danh như Hàn phi tử thật là nghiêm nghị khiến người mất bụng làm xằng, ngôn luận như Án Tử thật là thâm thiết khiến người dễ đường tỉnh ngộ, đến nói đạo đức như Lão Tử, bàn khoáng đạt như Trang Tử thật lại biến hóa như rồng, phấp phới như mây... các lý thuyết mỗi nhà một khác, có khi phản đối hẳn nhau, nhưng thực khiến cho người đọc vừa được vui, vừa phải đem tâm suy nghĩ."

Khổ Thân Làm Việc Nghĩa

Mặc Tử ở nước Lỗ sang nước Tề, qua nhà người bạn cũ, vào chơi.
Người bạn nói chuyện với Mặc Tử rằng:
- "Bây giờ thiên hạ ai còn thiết đến việc "nghĩa", một mình ông tự khổ thân để làm việc nghĩa, thì có thấm vào đâu! Chẳng thà thôi đi có hơn không?
Mặc Tử nói:
- "Bây giờ có người ở đây, nhà mười đứa con, một đứa cày, chín đứa ngồi ăn không, thì đứa cày chẳng nên càng chăm cày hơn lên ư? Tại sao thế? Tại đứa ăn không nhiều, đứa đi cày ít. Bây giờ thiên hạ chẳng ai chịu làm việc nghĩa, thì ông phải biết khuyên tôi càng làm lắm mới phải, có đâu lại ngăn tôi như thế!"


Lời Bàn:
Trong khi nhân tâm thế đạo suy đồi, mình là người còn đứng vững được, thì sao lại chịu suy đồi với thiên hạ cho cùng trôi một loạt. Vì nếu ai cũng như thế cả, thì còn đâu là người cảnh tỉnh được kẻ u mê để duy trì lấy nhân tâm thế đạo nữa? Cho nên những người thức thời, có chí, dù ở vào cái đời biến loạn đến đâu, cũng không chịu đắm đuối vào cái bất nghĩa, khác nào như: cây tòng, cây bách, mùa đông sương tuyết, mà vẫn xanh, như con gà trống, mưa gió tối tăm mà vẫn gáy. Những bậc ấy chẳng những thế mà thôi, lại còn đem bao nhiêu tinh lực tâm trí ra, cố gắng giữ lấy phong hóa mà dìu dắt, mà đưa đường cho những kẻ u mê đắm đuối. Như Mặc Tử đây, cho là đời là suy biến, coi sự làm việc "Nghĩa", sự cổ động việc nghĩa như cái chức vụ của mình phải làm, thực là người có công với loài người vậy.


*Mặc Tử: tên sách của Mặc Địch soạn, chủ nghĩa là kiêm ái, yêu người như yêu mình cũng gần giống chủ nghĩa của đạo Cơ Đốc và đạo Thích Ca.
*Tề: một nước chư hầu lớn, thời Xuân Thu Chiến Quốc, cũng ở vào địa phận tỉnh Sơn Đông bây giờ.
*Nghĩa: việc phải, việc hay mà người ta nên làm.
*Tự khổ thân: tự mình làm cho mình khó nhọc vất vả.


Wednesday, January 27, 2010

Vì Sao Ăn Chay: Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Hưng



Trong bài phỏng vấn của phóng viên RFA Quỳnh Như với tựa đề "Ăn chay và dinh dưỡng," phát thanh ngày 6 tháng 1, 2010, Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Hưng giải thích cặn kẽ theo nghiên cứu và khoa học vì sao ta nên ăn chay.
(Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/programs/LifeAndHealth/Health-life-magazine-Vegetarian-nutrition-QNhu%20%20-01062010221056.html)

Ăn chay ngoài việc góp phần bảo vệ môi trường còn giúp chúng ta phòng ngừa được những bệnh liên quan đến tim mạch. Nhưng ăn chay có đủ dinh dưỡng và đối tượng nào thì nên ăn chay?
Trước khi bàn đến chuyện ăn chay phải như thế nào, cần tìm hiểu về một chế độ ăn uống có đầy đủ các chất dinh dưỡng. Hiện tại mô hình Tháp Dinh Dưỡng được sử dụng khá rộng rãi và phổ biến vì nó cho người ta hình ảnh để dễ nhớ.
Dinh dưỡng
Tháp dinh dưỡng có hình giống như một kim tự tháp nhiều tầng, mỗi tầng tượng trưng cho một nhóm thực phẩm. Nhóm nằm ở dưới bao gồm những loại thực phẩm chúng ta cần dùng nhiều hơn. Tháp dinh duỡng có thể gồm từ 4 cho đến 6 hay 7 tầng, nhưng loại 4 tầng là thuận tiện nhất. 
Trong loại này, tầng dưới cùng là những thức ăn căn bản, cung cấp chủ yếu nguồn năng lượng cho khẩu phần ăn. chúng cũng cung cấp vitamin nhóm B và các loại chất xơ. Những thức ăn đó là các loại chất bột như gạo, mì, nui, bánh mì, hoặc một số loại khoai củ. Ở Việt Nam dùng gạo thì khoảng từ 200 – 400gr gạo, đối với người lớn.
Tầng thứ nhì là rau và trái cây, trung bình là khoảng 300gr rau và 200gr trái cây.
Tầng thứ ba là các thức ăn cung cấp chất đạm. Chất đạm có thể có nguồn gốc động vật như: Thịt, cá, trứng, sữa, tôm cua, nghêu, sò ốc, hến; hay thực vật các loại đậu đỗ khác nhau.
Và ở tầng trên cùng, là thức ăn cung cấp chất béo, gốc động vật hay thực vật , như mè, đậu phọng, dừa, các loại hạt có dầu, hay bơ, mỡ. Số lượng là khoảng 30gr trong một ngày.
Đảm bảo một chế độ ăn uống có đủ các chất dinh dưỡng là một yếu tố thiết yếu cho sức khỏe. Các chuyên gia dinh dưỡng còn dùng tam giác: ăn uống, vận động, và nghỉ ngơi để mô tả 3 yếu tố chăm sóc sức khỏe thể chất. Nhưng thế cũng chưa đủ. Cũng cần nhắc lại định nghĩa của Tổ chức Y Tế Thế giới: Sức khoẻ là sự thoải mái hoàn toàn về thể chất, tinh thần, xã hội và tâm linh.
Dù khác nhau về cả chất lẫn lượng thực phẩm cần dùng, nhưng nói chung, thì đối với mọi lứa tuổi, yêu cầu đầu tiên của một chế độ ăn để đảm bảo nhu cầu là đủ về mặt năng lượng , được đo bằng calori. Đối với người lớn thì còn tùy thuộc vào mức độ lao động và giới tính, nữ thì thấp hơn nam, trung bình thường từ 2.000 cho đến 3.000 calori. Để nhận biết một cách cụ thể, có thể nói nôm na là nếu chúng ta hơi béo, thì có lẽ chúng ta đã ăn dư, còn nếu chúng ta thấy yếu ớt, gầy ốm quá, thì có nghĩa là chúng ta ăn chưa đủ so với nhu cầu, hoặc có một bệnh lý gì đó cần phải chữa trị. Cho nên, cái cân phải được coi là một vật cần thiết cho mọi người.
Về phẩm chất, thì mỗi ngày chúng ta cần khoảng 4 loại chất dinh dưỡng khác nhau; trong đó có những axít amin, các loại vitamin tan trong dầu mỡ, tan trong nước, và các chất khoáng. Các chuyên gia dinh dưỡng đưa ra lời khuyên ngắn gọn là: Để đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng, chúng ta nên ăn đa dạng, và ăn nhiều loại thực phẩm khác nhau theo mô hình tháp đã mô tả, và lựa những thực phẩm giàu dinh dưỡng.
Nên nhớ là những hạt ngũ cốc còn nguyên vẹn, tức là chưa chà xát, chưa bóc lớp vỏ bên ngoài, ví dụ như gạo lứt, hoặc bánh mì đen hay các loại rau quả chưa qua chế biến thì tốt hơn hẳn so với những thực phẩm đã chế biến như các loại bánh kẹo, nước ngọt có ga, đường trắng, gạo trắng, bánh mì trắng. Lý do là vì trong những thực phẩm chế biến, người ta thường phải bổ sung nhiều loại hóa chất khác nhau để bảo quản nó, để tạo hương, tạo mùi, tạo vị.
Một lời khuyên nữa là chúng ta nên chọn thực phẩm theo mùa, tại chỗ, thay vì những loại đã được lưu trữ một thời gian dài hay cần vận chuyển xa.
Đạm động vật hay thực vật?
Một vấn đề được đặt ra là: Ăn chay có đầy đủ dinh dưỡng hay không? Và có thể hoàn toàn thay thế lượng đạm trong thịt cá với các thức ăn gốc thực vật không? Quỳnh Như mời quý thính giả theo dõi cuộc trao đổi với Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Hưng, nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh Dưỡng Thành phố Hồ Chí Minh về vấn đề này:


Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Hưng

BS Nguyễn Thị Kim Hưng: Lâu nay chúng ta cứ nghĩ chỉ có thịt cá mới giàu chất đạm, nhưng thực ra thì lượng chất đạm trong các loại đậu đỗ cao hơn trong thịt cá, nhất là đậu nành. Trong thịt cá thì lượng chất đạm trung bình là từ 12 đến 20% trong lượng của nó, trong khi các loại đậu đỗ thì lượng chất đạm chiếm từ 20 đến 40%, đậu nành là 35 – 40 %, còn những loại đậu đỗ khác ít nhất cũng trên 20%, như vậy lượng chất đạm trong các loại đậu đỗ thì cao hơn. Sữa cũng là một nguồn chất đạm nên ta có thể sử dụng sữa, phô-mai.
Quỳnh Như: Vậy nếu ăn chay mà không dùng sữa hay các sản phẩm từ sữa thì sao?
BS Nguyễn Thị Kim Hưng: Trong trường hợp ăn chay mà không dùng sữa, phô-mai thì chúng ta nên lưu ý vấn đề về vitamin B12, vitamin này thường có trong những sản phẩm lên men ví dụ như tương, chao. Nếu chúng ta không sử dụng những sản phẩm đó thì chúng ta lưu ý khi mua thực phẩm nên chọn những sản phẩm người ta có bổ sung vitamin B12. Như vậy là chất đạm trong chế độ ăn chay không bao giờ bị thiếu.
Ở Hoa kỳ người ta khảo sát thì thấy ngay những như người ăn chay lượng chất đạm cũng gấp đôi nhu cầu khuyến nghị. Nhu cầu chúng ta cần hằng ngày khoảng 10% tổng số năng lượng, nhưng trên thực tế chúng ta ăn vuợt qua số lượng đó.
Quỳnh Như: Ăn nhiều chất đạm quá thì có lợi hay hại đối với cơ thể con người?
BS Nguyễn Thị Kim Hưng: Ăn quá nhiều chất đạm cũng là một điều bất lợi vì chất đạm tạo môi trường axit trong cơ thể, là nguồn gốc của rất nhiều bệnh tật. Môi trường này cũng lấy calcium từ xương để trung hòa nên nó thải calci, và làm loãng xương.
Đó là lý do tại sao bây giờ ở nhiều quốc gia trong đó có cả Hoa kỳ, người ta uống sữa rất nhiều nhưng số người bị loãng xương chiếm tỉ lệ rất cao, là do lượng chất đạm quá nhiều trong khẩu phần ăn. Và lượng chất đạm quá nhiều như vậy cũng gây ra các bệnh lý về tim mạch, các bệnh lý về ung thư và nó làm cho gan, thận phải hoạt động rất nặng nhọc. Nên các tế bào mau già cỗi hơn, chúng ta mau già hơn, các cơ quan, bộ phận mau bị thoái hóa hơn. Như vậy việc ăn chay, nếu nó giảm bớt các chất đạm lại là một điều tốt cho chúng ta. Bà con ăn chay hay ăn mặn thì cũng chú ý không nên ăn quá nhiều chất đạm.
Quỳnh Như: Thưa Bác sĩ, giữa ăn chay và vấn đề sức khoẻ có mối quan hệ gì không?
BS Nguyễn Thị Kim Hưng: Ăn chay đóng góp cho việc bảo vệ sức khoẻ bởi vì chúng ta biết chất đạm của động vật và chất béo của động vật chứa rất nhiều cholesterol, làm tăng nguy cơ bị bệnh lý tim mạch, cao huyết áp, động mạch vành, tăng cholesterol, tăng nguy cơ gây ra ung thư.
Hiệp hội Tiết chế Hoa kỳ có một thông báo là 8/10 trường hợp ung thư ở Hoa kỳ là liên quan đến cách ăn uống. Việc ăn các thức ăn động vật cũng làm tăng bệnh gout, tức là bệnh thống phong do nó tạo nên lượng axit uric rất cao cho nên cơ thể của chúng ta không đào thải ra được, và người ta thấy còn tăng thêm những bệnh lý ở đường tiêu hóa.
Và 95% ngộ độc thực phẩm là có nguồn gốc động vật, xuất phát do các vi khuẩn, các động vật bị nhiễm bệnh nhưng người ta vẫn dùng nó trong chế biến thực phẩm, rồi đến do các hóa chất người ta sử dụng trong chăn nuôi, nhất là các hormon tăng trưởng, rồi người ta cũng phải sử dụng nhiều loại thuốc kháng sinh để cho động vật nó không bị nhiễm bệnh vì chăn nuôi dầy đặc như vậy, và các hóa chất bảo vệ thực vật trong các thức ăn cho gia súc hàm lượng rất cao và tích lũy trong động vật bởi vì động vật phải ăn một số lượng thực vật rất lớn mới tạo nên một ký động vật cho nên những hóa chất trong các thực phẩm này lại tích lũy nhiều hơn trong thực vật mà chúng ta ăn trực tiếp.
Nhiều khi bà con lo ngại các loại rau, củ, quả bị nhiễm hóa chất nhưng tại Hoa kỳ người ta cũng thấy đa số hóa chất bảo vệ thực vật trong cơ thể của con người thì có nguồn gốc từ động vật, chứ không phải từ các loại rau, củ, quả. Mà những loại hóa chất này ở trong thịt thì chúng ta không có cách gì loại trừ được, nếu ở trong các loại rau, củ, quả chúng ta có thể rửa, ngâm, gọt lớp vỏ bên ngoài để loại trừ bớt.
Ai nên ăn chay?
Quỳnh Như: Thưa Bác sĩ những ai nên ăn chay, và những ai thì không nên ăn chay;cụ thể là phụ nữ có thai, hoặc trẻ em thì có nên ăn chay không?
BS Nguyễn Thị Kim Hưng: Tất cả mọi người nếu có thể đều nên ăn chay hết. Khi khảo sát cấu trúc cơ thể của con người, người ta thấy con người phù hợp với thức ăn thực vật chứ không phải thức ăn động vật. Những loài ăn động vật có cấu trúc đặc biệt để tiêu hóa thức ăn động vật. Răng, móng, vuốt, dạ dày… Dạ dầy của nó tiết dịch gấp 10 lần so với dịch dạ dầy của chúng ta, nước bọt của nó không có chất tiêu hóa tinh bột, nước bọt của chúng ta có chất kiềm nên tiêu hóa tinh bột.
Và chiều dài của ruột ở loài động vật ăn thịt rất ngắn, chỉ gấp 3 thân mình của chúng, nên khi chúng ăn thức ăn động vật, axit rất mạnh giúp tiêu hóa nhanh và thải ra rất nhanh. Còn ruột của người rất dài gấp 10, 12 lần chiều dài của thân mình, giống như ruột các loài động vật ăn thực vật như trâu bò chẳng hạn, rất dài để tiêu hóa thức ăn thực vật. Với chiều dài của ruột như vậy cho nên với thức ăn động vật nằm lâu trong đó sẽ tạo nên một số chất độc hại và ngấm ngược trở lại cơ thể và có thể đầu độc chúng ta. Cho nên có thể gây bệnh lý ung thư nhất là ở đường tiêu hóa.
Và lá gan của chúng ta không hoạt động mạnh như gan của các loài động vật nên không thải được các axit uric nhiều như các loài động vật. Cho nên chúng ta tích lũy axit uric, và như vậy có thể dẫn đến bệnh lý gọi là gout hay là bệnh thống phong. Như vậy thức ăn phù hợp với loài người nhất chính là thức ăn thực vật. Khi chúng ta ăn thịt nhiều chúng ta thấy nặng nề hơn ăn thức ăn thực vật. Cho nên ăn thức ăn chay có tác dụng bảo vệ. Hiệp Hội Tiết chế Hoa kỳ (ADA) cũng như Hiệp Hội Y khoa của Anh quốc (BMA) đã tuyên bố là ăn chay đủ chất dinh dưỡng cho tất cả mọi đối tượng không loại trừ ai, kể cả phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, người già, và các vận động viên.

Ngay hôm nay, 
hãy là một Vì Sao Ăn Chay.


Tuesday, January 26, 2010

Bạn Thú Mến Yêu: Bò cứu người thoát chết


 Em đang thiền đây. Mắt trí huệ của em có hình trái tim.
 

Trong tiếng Phạn, các danh từ dùng để chỉ loài bò bao gồm Go-mata (mẹ bò), Kamadhenu (như ý), và Aghnya (không bao giờ nên giết). Nhưng ngày nay, người ta lại giết bò, giết đi một người mẹ tốt trong vũ trụ, luôn thầm lặng hy sinh, và vì chúng ta đi ngược lại đạo lý từ bi bác ái, nên thế giới có những điều không như ý. Bò giúp loài người chúng ta rất nhiều, và sau đây là một trong những câu chuyện có thật về bò cứu mạng người. Bài này trích từ báo Dân Trí. Ta hãy nghe lời thuật lại của chị Nam. 
(Nguồn: http://dantri.com.vn/c20/s20-361597/thoat-chet-than-ky-nho-cai-duoi-bo.htm)

(Dân trí) - “Nếu không nhờ cái đuôi con bò thì tôi đã bị nước cuốn trôi mất xác”, chị Phạm Thị Nam (49 tuổi, ở thôn Tân Long, huyện Đồng Xuân) nhắc tới con vật nuôi đã cứu chị thoát chết trong cơn lũ lịch sử ở Phú Yên vừa qua với đầy vẻ biết ơn.

Chị Nam nhớ lại đêm lũ kinh hoàng nhưng đầy may mắn của mình. Nhớ lại trận lũ dữ hôm đó, người may mắn thoát chết thần kỳ vẫn chưa hết bàng hoàng: “Trong đêm mà nước lớn, mấy người xóm ngoài giữ lại nhưng tôi chẳng yên bụng, chạy về nhà xem ba con nó thế nào. Chẳng ngờ nước lớn dữ quá, về gần tới nhà tôi bị hẫng chân, nước cuốn vô chỗ xoáy. Tôi la kêu cứu thất thanh mà không ai nghe thấy. Càng lúc càng đuối. Đuối quá, tôi thả tay buông xuôi, nghĩ mình sắp chết rồi.

Đúng lúc, có con bò trôi ngang qua chỗ tôi. Tôi cố với tay nắm lấy đuôi con bò, ôm lấy nó ngoi mặt lên khỏi biển nước. Nó bơi được đến đâu, tôi bơi được tới đó. Hàng giờ liền như vậy, tôi với nó đáp vào một chỗ cao. Lúc ấy trời vừa hửng sáng. Tôi quờ tay, con bò đã chết vì lạnh. Còn tôi, nhờ cái áo mưa mặc từ lúc ở xóm ngoài về nhà nên thoát. Tôi lả đi, trời sáng hẳn, người ta mới tìm thấy tôi trên mô đất. Lúc ấy, tôi mới mơ hồ biết rằng mình sống được, nhờ con bò mà tôi sống được”.


 Hai mẹ con chúng em xin đa tạ quý vị 
cho chúng em được sống bình yên bên nhau 
như quý vị và gia đình vậy.

Nếu bò cứu mạng người thì chúng ta hãy làm một cử chỉ đẹp để đền ân trọng: người cứu mạng bò. Hãy ăn chay!

Monday, January 25, 2010

Bếp Chay Thanh Nhẹ: Hướng dẫn nấu ăn chay


 Bánh hỏi chay tuyệt vời ~ Ảnh: Quán chay Bác Ái, Ô Môn

Nước ta với bao ngàn năm văn hiến đã thấm nhuần đạo lý vì hạt giống tâm linh thương yêu đã được ân cần gieo từ thuở khai thiên, nên dân tộc ta rất quen thuộc với phong tục ăn chay.

Dù ta đặt niềm tin vào cội nguồn tâm linh nào, từ Bà La Môn giáo, đạo Cao Đài, Cơ Đốc Phục Lâm, Công giáo, Hòa Hảo, Hồi giáo, hệ phái Khất sĩ Việt Nam, Kỳ Na giáo, Phật giáo, Sai Baba, Tin Lành, Thông Thiên Học, đến bất kỳ một tín ngưỡng nào trên Địa Cầu, người Việt Nam ai cũng đều nghe nói đến ăn chay. Những lúc nguy cấp, có người trong chúng ta cũng khấn nguyện ăn chay nếu được cứu độ, tai qua nạn khỏi.

"Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tông"
~ Đại lão Hòa thượng Huyền Không Thích Mãn Giác

Nền tảng tâm linh, mái chùa bên trong, nơi ẩn trú thiêng liêng cho mỗi linh hồn chúng ta đã hiện hữu từ bao ngàn năm qua và đó là một điều vạn phước cho dân tộc Việt Nam. Một đóa hoa quý báu vô ngần như vậy, ta nên vun bồi, chăm sóc, để hoa tâm ngày càng thêm rạng rỡ, tỏa ngát hương thơm và làm đẹp cho đời.

Một điều may mắn khác là chúng ta được sống trong một thế giới với kỹ thuật thông tin tương đối nhanh chóng, không phải đi bộ hàng cây số dài để thông tin từ làng này sang làng khác. Ngày nay, ta sống trong một ngôi làng toàn cầu, chia sẻ những tin hay, tin đẹp qua kỹ thuật hoàng kim.

Các món ăn chay được hướng dẫn trên mạng rất nhiều. Bếp Chay Thanh Nhẹ xin giới thiệu một vài trang tiêu biểu với nhiều công thức (và những trang đó cũng liên kết với các trang ăn chay khác), kể ra có thể trên hàng ngàn món ăn quốc tế, nên việc tìm hiểu về ăn chay ngày nay rất dễ dàng, tiện lợi cho bạn. Mời bạn cùng ăn chay nhé.

Đậu hủ áp chảo ~ Ảnh: Lối Sống Mới    
Tu Viện Quảng Đức     * Trang Ăn Chay của Tu Viện Quảng Đức có nhiều bài vở giá trị và các công thức chay từ A-Z. Thêm vào đó, nói chung trang mạng Quảng Đức có một bầu không khí thanh thoát, ôn hòa, không phê phán và chỉ trích ai cả. Đây là một điểm khiến người xem vừa kính phục, vừa cảm thấy thoải mái.     
Nấu Ăn Chay     * Được ra mắt đúng vào ngày Lễ Mẹ tháng 5 năm 2007, trang Nấu Ăn Chay sưu tầm nhiều công thức ăn chay và thông tin bổ ích về dinh dưỡng. Hình ảnh đẹp và phong phú. Người xem tìm thấy nhiều tin mới lạ và thú vị.     
Ẩm Thực Chay và Pháp Thực
* Trang Ẩm Thực Chay và Pháp Thực mang đến cho ta một cảm giác rất thân quen, gần gũi như người trong gia đình chia sẻ những điều tốt cho nhau. Các món ăn đơn giản và được nấu với tình thương nên cũng rất... dễ thương.    
Món Ăn Thuần Chay Việt Nam (tiếng Anh)     * Trang Vietnamese Vegan Cuisine (Món Ăn Thuần Chay Việt Nam) do lời yêu cầu của các bạn ngoại quốc thích các món ăn chay Việt Nam. Trang này tổng hợp các công thức và hướng dẫn nấu những món chay Việt Nam bằng tiếng Anh.
Cà tím kho tộ ~ Ảnh: Gia Chánh Vô Thượng
 

Sunday, January 24, 2010

Người Trường Chay: Cải lương chi bảo nữ nghệ sĩ Bạch Tuyết

Award-winning performing artist Bạch Tuyết
is a vegetarian and meditator.
(VNAC) - Trong kho tàng văn hóa dân tộc nước ta, cải lương là một bộ môn nghệ thuật vô giá. Tiếng nhạc trầm bổng, lời ca thâm thúy, sự sáng tạo vô bờ của nhà soạn giả, nỗi rung động thiết tha của nghệ sĩ trình diễn, nét tài hoa của nhạc sĩ cổ nhạc, hòa cùng triết lý đạo đức lồng trong hàng bao vở tuồng và lòng ngưỡng mộ chân-thiện-mỹ của khán thính giả... là nhân duyên kết hợp thành một món quà tuyệt vời cho chúng ta trong đời sống trên Địa Cầu này.

Và bạn có biết, một nghệ sĩ thanh sắc vẹn toàn của quê hương ta là một người trường chay? Cải lương chi bảo nữ nghệ sĩ Bạch Tuyết quả là một viên ngọc mỹ miều, trong sáng. Không lời nào có thể tả hết những đóng góp của chị, và càng hãnh diện hơn khi đất nước chúng ta có một nghệ sĩ từ bi, đặt tâm linh làm nền tảng cho cuộc đời mình. Có Đạo là có tất cả.

Sau đây là bài viết của Hoàng Nghĩa Nam:

“Tôi ăn cơm chay tính đến nay đã hơn 20 năm….” Đó là bộc bạch của NSƯT Bạch Tuyết - Người đoạt giải Triển vọng Thanh Tâm năm 18 tuổi, danh hiệu “Cải lương Chi Bảo” năm 21 tuổi.

Chị cũng là người có học vị cao nhất trong đội ngũ diễn viên cải lương từ trước đến nay. Sau khi tốt nghiệp khoa Ngữ văn - Đại học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, chị tiếp tục học ở Viện Hàn lâm Bungary và Viện Hàn lâm Kịch nghệ Hoàng gia Anh để bảo vệ thành công luận án tiến sĩ.
Ít ai biết để thành danh như hôm nay, NSƯT Bạch Tuyết đã trải qua những ngày tháng đầy tủi cực. Mẹ mất lúc mới lên 10 tuổi, chị được gởi vào trường dòng học nội trú. Ở tuổi này, chị đã nghĩ đến chuyện cắt tóc đi tu, bởi chị không thể quên được cái chết bi thảm của người mẹ do tai nạn giao thông.
Có thể nói, cuộc đời chị đã rẽ sang một hướng khác kể từ ngày Bạch Tuyết may mắn gặp tài nữ Thanh Nga - Một “nữ hoàng” trên sân khấu cải lương thời đó. Trước khi trở thành một nghệ sĩ, chị cũng đã từng là một khán giả hâm mộ nghệ sĩ Thanh Nga - người từng thành công với vai Thái hậu Dương Vân Nga.
NSƯT Bạch Tuyết nhớ lại, một buổi chiều đi học về, cùng lũ bạn đứng thập thò xem NS Thanh Nga tập tuồng và rủ nhau… xin hình! Được NS Thanh Nga tặng hình, ký tên và không hiểu vì lý do gì, NS Thanh Nga bất ngờ… nựng má chị hỏi: “Em có biết ca hát gì hôn?.” Bạch Tuyết đáp: “Em cũng có ca… tân nhạc!.” NS Thanh Nga lại hỏi tiếp: “Em đi hát đi! Khuôn mặt em mà đi hát là nổi tiếng lắm đó.” 

Không ngờ, 2 năm sau, Bạch Tuyết đặt chân vào nghệ thuật để rồi tiếp đến 2 năm nữa, chị lãnh giải Triển vọng Thanh Tâm - một giải thưởng uy tín của giới sân khấu cải lương miền Nam trước 1975. Người bạn diễn và cũng là người gắn huy chương vàng giải Thanh Tâm cho chị năm đó lại chính là NS Thanh Nga.

NSƯT Bạch Tuyết đã ngộ đạo Thiền và được sư phụ đặt pháp danh là Diệu Lộc. Giữ nếp ngồi thiền mỗi ngày cùng với ăn chay trường, mà trong cuộc gặp với chị tôi nhận ra một điều: Chị thật trẻ so với cái tuổi sinh năm 1945 của mình.
Đến với Thiền từ năm 1979, chị xem đó là một cách chống lại stress của đời sống công nghiệp. “Thiền giúp tôi sống khỏe mạnh về thể chất, bình yên về tâm hồn - chị nói - Cũng đã hơn 20 năm tôi chỉ ăn rau, không ăn thịt cá...Thoạt đầu nhiều người lo ngại cho tôi không đủ sức khỏe, ảnh hưởng đến thanh sắc. Tôi cũng có cảm giác lo lắng. Nhưng rồi tự thấy những chuyến lưu diễn xa đều không biết mệt… Ngày trước ở những vai diễn bi thương tôi tập trung tư tưởng một cách mệt nhọc, khi diễn xong suất diễn tôi thấy thân thể rã rời. Còn giờ đây, ở những trường đoạn bi thương, tôi nhận ra cảm xúc đến hồn nhiên, giọt nước mắt cứ trào ra nhẹ nhàng, thanh thoát….”

Tâm sự của chị cũng là câu trả lời cho nhiều khán giả vẫn tự hỏi, làm thế nào mà NSƯT Bạch Tuyết giữ được sức khỏe, chất giọng tốt để có thể đảm nhận diễn kịch một mình trong “Hoàng hậu của hai vua” kéo dài hơn 1 tiếng 10 phút.

Chị vào Nam ra Bắc như con thoi. Đi đâu chị cũng chỉ được thết đãi cơm chay. Ra Bắc, ghé quán Ngọc Thụ - một trong những tác giả có nhiều vở diễn ở sân khấu phía Nam. Vợ chồng ông khéo léo làm một đĩa phở chay xào ngon lành cho “Phật tử di động” - chữ của đạo diễn Lê Chức dành cho NSƯT Bạch Tuyết.

Ghé nhà NSND Phạm Thị Thành, họ cùng cuốc bộ ra chùa Quán Sứ lễ phật và ăn chay… Có thời chị còn tự làm món “chay” hết sức độc đáo cho mình. Ở ban công nhà chị, có những đám lúa xanh rì, nhỏ xíu mọc lên. Chị áp dụng một công nghệ của Mỹ, trồng cây lúa chỉ với nước và không khí. Lúa này đem xay như sinh tố, uống vào theo chị sẽ giữ được sự trẻ trung của cơ thể.

“Tôi thiền tại gia, không có cầu mong điều gì cao xa mà chỉ muốn có sức khỏe và làm được nhiều việc có ích cho đời," chị nói. NSND Phùng Há cũng rất hãnh diện về Bạch Tuyết. Má Bảy nói: “Tôi đã chọn Bạch Tuyết là người tiếp nối sự nghiệp sân khấu cải lương và nối tiếp tôi trong công việc từ thiện.”
Bạch Tuyết thổ lộ: “Những khi lặn lội vào vùng sình lầy để đến với người nghèo là để nhắc mình đừng quên “mình từ đâu đến và rồi sẽ đi về đâu”, chứ không phải đi làm phước....18 tuổi, có tiền trong tay, tôi đã nghĩ đến những đứa trẻ hẩm hiu.” Cô Ba Bạch Tuyết nói vậy.

Nhìn những em bé chân trần đen đủi đang chạy dọc hai bên bờ kênh, cố đuổi theo chiếc xuồng có chở NSƯT Bạch Tuyết trong chuyến về Tân Châu - An Giang cứu trợ, chị hồn nhiên cười bảo: “Mình cũng đã lớn lên từ một tuổi thơ như thế.”
Với gia đình, sau những năm tháng chung sống bên người chồng là cầu thủ bóng đá nổi tiếng - Phạm Huỳnh Tam Lang (Huấn luyện viên đội bóng Cảng Sài Gòn sau này), đôi trai tài gái sắc này chia tay. Họ gặp nhau vào năm 1967, khi đội tuyển bóng đá trước ngày đi tranh giải Merdeka ở Malaysia đến xem đêm hát của đoàn bầu Xuân.

Bạch Tuyết được cử thay mặt đoàn hát lên choàng hoa cho thủ quân Tam Lang để chúc lành cho đội bóng. Khi đội bóng chiến thắng trở về, họ gặp lại nhau… Và họ cũng đã có những ngày hạnh phúc.

“Cho đến nay đã trải qua 32 năm, tôi cảm nhận rằng cuộc chia tay đó đã giúp chúng tôi có thời gian dành trọn cho nghề nghiệp. Tôi may mắn gặp được người chồng sau như ý nguyện và anh Tam Lang cũng vậy.” NSƯT Bạch Tuyết gặp người bạn đời mới trong giới kinh doanh, tâm đầu ý hợp.

Má Bảy Phùng Há vẫn khen dài: “Cậu Ba Đức chẳng những không hề gây trở ngại cho vợ là một đào hát thanh sắc vẹn toàn, đã và đang được nhiều người ái mộ, mà đã hỗ trợ, chắp thêm cánh cho Bạch Tuyết phát triển trên con đường nghệ thuật. Đó là thái độ quý hiếm của một người chồng lấy vợ đào hát.”
Với người chồng Ba Đức, họ có chung cậu con trai - Valery Bảo Giang. “Val ra nước ngoài sống từ năm lên 12 tuổi. 17 năm xa quê rồi nhưng trong từng câu nói với cha mẹ, bao giờ đầu câu cũng là tiếng ‘dạ thưa’ quen thuộc. Tôi yêu con và tự hào về con trai mình. Trong chuyến sang Mỹ thăm con trai, món quà duy nhất tôi mang theo cho con là chiếc đàn bầu. Ngày đám cưới, Val gẩy đàn bầu cho tôi ca bài vọng cổ ‘Lòng mẹ.’ Nghệ thuật kỳ diệu và thiêng liêng vô cùng, đã nối dài thêm tình yêu của mẹ con và gia đình tôi.”

Gần đây, khán giả truyền hình được gặp lại NSƯT Bạch Tuyết qua vai diễn Cô Lựu trong vở cải lương “Đời cô Lựu” của chương trình Nhà hát Truyền hình trên VTV. NSƯT Bạch Tuyết bộc bạch, bao nhiêu đêm bước ra sân khấu cùng cô Lựu hay Thái hậu Dương Vân Nga là bấy nhiêu đêm chị sống trọn vẹn cho nhân vật của mình.
Trăn trở trước hiện trạng sân khấu hôm nay, chị cho rằng, nếu từ thập kỷ 60 (thế kỷ trước) trở về trước, khán giả đi tìm sân khấu, thì từ thập kỷ 60 trở về sau sân khấu lại đi tìm khán giả. Trong “lộ trình” mang tính quy luật này, sân khấu cải lương vẫn đang thao thức kiếm tìm những kịch bản hay, hình thành một đội ngũ làm nghề chuyên nghiệp và một sân khấu chính quy, hiện đại, được tiếp thị một cách linh họat…

Nhưng, NSƯT Bạch Tuyết tin rằng, một ngày không xa, sân khấu dân tộc sẽ trở lại thời hoàng kim của nó. Sân khấu dân tộc sẽ tiếp nối bằng một thời đại mới. Cũng có thể, đến thời điểm này, chúng ta phải làm quen với cụm từ “truyền thống mới” của sân khấu dân tộc.

Chúng ta vẫn khai thác các khuôn mẫu từ Súy Vân, Hồ Nguyệt Cô, Thị Mầu nhưng bằng một hơi thở sáng tạo của ngày hôm nay, cũng như phát triển nguồn âm nhạc tài tử, âm nhạc sân khấu cải lương vào trong những vấn đề của cuộc sống con người ngày nay là nhu cầu sáng tạo tất yếu của các thế hệ NS cải lương kế tiếp. “Tôi tin vào thời hoàng kim của một thế hệ sân khấu mới đang đến.”


Saturday, January 23, 2010

Bạn Thú Mến Yêu: Câu chuyện tiền kiếp

Trong Áo Nghĩa Thư (Bhagavad Gita) của Ấn Độ giáo, Đấng Krishna có giảng: “Giống như thân thể vật chất cởi bỏ y phục cũ kỹ và khoác vào bộ quần áo mới, bản thể vô tận vĩnh hằng cũng bỏ thân thể cũ và bước vào những thân thể mới.” Điều này nêu lên chân lý rằng đời sống luôn tiếp diễn dưới một hình thức này hay hình thức khác.

"Tiền Kiếp Và Kim Sanh Của Con Heo"
Trích "Duyệt Triệt Thảo Đường Bút Ký", thời Càn Long nhà Thanh,
của Kỷ Hiểu Lan

Có một vị tăng lữ cao niên, mỗi lần đi ngang lò sát sanh, lão đều tự dưng sa lệ, và rồi nhắc đến chuyện tiền kiếp của mình:

Câu chuyện hơi dài dòng, tôi chỉ nhớ có hai tiền kiếp. Kiếp thứ nhất, tôi làm đồ tể chuyên sát sanh, hơn 30 tuổi thì qua đời. Linh hồn tôi bị mấy sứ giả âm phủ tóm đi, bỏ vào địa ngục. Quan thẩm phán trách tôi tội sát sanh quá nặng, giải hồn tôi đến chuyển luân của âm phủ nhận quả báo ác khổ. Tôi chỉ thấy mơ mơ màng màng, thần thức đâu đó, như say rượu, như nằm mơ, đầu óc nóng vô cùng, vừa cảm thấy mát mẻ đôi chút, thì đã nằm trong chuồng lợn, chuyển kiếp thành con heo.

Từ lúc dứt sữa, chỉ thấy người ta cứ đem thức ăn dư hôi thối cho ăn. Trong lòng tuy biết những thứ này dơ bẩn, muốn nhịn không ăn, nhưng lại đói quá chịu không nổi, ngũ tạng lục phủ như bị thiêu đốt rất khó chịu, bất đắc dĩ phải ăn để sống. Rồi tôi dần dần hiểu được ngôn ngữ của heo, nói chuyện với các bạn heo, mới biết rất nhiều heo vẫn nhớ tiền kiếp của mình, chỉ vì làm thân súc sanh, ngôn ngữ bất đồng với loài người, không thể câu thông vậy thôi. Lúc sắp bị làm thịt, cũng hiểu được phần nào, đa số phát ra những tiếng kêu sầu khổ, nước mắt tuôn tràn.

Thân thể của heo nặng nề và khó đi. Mùa hạ rất sợ nóng, phải ngâm mình trong sình để được mát. Tuy nhiên nguyện vọng này cũng thường không được hưởng trọn. Lông dầy, cứng và thưa, mùa đông rất sợ lạnh, nhìn những con chó hoặc cừu có lông dày như tấm thảm, thật sướng như tiên còn gì.

Đến sắp lúc bị tóm đi làm thịt. Tuy biết là khó tránh cái chết, nhưng cứ vùng vẫy, muốn kéo dài thời gian tử hình. Chẳng mấy chốc bị đồ tể tóm được, bị đạp lên mình, cổ họng bị cột lại, bốn cái giò bị cột bằng dây, xiết chặt đến tận xương, đau như dao cắt. Rồi chúng tôi được đưa đi bằng thuyền hoặc xe, nhiều con heo chen chúc nhau, xương sườn đụng nhau như bị gẫy, mạch máu chảy không điều hòa, bụng phình như sắp bị tung ra. Có khi mấy con bị sâu lưng lại bằng cây tre và khiêng đi, đau muốn chết.

Đến lò sát sanh liền bị vứt dưới đất. Tôi thấy thớt dao bày bên tay trái, nồi nước sôi lớn đang bốc khói bên tay phải. Nghĩ đến những con dao và nước sôi tát lên mình sẽ đau khủng khiếp, cả người tôi run rẩy lên. Có khi nghĩ đến mình sắp bị chặt ra thành từng mảnh, không biết sẽ biến thành nồi canh của nhà bếp nhà nào, thật thảm thiết tuyệt vọng.

Lúc tôi sắp bị làm thịt, cảm thấy kinh hãi và xây xẩm khi bị đồ tể tóm lấy. Bốn cẳng đều mềm nhũng, tâm rúng động, hồn phách như sắp bay ra từ đỉnh đầu. Khi tôi được đặt trên miếng thớt, thấy lưỡi dao óng ánh, không dám nhìn thẳng vào nữa, chỉ nhắm mắt chờ bị giết. Đồ tể lấy dao rạch ở cổ trước, đâm lưỡi dao vào cho máu đổ ra trong thau, thật đau đớn không ngôn ngữ nào tả xiết, muốn chết ngay cũng không được, chỉ biết kêu la thê thảm, đến máu chảy hết, bị đâm một phát vào tim, đau nhói đến tâm can, không còn phát ra tiếng kêu được nữa, thần thức từ từ rời xa và trở nên ngẩn ngơ, như lúc mới chuyển kiếp, say mê như nằm mơ.

Phải qua một thời gian rất lâu, nhìn lại thấy hồn phách mình thì đã đến âm phủ rồi. Quan thẩm phán thấy trong quá khứ hãy còn có làm một số việc lành, mới xử cho làm người trở lại. Cho nên kiếp này, gặp con heo này sắp bị mổ, tôi thấy rất thương tiếc, nghĩ đến người giết nó sau này cũng sẽ chịu số mệnh bị giết lại; và nhớ đến những đau khổ mình đã gánh chịu trong quá khứ, ba thứ ưu tư triền miên trong tâm thức, chả biết vì sao nước mắt đã tuôn rơi tự bao giờ.

Ông đồ tể nghe lão nói đến đây, tức thì vứt bỏ lưỡi dao, đổi làm nghề bán rau.

http://wwww.datviet.com/blogs/forums/ta-n-ngae-ng/177451-ngae-ng-ngae-c-ae-i-tha-va-t.html

 

Friday, January 22, 2010

Môi Trường Quanh Ta: Làm sạch quê hương

Trên trang Phù Sa, Thầy Chân Pháp Đăng đã chia sẻ một bài viết đầy tình thương về ý thức giữ thơm đất mẹ Việt Nam. Lời Thầy chí lý, chí tình, ta hãy lắng nghe và cố gắng thực hành. Hãy làm một điều cụ thể cho quê hương.

"Tình yêu là bảo vệ" - câu này quá tuyệt. Kính xin cảm ơn Thầy, và mong các bạn nhanh chóng góp một bàn tay. Người Việt Nam mình có câu "nhiều tay vỗ nên kêu." Khi bạn tích cực làm đẹp cho môi trường sống chung quanh, không những bàn tay thiên thần của bạn đơn thuần tạo nên tiếng kêu, mà còn là tiếng nhạc réo rắc trong không gian bát ngát, vì châm ngôn cổ Do Thái có nói rằng "sạch sẽ là gần với thánh thiện."

Một ngày thứ sáu bình an đến với bạn. Hôm nay ngày chay đấy, bạn hưởng ứng nhé!

Yêu Quê Hương

Tôi đã xa quê hương từ lúc còn rất trẻ, nên tâm hồn vẫn lưu lại những kỷ niệm và hình ảnh rất dễ thương của người Việt Nam. Hồi đó, quê hương tuy còn nghèo, nhưng người dân biết lo lắng cho nhau. Tới nhà nào, ta cũng được mời dùng cơm mặc dù bữa cơm chẳng có gì là thịnh soạn, cao lương, mỹ vị cả. Nhưng tình người thật là đậm đà. Nhà nào cũng luôn mở cửa ra để bà con hàng xóm đến chơi, để có cơ hội chia sẻ cho nhau những vui buồn trong cuộc sống. Những đứa trẻ con như tôi đi học không hề tốn đồng bạc của cha mẹ. Tất cả học phí đều được nhà trường, bộ giáo dục lo lắng hết sức chu đáo. Sách giáo khoa cũng do nhà thường phân phát cho học trò học. Các thầy cô giáo là những người thiệt gương mẫu, đạo đức, giảng dạy tận tình, thương yêu, chăm sóc chu đáo cho học trò như con ruột của mình. Bởi thế học trò yêu thầy cô giáo như yêu chính cha mẹ của mình. Các bạn học của tôi đều là những con người có tình có nghĩa. Học với nhau đã mấy mươi năm rồi, thế mà anh chị em vẫn còn liên lạc với nhau để lo lắng mà chăm sóc và nâng đỡ cho nhau, đặc biệt là mỗi khi gia đình của một bạn nào gặp phải khó khăn, tang tóc, mất mát... Có một lần ấy về thăm quê, tôi cùng hai người bạn học đi thăm cô bạn học đã hơn ba mươi năm chưa từng gặp lại. Thế mà, khi đối mặt nhau thì tự nhiên chúng tôi nhận ra khuôn mặt quen thuộc và thân yêu của nhau liền. Tại sao thế? Bởi vì hồi còn nhỏ, chúng tôi sống gần gũi và thân thuộc lắm. Những giờ học thời ấy là những giờ thần tiên. Tình thầy cô, tình bạn bè sao mà đầm ấm. Còn nhiều hình ảnh và kỷ niệm thật đẹp nữa.

Đến bây giờ, tôi vẫn còn tin vào cái đẹp ở trong lòng của người Việt. Người Việt Nam nào cũng có lần rung cảm về tình yêu đối với quê hương, đối với đồng bào, đối với đất nước. Họ biểu lộ tình cảm nồng nàn ấy bằng hành động rất cụ thể từ các thùng quà gửi về cho quê hương và hàng loạt đợt gửi tiền về cho gia đình, bà con, bạn bè và các việc từ thiện. Phải nói tiền đô la, tiền Âu Châu, tiền Úc, tiền Nhật đổ về Việt Nam mỗi ngày không biết bao nhiêu mà kể cho hết. Tính “lá lành đùm lá rách” là nét đẹp của người Việt Nam.

Tôi muốn ca ngợi cho toàn thế giới biết về những cái đẹp này, nhưng có những cái đang xảy ra tại Việt Nam không được đẹp cho lắm, nhất dưới con mắt của người Tây Phương. Đó là xả rác một cách không ý thức. Tôi thấy từ em bé cho đến cả người lớn, ai ai cũng đều vứt rác ra đường. Đến đâu xả rác chỗ đó, thật là tội nghiệp cho quê mẹ. Xả rác không ý thức đã thành thói quen, nên mọi người xả xà lán một cách tự nhiên. Không những thế, tôi tận mắt thấy nhiều người mang từng thùng rác, bao rác ra đổ ở bờ sông, bờ biển, ruộng đồng... Bởi thế, quê hương mình là một đống rác. Đống rác nhìn có xinh đẹp và thơ mộng nữa hay không, hỡi các bạn. Nhưng cái đáng lo ngại nhất là ô nhiễm môi trường. Đồng bào ta sống nhờ vào nghề nông và nghề ngư. Đất nước ta từ thời xa xưa đã sống bằng hai nghề này, bởi vì công nghiệp cho đến bây giờ vẫn chưa phát triển lắm ở Việt Nam. Tất cả hàng hóa, vật chất đều nhập khẩu từ Trung Quốc, Đại Hàn, Nhật Bản…

Làm ô nhiễm sông hồ, biển cả thì các loài thủy tộc làm sao sinh sống và phát triển cho được. Nước chứa nhiều chất độc từ bịch ni lông, phân hóa học và rác rến cho nên các loài cá tôm cua chết đâu hết hoặc di cư đi nơi khác rất nhiều nên ngư dân đang gặp nhiều khó khăn lắm. Cọng với sự chèn ép của Trung Quốc, đồng bào ngư dân càng thêm khổ cực. Đồng ruộng rác nhiều quá cỡ và chất hóa học dùng giết sâu bọ quá độ làm độc hại thức ăn, rau cải, thực phẩm, thì làm sao đất mẹ và con người tiếp tục chịu nổi sự ô nhiễm này. Con người chỉ biết cái lợi trước mắt mà không biết cái hại to lớn cho tương lại môi trường của tổ quốc. Vì thế, tôi biết có nhiều cách khác để biểu lộ tình yêu cho quê hương mà ai ai cũng có thể làm được, dù mình là một em bé. Đó là không xả rác và phát động phong trào ý thức bảo vệ môi trường. Vấn đề là tự mình ý thức và nhắc nhở nhau ý thức, bởi vì ta sống vô ý nên ta không biết được ta đang xả rác. Vứt rác đã trở thành thói quen rồi, cho nên ý thức là căn bản. Lỡ mỗi khi các bạn vứt rác là tự ý thức ngay hãy bảo vệ quê hương. Thấy bạn nào xả rác, ta liền nhắc nhở rằng bạn có muốn quê mình xinh đẹp và sạch sẽ không ạ. Tôi đề nghị mỗi bạn đều mang theo một bao đựng rác bên mình, hễ có một miếng giấy là bỏ ngay vào bao rác. Hành động này tuy nhỏ nhặt, nhưng là một tình yêu cao cả cho đất mẹ quê hương. Công việc yêu thương quê hương thứ hai là mình đi lượm rác và phát triển phong trào lượm rác.

Rác có hai loại. Rác hữu cơ tức là rau cải, lá cây, thức ăn thừa.., và rác vô cơ là giấy, bao ni lông. Rác hữu cơ có thể làm thành phân xanh. Nhà nào cũng nên có một hầm rác hữu cơ để làm phân xanh. Rác này trong vòng vài tháng là tiêu hóa thành phân, bón rất tốt cho cây và rau cải. Nhà nào ở vùng quê cũng cần có hầm cầu để chứa phân người. Ta không nên đi cầu bừa bãi trên mọi đường, ruộng đồng, vườn tượt, sông ngòi, biển cả của quê hương. Đó là hành động thiếu văn minh và không lịch sự. Thứ rác này vừa hôi hám, không vệ sinh, tạo ra nhiều vi trùng, thật dơ dáy, làm cho người bản xứ cũng như khách phương xa không có cảm tình, không cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc. Loại rác này đất mẹ có thể tiêu hóa dễ dàng, vì thế sao ta không xây thêm nhiều cầu tiêu công cộng. Nhà nào cũng cần có nhà cầu để lấy nó làm phân. Có nơi để bản cấm đái, nhưng không có nhà vệ sinh thì người dân đi đại tiểu tiện ở đâu đây. Làm nhà vệ sinh có tốn kém là bao nhiêu mà ta lại để tình trạng ấy lan tràn khắp mọi nơi. Vậy, thay vì làm thêm nhiều khách sạn, nhà ăn, quán xá, ta hãy xây nhà vệ sinh công cộng để bảo vệ nét đẹp văn hóa của nước nhà. Chúng ta chỉ cần ủ phân ấy trong đất một thời gian thì nó sẽ biến thành phân rất tốt.

Các loại rác vô cơ khác như giấy có thể “reclycling” chuyển hóa lại thành giấy hoặc chôn vào lòng đất. Người mình ưa đốt giấy, nhưng nó tạo ra thán khí (carbondioxide), nguyên nhân làm hâm nóng trái đất. Thật ra, nguyên nhân chính làm hâm nóng trái đất là khói xe hơi, xe gắn máy và hãng xưởng. Ở Việt Nam, người ta dùng xe gắn máy quá nhiều, và nó là chúa tạo ra thán khí carbondioxide. Lượng khói carbondioxide thải vào không khí thật nhiều mỗi ngày. Nhiều khi chẳng cần thiết dùng xe gắn máy làm gì, thế mà vì vô ý thức ta cứ nổ máy xe để đi. Đi đâu ta cũng chả biết nữa, bởi vì ta cảm thấy cô đơn, ta không biết làm gì, nhất là ta không có ý thức về sự ô nhiễm môi trường. Bây giờ, hiện tượng hâm nóng toàn cầu, tức là nhiệt độ trái đất, tăng rất nhanh đã báo động khắp nơi. Cũng vì thế nhiều khối lượng băng đã tan thành nước. Nếu khối băng khổng lồ tan nhiều quá ở hai miền cực Nam Bắc thì mặt nước biển sẽ dâng lên cao. Lúc ấy sẽ có nhiều thành phố, thôn quê bị chôn vùi dưới đáy biển. Ai cũng công nhận rằng, hàng năm nước biển tấn công vào đất liền và lấy đi rất nhiều diện tích của các thôn quê chạy dọc theo miền duyên hải. Cho nên tốt nhất là giảm đốt giấy, đốt lá cây, đốt rừng và giảm tối đa đi xe gắn máy. Đi bộ vừa tốt cho sức khỏe, vừa không tốn tiền xăng mà giúp chận đứng được sự hâm nóng trái đất.

Đốt bịch ni lông còn tệ hơn nhiều, bởi vì nó tạo át xít đi vào không gian làm thành mưa át xít thì thật tai hại đến ruộng đồng, cây cối và đất đai. Rác cần phải được chuyển hóa từ lòng đất. Làng nào cũng nên có nơi chôn rác, nhà nào cũng cần có hầm rác. Nó vừa sạch sẽ, vừa có cơ hội để bồi thêm đất và có thể biến rác thành phân để trồng trọt.

Nhà nước có kêu gọi phong trào bảo vệ môi sinh, nhưng họ chưa làm tới mức. Chúng tôi là những người trẻ kính mong các bác công chức hãy làm gương bằng cách không xả rác mà còn đi lượm rác ở thôn quê của mình thì người dân sẽ bắt chước. Các bác là người yêu nước, thương dân thì phải hành động cụ thể chứ không thể nói không. Cách đây mấy mươi năm, Hàn Quốc cũng bị ô nhiễm trầm trọng do xả rác như Việt Nam bây giờ. Nhà nước Đại Hàn đã kêu gọi toàn dân làm sạch tổ quốc. Phong trào ấy thật rầm rộ, bởi vì nó là sự sống còn của đất nước ấy. Đài phát thanh nào, đài truyền hình nào cũng nói tới công trình lượm rác và chuyển hóa rác. Họ đào những cái hầm rất lớn để chôn rác hữu cơ. Họ lại đào một cái hầm khổng lồ và xây tường chung quanh để chứa rác vô cơ tức là bịch ni lông, bánh xe bỏ, các chất độc hại. Những thứ rác này có thể làm ô nhiễm đất đai, đi vào lòng đất, thấm vào dòng sông. Hồi đó, dòng sông chính ở Đại Hàn ô nhiễm trầm trọng. Nó hôi thối, cá chết thật nhiều, con người không thể dùng nước ấy để tắm rửa, giặt dủ... Thế mà, bây giờ dòng sông ấy đã sống lại, rất sạch, rất đẹp và thơ mộng. Cái hầm kia bây giờ đã trở thành công viên lớn nhất, vừa xinh đẹp, vừa mát mẻ cho thành Seoul, Nam Hàn. Đó là nhờ toàn dân ý thức bảo vệ nó.

Ý thức “không xả rác và lượm rác” sẽ làm cho quê hương Việt Nam sẽ sạch, đẹp đẽ và thơm tho. Người Tây Phương nào đến quê hương Việt nam cũng sẽ thích thú thưởng thức cảnh non xanh cẩm tú, nhất là sông, biển, núi rừng sạch sẽ. Các bạn ạ, chỉ cần làm bấy nhiêu thôi ta đã biểu lộ được tình yêu quê hương, yêu đất nước rồi. Tình yêu là bảo vệ. Chúng ta hãy làm đẹp cho quê hương bằng những hành động cụ thể là không xả rác và lượm rác. Mỗi lần về quê, đi đâu tôi cũng cầm một cái bao để lượm rác, nhưng nguời xả rác thì quá nhiều, vì thế cho nên tôi phải lượm rác thường xuyên suốt thời gian ở Việt Nam. Cảm động nhất là Jane, bạn của tôi có lần cùng về thăm ở quê hương với tôi, cô cũng cùng tôi đi lượm rác, và nhờ thế tôi kể cho Jane nghe những kỷ niệm đẹp về quê hương mấy mươi năm về trước.  

Tôi cần bàn tay của các bạn giúp làm đẹp cho quê hương để chúng ta cùng nhau ca ngợi một nước Việt Nam sạch sẽ, xinh đẹp và văn minh. Điều này chỉ làm lợi thêm cho nền kinh tế của nước nhà, bởi vì núi, rừng, sông, biển là tài nguyên, là nguồn sinh sống của toàn dân. Khi đất nước đẹp đẽ thì người khắp thế mới mới thích đến du lịch. Các bạn có biết không? Người Tây Phương đang phản ảnh về tình trạng rác rến quá mức ở Việt Nam. Hãy cùng nhau thắp sáng ý thức không xả rác và làm sạch quê hương.

Cảm ơn và xin chào các bạn.

Chân Pháp Đăng
Ngày mùa Đông năm 2010

(Nguồn: http://phusaonline.free.fr/MoiSinh/2010/2_yeu_que-huong.htm, trang Việt Nam Ăn Chay xin phép được in đậm một vài đoạn)
   

Thursday, January 21, 2010

Vì Sao Ăn Chay: Cơ Đốc giáo & Ăn chay

Trích đoạn “Tín đồ Cơ Đốc giáo có phải là người ăn chay?” 
Keith Akers, Colorado, Hoa Kỳ & Richard Shorter, Luân Đôn, Anh quốc 
Nguyên văn: Anh ngữ
Việt Nam Ăn Chay chuyển ngữ

Đa số tín đồ Cơ Đốc giáo ngày nay có lẽ ăn thịt mà không bận tâm nghĩ ngợi. Nhưng những bậc tiền nhân theo đạo Cơ Đốc đã là người trường chay, bao gồm Thánh Clement thành Alexandria, Origen, John Chrysostom, và Thánh Basil Cả. Theo tài liệu cổ, các Thánh Mát-thêu, Phe-rô và Giăng đều là người ăn chay.

Chúng tôi xin cống hiến những câu trích dẫn sau đây, mục đích không phải để làm bằng chứng cho việc ăn chay của người xưa, mà chỉ là một vài gợi ý cho những tín đồ Cơ Đốc giáo đang suy gẫm về ý nghĩa của bác ái, tình thương, và sáng tạo của Thượng Đế. Chúa có quan tâm đến loài vật không? Ngài có muốn chúng ta cũng quan tâm đến loài vật?

Chúa Quan Tâm Đến Loài Vật

Chúa nhân ái đối với mọi người,
tỏ lòng nhân hậu với muôn loài Chúa đã dựng nên.
Thánh Vịnh 145:9


Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng.
Mát-thêu 6:26


Chúa Muốn Chúng Ta Chăm Sóc Cho Loài Vật

Người công chính chăm lo cho sự sống đàn vật.
Châm Ngôn 12:10


Nếu thấy lừa của kẻ ghét ngươi quỵ ngã vì chở nặng, ngươi không được để mặc; ngươi phải giúp người ấy đỡ lừa dậy.
Xuất Hành 23:5


Khi anh em thấy lừa hay bò của người anh em mình ngã trên đường, thì đừng bỏ mặc làm ngơ, nhưng phải giúp người anh em đỡ chúng dậy.
Đệ Nhị Luật 22:4

Kẻ sát tế bò cũng là kẻ sát nhân.
I-sai-a 66:3


Lời Các Thánh

Hơi thịt làm tinh thần đen tối. Khó có thể đạo hạnh nếu thích ăn uống và tiệc tùng đãi thịt thà. Trên thiên đàng tại thế không có rượu, không ai giết thú vật, và không ai ăn thịt.
Thánh Basil

 
Mọi tạo vật đều là con cái của Cha và anh em của loài người… Thượng Đế muốn chúng ta giúp loài vật, nếu họ cần giúp. Mỗi loài khi gặp nạn đều có quyền được bảo vệ.
Thánh Francis thành Assisi

 
(Nguồn: http://www.ivu.org/news/95-96/religion.html)